[table]



Quanh số tiền 7.000 tỷ USD giải cứu kinh tế Mỹ


|
|

[/table]


Để giải quyết khủng hoảng kinh tế, Chính phủ Mỹ hiện đã sẵn sàng chi ra tổng số tiền lên tới 7.000 tỷ USD.

Nếu tính bổ đầu dân Mỹ, số tiền giải cứu này sẽ là 23.000 USD/người. Số tiền này cũng tương đương với hơn một nửa GDP hàng năm của Mỹ.

Đây quả thực là một số tiền gây sốc và lớn chưa từng có được đổ vào nền kinh tế của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới chứ không riêng gì Mỹ. Lần gần đây nhất Chính phủ Mỹ tung tiền để giải quyết khủng hoảng là vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 - thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay (savings and loans crisis).,

Tuy nhiên, số tiền 160 tỷ USD khi đó (tương đương với 237 tỷ USD hiện nay) mà Chính phủ Mỹ bỏ ra để giải quyết cuộc khủng hoảng này thật “khiêm tốn” nếu so với những gì mà họ đang bỏ ra để khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Chính phủ Mỹ có thể “lãi”

Mặc dù vậy, cần phải nói thêm, không thể coi số tiền 7.000 mà Chính phủ Mỹ chi ra là “một đi không trở lại”.

Một phần lớn trong khoản này là những khoản đầu tư, và thậm chí, Chính phủ Mỹ sẽ thu được lợi nhuận từ những “phi vụ” này. “Chắc chắn người nộp thuế ở Mỹ sẽ không mất cả 7.000 tỷ USD”, ông Dean Baker, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách của Mỹ nhận xét.

Trong số tiền 7.000 tỷ USD nói trên, Chính phủ Mỹ hiện đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ USD và đã thu hồi phần nhiều trong số này. Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thu hồi khoảng 1.200 tỷ USD trong số tiền 1.600 tỷ USD mà họ cho vay các ngân hàng Mỹ theo chương trình đấu giá các khoản vay lãi ưu đã (TAF).

Chính phủ Mỹ cũng thu tiền lãi từ các khoản cho vay đối với các ngân hàng, đồng thời có được cổ tức từ những khoản đầu tư vào các ngân hàng. Thêm vào đó, giá trị của cổ phần và các loại tài sản cầm cố mà Chính phủ nắm giữ cũng có thể tăng lên theo thời gian.

“Đây là một kế hoạch tốn kém, nhưng Chính phủ Mỹ buộc phải can thiệp. Thật khó để tính toán, nhưng Chính phủ có thể bán lại những tài sản này với một mức giá cao hơn một khi thị trường khởi sắc trở lại”, kinh tế gia trưởng John Silvia của ngân hàng Wachovia nhận xét.

Thêm nữa, một phần của số tiền 7.000 tỷ USD này có khả năng sẽ không bao giờ phải chi ra. Theo dự kiến, chương trình mua vào thương phiếu để hỗ trợ thanh khoản các doanh nghiệp nước này có thể tiêu tốn của FED 1.400 tỷ USD. Tuy nhiên, cho tới giờ phút này, FED mới chi có 270 tỷ USD cho chương trình.

Những người có quan điểm bi quan thì cho rằng, Chính phủ Mỹ “vung tay quá trán”, đặt tiền đóng thuế của dân vào nguy cơ không thể thu hồi. Họ e ngại, kết quả thu được từ những động thái chi tiền giải cứu kinh tế này sẽ không đem lại kết quả như mong muốn. Nhưng những người có quan điểm lạc quan thì lập luận rằng, phần lớn số tiền giải cứu này được sử dụng với mục đích dựng lên một rào chắn an toàn để ngăn hệ thống tài chính rơi vào sự sụp đổ hoàn toàn.

Phần lớn các nhà kinh tế cũng khẳng định, hậu quả của việc “khoanh tay đứng nhìn” sẽ là rất lớn. “Nếu không hành động, hệ thống tài chính sẽ rơi vào trạng thái ngừng hoạt động”, ông Baker nhận xét.

Có thể phải chi thêm

Nhiều khả năng, trong thời gian tới đây, Chính phủ Mỹ sẽ có thêm những động thái giải cứu mới, vì các nhà kinh tế cho rằng, những vấn đề nghiêm trọng mà các tổ chức tài chính đang phải đối mặt vẫn chưa hề giảm bớt. “Còn nhiều ngân hàng có khả năng đổ vỡ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang xin được cấp thêm tiền cho quỹ bảo hiểm tiền gửi. Vẫn còn nhiều nợ xấu chưa lộ diện”, ông Baker khẳng định.

Bên cạnh đó, hiện đang có nhiều đối tượng vẫn đang liên tục lên tiếng xin được các cơ quan chức năng Mỹ cứu trợ. Điển hình trong số này phải kể tới ba “đại gia” công nghiệp ô tô Mỹ là General Motors (GM), Ford và Chrysler. Tới ngày 2/12 này, các hãng xe này phải đệ trình lên Quốc hội Mỹ kế hoạch sử dụng và trả lại khoản tiền 25 tỷ USD mà họ đang xin Chính phủ hỗ trợ. Tuy nhiên, chính quyền tổng thống Bush đã khẳng định, họ không muốn dùng tiền trong Chương trình giải cứ tài sản xấu (TARP) 700 tỷ USD để hỗ trợ các hãng xe hơi.

Ngoài ra, một số quan chức chính phủ nhà bà Chủ tịch Sheila Bair của Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) thì kêu gọi dùng tiền của chương trình 700 tỷ USD để bảo lãnh cho các khoản nợ địa ốc nhằm khuyến khích các tổ chức cho vay tư nhân điều chỉnh khoản vay cho những người mua nhà khó có khả năng trả nợ.

Chưa hết, Tổng thống đắc cử Barack Obama của Mỹ cũng đang lên tiếng ủng hộ một chương trình kích thích kinh tế khác, theo đó sẽ hoàn thuế cho người tiêu dùng và các địa phương nhằm kích thích tiêu dùng. Các nhà kinh tế ước tính, kế hoạch này có thể tiêu tốn tới 500 tỷ USD.

Dưới đây là tóm tắt các chương trình giải cứu kinh tế và số tiền tương ứng mà Chính phủ Mỹ đã chi ra tính tới thời điểm hiện nay:

Cứu ngành tài chính


Đấu giá các khoản vay lãi suất ưu đãi (TAF): FED đã cho các ngân hàng Mỹ vay 1.600 tỷ USD, đổi lấy tài sản thế chấp là những tài sản xấu. Mức trần lượng tiền cho vay hàng tháng trong tháng 10 đã được nâng lên mức 300 tỷ USD từ mức 20 tỷ USD khi FED mới bắt đầu chương trình này.

Hoán đổi tiền tệ: FED đã thiết lập thoả thuận hoán đổi tiền tệ không giới hạn với 13 ngân hàng trung ương trên thế giới để hỗ trợ thanh khoản USD cho hệ thống tài chính toàn cầu. Tháng 9, trần hoán đổi USD của FED chỉ là 24 tỷ USD, tới tháng 10, mức trần này là 620 tỷ USD, và sau đó đã được loại bỏ.

Dàn xếp bán lại Bear Stearns cho JP Morgan Chase:
Để JP Morgan Chase mua lại ngân hàng đầu tư phố Wall Bear Stearns bên bờ vực phá sản hồi tháng 3 vừa qua, FED đã phải cấp cho JP Morgan một khoản vay đặc biệt 29 tỷ USD để bảo lãnh cho những khoản thua lỗ có thể xảy ra.

Cho các ngân hàng vay: Trung bình mỗi ngày FED cho các ngân hàng đầu tư vay 70 tỷ USD. Từ tháng 3 năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, các ngân hàng đầu tư được FED cho vay. Cộng thêm, các khoản vay mỗi ngày dành cho các ngân hàng thương mại lên tới 92 tỷ USD.

Bơm tiền vào các ngân hàng: Hiện Bộ Tài chính Mỹ đã bỏ 250 tỷ USD trong kế hoạch 700 tỷ USD để mua lại cổ phần ưu đãi trong các ngân hàng lớn ở nước này.

Cứu Citigroup: Chính phủ Mỹ đứng ra bảo lãnh cho 306 tỷ USD tài sản xấu của Citigroup và đầu tư thêm 20 tỷ USD cổ phiếu ưu đãi của ngân hàng này, ngoài 25 tỷ USD đã đầu tư trước đó trong đợt đầu tư nói trên.

FED hạ lãi suất: Lãi suất cơ bản đồng USD đã được hạ từ mức 5,25% vào tháng 9/2007 xuống còn 1% vào tháng 10/2008.

Cứu lĩnh vực tiêu dùng

Kế hoạch kích thích kinh tế:
Đầu năm nay, Chính phủ Mỹ đã có một kế hoạch kích thích kinh tế, theo đó cắt giảm 100 tỷ USD tiền thuế cho 140 triệu người đóng thuế ở Mỹ. Kế hoạch này nhằm mục đích kích thích tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng trợ cấp thất nghiệp:
Chính phủ Mỹ đã chi 8 tỷ USD để tăng thời hạn trợ cấp thất nghiệp từ mức 26 tuần lên mức 39 tuần. Hiện một số bang ở Mỹ phải áp dụng thời hạn trợ cấp thất nghiệp là 39 tuần sau khi một đạo luật mở rộng thời hạn này được thông qua hồi tháng 11.

Bảo lãnh tiền gửi tại các ngân hàng đổ vỡ: Tới thời điểm này, FDIC đã phải chi 15,5 tỷ USD để bảo lãnh tiền gửi tại 22 ngân hàng đổ vỡ ở Mỹ trong năm 2008.

Mua lại nhà bị tịch biên:
Chính phủ Mỹ đã cấp cho các chính quyền bang và địa phương tổng số tiền 4 tỷ USD để hỗ trợ việc mua lại những ngôi nhà bị ngân hàng tịch biên do chủ nhà không trả được nợ. Những ngôi nhà này sau đó sẽ được bán và cho thuê những người thu nhập thấp.

Bảo lãnh các khoản vay học tập:
Chính phủ Mỹ đa chi 9 tỷ USD để mua lại các khoản vay dành cho sinh viên từ các tổ chức cho vay tư nhân. Lãi suất đi vay gia tăng đã khiến những khoản cho sinh viên vay không đem lại lợi nhuận cho các tổ chức này, khiến một số tổ chức không cho sinh viên vay nữa.

Bảo lãnh cho các quỹ thị trường tiền tệ:
50 tỷ USD là số tiền mà Chính phủ Mỹ chi ra để bảo lãnh cho các quỹ đầu tư thị trường tiền tệ (money-market fund). FED đã bắt đầu cho vay không giới hạn đối để giúp các ngân hàng mua lại nợ của các quỹ đầu tư thị trường tiền tệ. Sau đó, FED nhất trí trực tiếp mua lượng nợ lên tới 69 tỷ USD từ các quỹ này. Trong tháng 10, FED cho biết sẽ cho vay trực tiếp tới 600 tỷ USD đối với các quỹ này trong vòng 6 tháng từ tháng 11.

Giải cứu thị trường nhà đất:
Chính phủ Mỹ đã công bố một chương trình 300 tỷ USD để bảo lãnh cho các khoản nợ cầm cố nhà kỳ hạn 30 năm, lãi suất cố định của những con nợ khó có khả năng trả nợ. Đạo luật này bao gồm một khoản 16 tỷ USD tín dụng thuế cho những người mua nhà lần đầu. Tuy nhiên, cho tới lúc này, các tổ chức cho vay vẫn tỏ ra lưỡng lự trong việc tham gia vào chương trình.

Bảo hiểm tiền gửi: Trần bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm ở Mỹ đã tăng từ mức 100.000 USD/tài khoản lên mức 250.000 USD/tài khoản. FDIC còn bảo hiểm không giới hạn đối với các tài khoản phi lãi suất và các loại nợ không được bảo đảm mới phát hành của ngân hàng.

Hỗ trợ cho vay tiêu dùng: FED cam kết chi 800 tỷ USD để mua lại các loại chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản cho vay tiêu dùng, trong đó có 200 tỷ USD để mua lại các loại tài sản bảo lãnh bằng các khoản vay thẻ tín dụng và cho vay mua xe, cộng với 500 tỷ USD để mua lại các loại chứng khoán địa ốc. FED còn mua 100 tỷ USD giấy ghi nợ của Fannie Mae và Freddie Mac.

Cứu doanh nghiệp Mỹ

Kích thích kinh doanh:
Chính phủ Mỹ cắt giảm thuế 68 tỷ USD cho các doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp có thêm tiền cho chi phí hoạt động hàng ngày.

Cứu Fannie Mae và Freddie Mac: 200 tỷ USD là số tiền mà Chính phủ Mỹ chi để giải cứu hai tập đoàn tài chính địa ốc khổng lồ này. Hiện Fannie và Freddie cùng với lượng tiền 5.000 tỷ USD cho vay địa ốc mà hai tập đoàn này nắm giữ đã nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ liên bang.

Cứu AIG: Để ngăn chặn sự đổ vỡ của “đại gia” bảo hiểm này, Chính phủ Mỹ đã chi 152,5 tỷ USD, trong đó có một khoản đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu ưu đãi, một khoản vay 60 tỷ USD với nhiều điều kiện khá dễ chịu, và một số chương trình mới để tiếp quản hoạt động bảo hiểm hoán đổi khả năng vỡ nợ (credit-default swap - CDS) của hãng này.

Hỗ trợ các hãng sản xuất ô tô: Chính phủ Mỹ đã cho các hãng xe hơi nước này vay 25 tỷ USD để giúp ngành này chuyển sang sản xuất những loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Hỗ trợ các công ty: Hiện FED đã mua vào lượng thương phiếu (commercial paper) trị giá 271 tỷ USD do các công ty phát hành để giúp doanh nghiệp có tiền mặt cho hoạt động hàng ngày. Số tiền được phân bổ cho cả chương trình này là 1.400 tỷ USD.