I. Khái quát về Công ty hàng hải Đông Đô
Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô (VISERITRANS) là DNNN hạng I, đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam có trụ sở tại Tầng 19 tháp Hoà Bình, đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
Về lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, vận tải hàng hoá bằng đường bộ và dịch vụ đại lý vận tải container. Tuy nhiên, Công ty đã và đang triển khai một số loại hình sản xuất kinh doanh mới như cung ứng thuyền viên, đại lý mua bán hàng hoá, cho thuê kho bãi - văn phòng, dịch vụ sửa chữa tàu biển…
Hoạt động kinh doanh vận tải biển là hoạt động chủ yếu, chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong những năm gần đây. Tính tại thời điểm 15/10/2007, đội tàu vận tải biển của Công ty bao gồm 06 chiếc, được khai thác một cách có hiệu quả thông qua 02 phương thức :
- Cho thuê định hạn (time charter): Bao gồm 05 tàu được ký hợp đồng cho thuê định hạn với đối tác Nhật Bản với thời hạn từ 01 đến 05 năm với giá thuê trung bình khoảng 5000 USD/ngày
- Cho thuê tàu chuyến (voyage charter): Bao gồm 01 tàu, chủ yếu vận chuyển trên tuyến Việt Nam - Nam Trung Quốc với các mặt hàng chủ yếu là clinker, xi măng, gỗ băm, phân đạm,…với giá cho thuê dao động từ 60.000-80.000 USD/chuyến.
Danh sách đội tàu
STT /Tên tàu /Trọng tải (DWT) /Năm đóng /Nước đóng
1 Đông Sơn /10.024 /1976 /Nhật Bản
2 Đông Hồ /6.868 /1990/ Nhật Bản
3 Đông Ba /6.517 /2006 /Việt Nam
4 Đông Phong / 7.088/ 1994/ Nhật Bản
5 Đông An /7.091/ 1995/ Nhật Bản
6 Đông Thọ /10.094 /1998 /Nhật Bản
Tổng cộng 47.682 DWT
Bên cạnh đó, Công ty đã và đang đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh dịch vụ vận tải container, kết hợp với hệ thống kho bãi và phương tiện phụ trợ lên đến 10.000 m2 tại Hải An, Hải Phòng để làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ theo phương thức vận chuyển “door to door”.
Chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh
đơn vị : triệu đồng
TT Chỉ tiêu Năm 2005 Năm 2006 9 tháng 2007 % so với năm 2006
1 Tổng giá trị tài sản 293.253 482.957 602.072 124,7%
2 Doanh thu thuần 183.211 174.460 147.579 84,6%
3 Lợi nhuận trước thuế 65.903 7.334 45.036 614,0%
4 Lợi nhuận sau thuế 47.450 5.596 45.036 804,8%
(Lợi nhuận sau thuế năm 2005 tăng đột biến do lợi nhuận bất thường từ bán tàu Đông Du)
Với tổng trọng tải đội tàu lên tới 47.682 DWT, trong nhiều năm qua, Công ty được biết đến trên thị trường như một công ty vận chuyển uy tín và chuyên nghiệp, đóng góp lớn vào quá trình thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới.
Có thể đánh giá Công ty là một doanh nghiệp có quy mô trung bình so với các đơn vị trong ngành, nhưng có sự phát triển ổn định vững chắc, xây dựng được một môi trường văn hoá doanh nghiệp, có đội ngũ cán bộ lãnh đạo tâm huyết với Công ty. Với định hướng phát triển đúng đắn, với một đội tàu trẻ tuổi và quyết tâm của toàn thể cán bộ công nhân viên, Công ty Cổ phần hàng hải Đông Đô chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
II. Những dự án Công ty đang triển khai
1. Phát triển hoạt động vận tải biển: Từng bước thay đổi cơ cấu đội tàu theo hướng trẻ hoá đội tàu, nâng cao chất lượng, trọng tải bằng việc bán các tàu có trọng tải nhỏ, tuổi tàu cao như các tàu Đông Á 01 (2.100 DWT - đóng năm 1988), Đông Á 02 (2.087 DWT - đóng năm 1986), Đông Á 03 (2.183 DWT - đóng năm 1985), Đông Hà (11.463 DWT - đóng năm 1978), mua tàu Đông Thọ (10.094 DWT - đóng năm 1998), đang triển khai đóng mới tàu Đông Phú (12.500 DWT). Trong kế hoạch, Công ty đang khẩn trương tìm kiếm để mua thêm 02 tàu với tổng trọng tải khoảng 25.000-30.000 DWT đã qua sử dụng để tăng cường hoạt động vận tải biển, đồng thời đang chuẩn bị cho phương án đặt đóng mới tàu tại các công ty đóng tàu Nhật Bản.
2. Phát triển dịch vụ sửa chữa tàu biển: Ngay từ năm 2005, Công ty đã xây dựng “Dự án đầu tư xây dựng xưởng sửa chữa tàu biển Đông Đô tại Hải Phòng” với mục tiêu bù đắp một phần năng lực sửa chữa tàu biển trong nước đang bị thiếu hụt. Tháng 08/2006, Công ty đã mua Ụ nổi No. 31 trọng tải 8.850 DWT và lai kéo thành công về Hải Phòng để chuẩn bị đưa vào hoạt động. Công ty đang tập trung hoàn thiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng diện tích đất 27 ha tại Thuỷ Nguyên, Hải Phòng. Dự kiến giai đoạn I của nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2008.
3. Dịch vụ quản lý tàu thuê: Đây là một dịch vụ mới triển khai từ năm 2007. Là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận phù hợp (DOC) bởi Đăng kiểm Nhật Bản cho Bộ luật quản lý an toàn và Bộ luật An ninh hàng hải và bến cảng, không những Công ty được quyền quản lý các tàu của mình treo cờ quốc tế mà còn có thể quản lý tàu thuê cho các đơn vị khác có nhu cầu. Hoạt động kinh doanh này phát triển mạnh ở các nước phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông,…
4. Phát triển dịch vụ du lịch, khách sạn, cho thuê văn phòng: ngoài việc mua được 830 m2 văn phòng tại Tầng 19 - Tháp Hoà Bình để làm trụ sở chính, Công ty đã mua 02 tầng (1.763 m2) tại toà nhà 46 Lạc Trung và đang cho thuê làm văn phòng. Hiện tại, Công ty đang khẩn trương tìm kiếm địa điểm đầu tư văn phòng làm việc và cho thuê tại Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và chuẩn bị đầu tư xây dựng khách sạn tại Nha Trang để liên kết phát triển dịch vụ du lịch lữ hành.
III. Triển vọng phát triển của ngành vận tải biển và định hướng chiến lược của Công ty
Nhu cầu vận tải đường biển đang tăng cao do sự phục hồi kinh tế của các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia, động lực mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của ngành vận tải biển đến từ Trung Quốc, một quốc gia đang trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, khối lượng hàng xuất khẩu qua các cửa biển tăng rất cao (ước tính trên 30% mỗi năm).
Đối với Việt Nam, vị trí địa lý thuận lợi với biển Đông và đường bờ biển dài hơn 3000 km trải dài từ Bắc tới Nam là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế biển và các hoạt động vận tải biển. Hiện nay, vận chuyển bằng đường biển cũng chiếm khoảng 80% nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, với việc ra nhập WTO của Việt Nam tháng 11/2006 cùng với công cuộc đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam phấn đấu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các năm tới, khoảng 8,5%/năm. Để duy trì được tốc độ tăng trưởng này thì vận tải biển và dịch vụ cảng biển phải đi trước một bước, theo quy hoạch của Chính phủ tốc độ tăng trưởng của ngành phải đạt ít nhất 10% năm trở lên. Sự phát triển cao của nền kinh tế, trong đó có hoạt động thương mại quốc tế, sẽ là một cơ hội tốt cho hoạt động kinh doanh vận tải biển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường vận tải trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến thuận lợi, giá cước vận tải tăng từ 10% đến 20% so với năm 2006 sẽ là cơ hội kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.
Trong chiến lược phát triển dài hạn của mình, Công ty hàng hải Đông Đô xác định phải trở thành một doanh nghiệp vận tải biển có quy mô cỡ trung bình của ngành, trong đó vận tải biển là chủ đạo kết hợp với đầu tư, đa dạng hoá dịch vụ hàng hải như logistics, sửa chữa tàu biển, cung ứng thuyền viên, đại lý hàng hải…phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành, có khả năng cạnh tranh.
IV. Kế hoạch niêm yết trên HOSE trong quý IV/2007
Trung tuần tháng 11/2007, Công ty hàng hải Đông Đô sẽ triệu tập Đại hội cổ đông để xin ý kiến về việc niêm yết cổ phiếu của Công ty trên HOSE và sửa đổi Điều lệ nhằm phù hợp với Điều lệ mẫu là một bước trong lộ trình niêm yết cổ phiếu của Công ty trên Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Đây được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu của Công ty, đồng thời góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của Công ty trong nuớc và khu vực.
Với vốn điều lệ 89,2 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty hàng hải chiếm 51%, các tổ chức chiếm 5%, còn lại là các cá nhân chiếm khoảng 44%, Công ty được các nhà đầu tư đánh giá quy có mô vốn điều lệ ở mức nhỏ, trong đó lượng cổ phiếu có khả năng giao dịch trên thị trường chỉ khoảng 2-2,5 triệu cổ phiếu, nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng vốn trong tương lai để đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án Công ty đang và sẽ triển khai.
Cổ phiếu của Công ty hàng hải Đông Đô đang được giao dịch trên thị trường OTC với mức giá khoảng 52-55 nghìn đồng, nếu so sánh với giá giao dịch OTC của một số cổ phiếu khác trong ngành như VOSCO (~35.000), NOSCO (~50.000), VINASHIP (~55.000) thì mức giá giao dịch của cổ phiếu Đông Đô chứng tỏ tiềm năng phát triển của Công ty và nhận được sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư.
So sánh DDM với MHCSHC 9 tháng/2007
TT Chỉ tiêu DDM MHC SHC
1 Vốn điều lệ 89.200 93.878 30.000
2 Tổng giá trị tài sản 602.072 285.016 149.659
3 Doanh thu thuần 147.579 178.935 71.824
4 Lợi nhuận sau thuế 45.036 33.348 5.417
5 EPS 9 tháng/2007 5.049 3.552 1.805
6 Giá giao dịch 55.000 58.000 62.000
7 P/E 10,89 16,32 34
Lợi nhuận sau thuế dự kiến năm 2007 của Công ty hàng hải Đông Đô khoảng 55 tỷ đồng, như vậy EPS của 2007 khoảng 6.165 đồng/cổ phiếu.
Với mức P/E trung bình của ngành hàng hải khi niêm yết khoảng 15 thì giá của DDM khi chào sàn được các nhà đầu tư kỳ vọng ở mức 75.000-85.000 đồng/cổ phiếu vì các nguyên nhân sau:
- Hoạt động kinh doanh của Công ty tăng trưởng ổn định, kết quả kinh doanh tốt
- Vốn điều lệ vừa phải, lượng cổ phiếu có khả năng giao dịch trên thị trường không lớn.
- Các dự án Công ty đang triển khai có tiềm năng phát triển rất lớn, sẽ là thông tin hỗ trợ giá rất tốt cho cổ phiếu của Công ty khi chào sàn.