Lướt sóng với dòng tiền "nóng"

Thứ tư, 07.05.2008, 07:42am (GMT+7)


(TCK)Thị trường trên
cả hai sàn giao dịch hiện đang trong tình trạng èo uột và chỉ số giá
đều đặn suy giảm mỗi ngày. Tuy nhiên, cơ hội "kiếm ăn" không phải là
không có và thị trường luôn có sự luân chuyển của một dòng tiền "cần
mẫn" để "lượm lặt" những chênh lệch giá dù là rất nhỏ.



Nếu nhanh tay nhanh mắt, NĐT vẫn có thể tìm thấy một chút niềm vui.

Dấu hiệu của CP "nóng"

Một
điều dễ nhận thấy trong khoảng 3 tuần gần đây, kể từ khi biên độ giá
được mở rộng hơn, là sự phân hóa rõ rệt về giá. Trong khi đa số CP rơi
vào tình trạng sụt giảm sàn liên tục thì vẫn có những mã tăng giá, thậm
chí là tăng kịch trần.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá
này là chênh lệch cung cầu: Lượng chào mua lớn hơn chào bán. Đó là biểu
hiện của dòng tiền đang chảy vào với nhiều kỳ vọng khác nhau và đây
chính là cơ hội kiếm lời.

Với CP dạng này, một đặc điểm dễ nhận
thấy là nhu cầu mua thực tế mạnh, thể hiện ở lệnh đặt mua trần và lệnh
tự động (ATO) ngay những phút đầu tiên. Dấu hiệu mua đầu phiên có độ
tin cậy cao hơn vì trong đợt khớp lệnh liên tục hoặc đóng cửa khối
lượng chào mua chào bán có thể bị sai lệch do các lệnh mua cố tình đặt
giá cao khi biết chắc chắn bên đối ứng không có đủ khối lượng tương ứng
- một hình thức kích động tâm lý. Các CP càng có khối lượng mua/bán tập
trung lớn ở hai mức giá cao nhất và thấp nhất càng đáng chú ý.

Trong
hoàn cảnh nhà nhà bán tháo, bất kỳ mã nào có lượng bán thấp đều đáng
lưu ý. Vì khi đó có thể có hai nguyên nhân: Thứ nhất, giá quá thấp, NĐT
không muốn bán nữa và thứ hai, người nắm giữ CP cho rằng giá khó có thể
giảm sâu hơn và kiên trì không bán ra. Cả hai trường hợp trên đều cho
thấy lượng bán ra cạn kiệt, đồng nghĩa với việc giá CP có dấu hiệu
chững lại hoặc sẽ tăng. Cần chú ý lượng bán phải được so sánh với khối
lượng giao dịch để loại ra các mã có tính thanh khoản quá thấp.

Tuy
nhiên đó chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là sức mua phải lớn, mặc dù
xác định thế nào là lớn phải linh hoạt trong từng hoàn cảnh. Cũng cần
phân biệt khối lượng giao dịch thấp xuất phát từ việc bán ít rất khác
với khối lượng thấp do không có người mua. Do đó, các CP "nóng" trong
tầm ngắm phải được theo dõi.
Cẩn trọng khi lướt sóng

Đầu
tư ngắn hạn kiểu lướt sóng không tuân theo những phân tích cơ bản mà
chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu. Điểm cần lưu ý khi lướt sóng là đừng
mong chờ một mức sinh lời hàng chục phần trăm, nhất là trong biên độ
hẹp như hiện nay.

Thông thường ngày CP về tài khoản (T+4) có
tác động lớn đến cung cầu vì xu hướng chốt lãi sẽ mạnh hơn. Mặt khác,
do CP tăng giá kiểu này không hẳn đã là CP tốt nên cần tránh suy nghĩ
nếu thua lỗ sẽ chuyển sang đầu tư dài hạn.

Phản ứng của NĐT
lướt sóng phải hết sức nhanh nhạy và quyết định ngay, tuyệt đối không
được tham vì cung cầu có thể đảo ngược sang tình trạng mất tính thanh
khoản và muốn bán cũng không có người mua.

Bên cạnh kỹ năng đọc
bảng giao dịch là điều kiện quan trọng quyết định sự thắng lợi trong
mỗi lần lướt sóng, điều cuối cùng là NĐT lướt sóng phải biết chấp nhận
rủi ro. Rủi ro lớn nhất là giá đổi chiều khi CP chưa kịp về tài khoản.

Với
tình trạng thị trường yếu như hiện tại, các lệnh chặn lỗ (stoploss)
cũng có thể mất tác dụng khi CP đó mất tính thanh khoản. Tham lam và hi
vọng là hai yếu tố không tồn tại với NĐT lướt sóng.


http://TinChungKhoan24h.Com
http://TinChungKhoan.Com