Giá thép từ giờ đến cuối năm chỉ có tăng mà không giảm[h3]
“Lao đao” vì giá thép liên tục tăng[/h3]


(Dân trí) - Việc giá thép liên tục tăng trong thời gian qua đã ảnh
hưởng lớn tới các chủ đầu tư công trình nhỏ lẻ cũng như các chủ thầu
xây dựng. Mặc dù vậy, theo hiệp hội thép, việc tăng giá này vẫn chưa
theo kịp tăng giá phôi trên thế giới…


Thép xây dựng tăng giá nhiều lần trongthời gianqua.

Tăng, tăng… và tăng


Khoảng giữa tháng 7 vừa qua, Tổng Công ty thép Việt Nam, Công ty
thép Pomina, thép Vina Kyoei tăng giá bán lên thêm 300.000 - 400.000
đồng/tấn thép. Trước đó một tuần, Tổng Công ty thép Việt Nam đã tăng
giá bán ở khu vực phía Nam lên 30.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và
tăng 180.000 đồng/tấn đối với thép cây; Công ty CP thép Việt - Ý cũng
thông báo tăng giá 300.000 đồng/tấn áp dụng cho tất cả các chủng loại,
kích cỡ...


Khảo sát tại thị trường TPHCM, thép cuộn đến tay người tiêu dùng giá
khoảng 11,6 - 11,8 triệu đồng/tấn tùy theo thương hiệu, thép cây dao
động từ 11,85 - 12,1 triệu đồng/tấn. Tại Hà Nội, giá thép cũng dao động
trong khoảng dưới 12 triệu đồng/tấn.


Việc tăng giá này sẽ chưa thể dừng lại vì ngay sau đó, ngày 3/8,
Tổng Công ty thép Việt Nam đã thông báo điều chỉnh tăng giá. Đồng thời,
ngày 9/8, đợt tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng tới giá VLXD nói chung và
giá thép nói riêng.


Khi giá xăng dầu và vật liệu tăng, đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên
thường là những người dân đang xây sửa hoặc có kế hoạch làm nhà, những
người không có kinh nghiệm trong việc xây dựng, tài chính thì eo hẹp.
Bởi vậy, mỗi lần biến động giá lại là một phen lao đao đối với họ.


Ông Văn, ở ngõ đầu phố Thái Hà (Hà Nội) đang xây dựng công trình nhà
ở cao 5 tầng than thở: “Không chỉ VLXD tăng giá mà cả tiền vận chuyển
cũng tăng, phụ trội lên hàng trăm triệu đồng”.


Trước tình hình giá VLXD biến động nhanh như vậy, không ít công ty
xây dựng cho biết, để giảm bớt rủi ro thiệt hại, họ đã phải thuyết phục
khách hàng ký hợp đồng theo từng giai đoạn hoặc hợp đồng mở, tức là nhà
đầu tư cùng chia sẻ với doanh nghiệp xây dựng khi giá nguyên liệu tăng
cao.


Với các chủ thầu xây dựng công trình lớn, tình hình này còn bi đát
hơn. Theo giải thích của lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội,
với các dự án lớn, mặc dù điều chỉnh giá nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ
tăng một ít thì các chủ thầu khó có thể đàm phán được với chủ đầu tư để
chia sẻ.


“Chỉ trong trường hợp có biến động lớn về giá, Bộ Xây dựng sẽ có văn
bản cho phép điều chỉnh thì chủ thầu mới không bị thiệt” - vị lãnh đạo
này cho biết.


Tốc độ tăng chưa theo kịp tăng giá phôi trên thế giới…


Trao đổi với Dân trí xung
quanh việc tăng giá trong thời gian qua, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch
hiệp hội thép Việt Nam giải thích: Nhiều nước đang trong giai đoạn phục
hồi kinh tế, vì vậy đã đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng trong nước
khiến nhu cầu thép tăng.


Thời gian qua, giá phôi thép trên thế giới đã tăng từ 420 - 430
USD/tấn lên 470 USD/tấn và hiện đang chào tới 500 USD/tấn. Bên cạnh đó,
trong nước, giá điện và xăng dầu tăng ảnh hưởng tới giá nguyên liệu đầu
vào của thép và giá vận tải…


Đáng chú ý là “tốc độ tăng giá này vẫn chưa kịp với giá phôi thép
trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu phôi với một tỷ lệ lớn. Bên cạnh
đó, cũng cần phải hiểu rằng các doanh nghiệp thép đã bị lỗ trong một
thời gian dài. Vì vậy họ cũng cần phải tính đến phương án bù lỗ và quan
trọng là mức tăng như thời gian là hợp lý” - ông Cường khẳng định.


Trước thông tin việc tăng giá thép có thể bị ảnh hưởng tới thị
trường tiêu thụ thép trong nước cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng thép
nhập khẩu, ông Cường cho biết: 7 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêu thụ thép
trong nước đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương với 2,3
triệu tấn thép).


Dự báo, ngành thép trong năm 2009 sẽ tốt hơn năm ngoái, không bị suy
giảm. Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp nhập khẩu thép cũng đang phải
chịu mức thuế cao, do đó việc tiêu thụ thép nhập khẩu có sự hạn chế
nhất định.


Theo nhận định của một số chuyên gia, giá thép từ giờ đến cuối năm
chỉ có tăng mà không giảm. Tuy nhiên, trả lời trên báo chí, ông Đinh
Sơn Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng:
tăng giá vật liệu trong nước tại thời điểm này thì chưa hợp lý, bởi sẽ
khiến cho chính sách bình ổn giá của Chính phủ bị xáo trộn, đồng thời
tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vừa mới được khôi phục.


Ông Hùng cũng kiến nghị, tạm thời Nhà nước nên bảo hộ mặt hàng vật
liệu xây dựng, đặc biệt là thép trong một thời gian bằng cách hỗ trợ
các công ty sản xuất giảm bớt thua lỗ, ít nhất là hết năm 2009. Đến lúc
đó nền kinh tế đã ổn định hơn, sự tăng giá của các mặt hàng vật liệu sẽ
đỡ gây xáo trộn thị trường.