Kịch bản VND/USD
Thứ sáu, 21.03.2008, 01:49am (GMT+7)




thể nói, xét trên nhiều phương diện, tăng giá mạnh VND lúc này chính là
lúc chúng ta thu được lợi ích kinh tế nhiều nhất. Tuy nhiên, điều oái
oăm chính là ở chỗ, nếu tiến hành việc này theo kiểu "đánh rụp", rất có
thể chúng ta sẽ "mất cả chì lẫn chài".



Xét trên tổng thể, tăng mạnh tỷ giá VND vào thời điểm hiện nay sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho nền kinh tế.


Hai thái cực đối lập


Bởi trước hết, đó là
sau 17 năm thực hiện thành công đường lối đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng
điều không hề mong muốn là tốc độ tăng nhập khẩu còn mạnh hơn, khiến
"con tàu xuất khẩu" của chúng ta đã trở nên quá khổng lồ so với cả nền
kinh tế.


Trong bối cảnh như vậy,
tăng mạnh tỷ giá VND so với USD xét về bản chất chính là định lại giá
đồng nội tệ cao hơn hẳn so với đồng tiền được dùng thanh toán tới
khoảng 90% các giao dịch ngoại thương sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn
nhất cho đất nước, đồng thời góp phần chống lạm phát.


Bởi lẽ, tuy vẫn phải
bằng một lượng USD không đổi, nhưng bằng một lượng VND ít hơn hẳn,
chúng ta vẫn có thể nhập khẩu được cùng một lượng hàng hoá như trước,
tức là hàng hoá được nhập khẩu với giá trong nước rẻ hơn hẳn, cho nên
cũng góp phần hữu hiệu chống lạm phát. Trong khi đó, do "con tàu xuất
khẩu" nhỏ tương đối kỷ lục với "con tàu nhập khẩu", cho nên khoản thiệt
do giá xuất khẩu hàng hoá tính bằng VND rẻ đi cũng là ít nhất. Mặt
khác, cũng do giá hàng hoá xuất khẩu rẻ đi, cho nên giải pháp này cũng
góp phần chống lạm phát giống như việc kéo giá hàng nhập khẩu xuống.





Nếu "ôm vào" nguồn hàng khổng lồ liên tục mất giá như USD hiện nay, nguy cơ phá sản của các NHTM là rất lớn



Tuy nhiên, điều mấu
chốt để thực hiện bước đột phá này chính là sức mua của VND có đủ mạnh
hay không. Về phương diện này, có lẽ chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm,
bởi sức mua của VND hoàn toàn đủ mạnh hơn chúng ta vẫn tưởng. Bởi lẽ,
theo kết quả của một công trình nghiên cứu do Ngân hàng thế giới tiến
hành trên phạm vi toàn cầu mang tên International Comparision Program
2005 (ICP 2005), tính bình quân cho 1.000 mặt hàng phổ dụng trên toàn
thế giới, 1 USD ở nước ta có sức mua bằng 3,3667 USD ở thị trường Mỹ.
Và hơn thế, cũng cần nhấn mạnh rằng, đây là tỷ lệ cao thuộc loại hiếm
có trên thế giới.


Bên cạnh đó, một vấn đề
cũng hết sức quan trọng là, bối cảnh quốc tế và trong nước đang đòi hỏi
chúng ta phải gấp rút tiến hành bước đột phá này. Trước hết, xét trên
bình diện toàn cầu, do "bóng ma" suy thoái đang bao phủ nước Mỹ, đồng
tiền của nền kinh tế khổng lồ nhất hành tinh này đang "tụt dốc" rất
mạnh so với không chỉ những đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường thế
giới, mà cả so với đồng tiền của hàng loạt những nền kinh tế "thường
trường bậc trung".


Chẳng hạn, trong một
năm qua, USD đã giảm giá 14,75% so với EUR, 14,53% so với Yên Nhật,
14,5% so với Peso Philippines, 10,45% so với Đôla Singapore, 3,96% so
với Bath Thái Lan.., nhưng so với VND thì tổng mức giảm hai lần giữa và
cuối năm chỉ khiêm tốn ở mức 0,5%.


Còn hiện tại, với việc
FED tiếp tục cắt giảm lãi suất chiết khấu thêm 0,25 điểm phần trăm
xuống còn 3,25% ngày 16/3 vừa qua, có lẽ tỷ giá của USD so với các đồng
tiền trên chắc chắn chưa tới mức đáy.


Chưa sẵn sàng đón nhận


Tuy nhiên, ở một thái
cực khác, nền kinh tế nước ta đang ở vào trạng thái có lẽ là không sẵn
sàng nhất để đón nhận bước đột phá này. Trước hết, đó là giá tất cả các
đầu vào của các DN đều ở trong tình trạng hết sức căng thẳng, trong khi
đó, giá của các sản phẩm đầu ra tuy vẫn tăng, nhưng mức tăng thấp xa so
với giá nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác, khiến cho hiệu quả sản
xuất kinh doanh giảm.


Trong bối cảnh như vậy,
những giải pháp thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát của Chính phủ
đã tạo ra những trở ngại mới cho không ít DN.


Nói cách khác, việc
thắt chặt tiền tệ đã tạo ra bức rào chắn để chỉ tiếp tục duy trì những
DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao và đẩy các DN làm ăn kém hiệu
quả ra khỏi thị trường, cho nên đương nhiên đồng nghĩa với việc thu hẹp
quy mô sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Trong bối cảnh đã chồng
chất khó khăn như vậy, việc tăng mạnh tỷ giá VND/USD ở thời điểm này
không khác gì "đòn knock-out" đối với các DN xuất khẩu.


Trước hết, nếu như biên
độ dao động tỷ giá được nới rộng từ ±1% hiện nay lên ±4%, với tỷ giá
giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do NHNN
công bố ngày 18/3 là 16.005 VND/USD, thay vì 15.845 VND/USD (giảm 1%),
giá mỗi USD sẽ "rơi tự do" xuống chỉ còn 15.365 VND (giảm 4%), tức là
sẽ sát với mức giá mà thị trường ngoại tệ tự do hiện nay.


Tuy nhiên, bên cạnh
những lợi ích toàn cục to lớn như đã nói ở trên, hàng loạt DN xuất khẩu
chắc chắn sẽ bị "sập tiệm" do cú sốc tỷ giá này.


Bởi lẽ, giả định là DN
bước vào chu kỳ sản xuất kinh doanh từ cách đây 3 tháng, cho nên cứ mỗi
USD nguyên liệu đã phải chi trả 16.116 VND để thu được sản phẩm hiện
nay với giá 1,2 USD, nhưng chỉ thu được 18.438 VND, thay vì 19.339 VND
như đã "tính cua trong lỗ", tức là bị mất 901 VND, tương ứng với 4,66%.
Trong đó, nếu như khoản "thua" do tỷ giá liên ngân hàng giảm chỉ là 113
VND, tương ứng với 0,58%, còn khoản "thua" do nới rộng biên độ dao động
tỷ giá là 788 VND, tương ứng với 4,07%.


Tất cả những điều nói
trên cho phép dự báo rằng, nếu nới rộng biên độ dao động tỷ giá lớn như
vậy, "đoàn tàu xuất khẩu" của nước ta chắc chắn sẽ khựng lại, bởi sẽ
lâm vào tình trạng lỗ chồng lên lỗ.


Đi tìm kịch bản


Trước hết, xét trên
tổng thể, tỷ giá là vấn đề không thể không giải quyết, nhưng phải có
một thời gian đủ dài để làm một cách từ từ, thận trọng. Mấu chốt của
vấn đề chính là để cho các DN từng bước thích nghi dần.


Rõ ràng là không thể
chọn kịch bản gây sốc quá mạnh bằng cách nới rộng biên độ dao động tỷ
giá lên 3-4%, thậm chí 5% như một số ý kiến đã nêu. Việc đã hai lần nới
rộng biên độ dao động tỷ giá từ ±0,5% chỉ lên ±0,75% vào đầu năm nay và
bước tiếp theo cũng chỉ nhích lên 0,75% vào thượng tuần tháng 3 này đã
đủ khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu đồng loạt "kêu cứu" đủ cho thấy sức
mạnh ghê gớm của công cụ "mỏng manh" này.


Tuy nhiên, khai thông
những ách tắc trong dòng chảy USD hiện nay là điều không thể không làm.
Bởi lẽ, nếu "ôm vào" nguồn hàng khổng lồ liên tục mất giá như USD hiện
nay, nguy cơ phá sản của các ngân hàng thương mại là rất lớn. Và một
khi dòng chảy này chưa được khai thông, USD càng ế ẩm, tình trạng mất
giá càng nghiêm trọng hơn, "đoàn tàu xuất khẩu" bị "lật" và kéo ngay
theo nó là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ "tụt dốc" mạnh, thậm chí còn
phải tính đến cả những kịch bản xấu hơn nữa.


Trước nguy cơ ngày càng
tăng như vậy, có lẽ đã đến lúc Chính phủ cần nhanh chóng phát hành trái
phiếu ngoại tệ ra công chúng với lãi suất cao, có thể là 6%/năm. Và số
trái phiếu này có thể đem đầu tư trên thị trường trái phiếu quốc tế với
lãi suất có thể chỉ thấp bằng một nửa.


Rõ ràng, cho dù cứ 1 tỷ
USD ngân sách nhà nước sẽ bị lỗ khoảng 30 triệu USD mỗi năm, nhưng
những cái được là lớn gấp bội: vừa góp phần chống lạm phát, giảm áp lực
mua ngoại tệ trong công chúng, từ đó tập trung mua ngoại tệ của các DN
xuất khẩu.

Tất
cả những điều nói trên cũng có nghĩa là, giải quyết vấn đề tỷ giá một
cách bài bản là vấn đề của tương lai, chí ít là sau khi "cơn bão giảm
giá USD" đã đi qua, nhưng chắc chắn là phải theo một lộ trình được tính
toán một cách cẩn trọng để nền kinh tế có đủ thời gian thích nghi từng
bước một.