Lập quỹ bình ổn chứng khoán liệu có ổn?

Thứ sáu, 27.06.2008, 09:22am (GMT+7)


(TCK)Trong
thời điểm này, đề xuất thành lập quỹ bình ổn thị trường chứng khoán
được đón nhận với cả ý kiến đồng tình lẫn phản đối.



Quỹ bình ổn chứng khoán là một mô hình góp vốn bằng tiền mặt của các
thành viên thị trường nhằm ổn định thị trường chứng khoán khi có những
chuyển biến mạnh.



Số tiền đóng góp vào quỹ có thể chỉ là nguồn vốn của Nhà nước hoặc bao
gồm cả nguồn đóng góp của các chủ thể tham gia thị trường.



Quỹ tham gia hỗ trợ bình ổn thị trường bằng cách mua vào hoặc bán ra khi thị trường quá lạnh hoặc quá nóng.



Mô hình của các nước



Tại Hàn Quốc, mô hình này đã từng xuất hiện năm 1968. Singapore, Hồng
Kông, Đài Loan cũng có mô hình quỹ bình ổn thị trường theo hình thức
này. Nhật Bản đã hình thành quỹ này từ những năm 60 của thế kỷ trước.



Theo lời kể của ông Hideki Kondo, Trưởng đại diện Công ty chứng khoán
Daiwa tại Hà Nội, năm 1964, khi chỉ số Nikkei của thị trường chứng
khoán Nhật Bản từ đỉnh cao trên 1800 điểm rơi xuống gần 1000 điểm, nền
kinh tế Nhật Bản cũng gặp một số khó khăn tương tự nền kinh tế Việt Nam
hiện nay.



Đó là, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, cán cân thanh toán thâm
hụt, lạm phát tăng cao. Chính phủ Nhật Bản đã phải tăng lãi suất để
kiềm chế lạm phát và thành lập một công ty chứng khoán, hoạt động như
mô hình một quỹ bình ổn.



Các thành viên góp vốn cho công ty này thuộc lĩnh vực tư nhân, bao gồm
các ngân hàng, các công ty môi giới chứng khoán. Số vốn huy động được
khoảng 10 tỷ Yên. Sau hơn 1 năm, thị trường chứng khoán Nhật đã có phần
hồi phục.


Lập quỹ bình ổn ở Việt Nam liệu có ổn?


Khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống trong giai đoạn vừa qua, ý
tưởng hình thành quỹ bình ổn thị trường được nhìn nhận là một hướng đi
tích cực.



Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán
Việt Nam (VASB): “Về lý thuyết, đây là một mô hình rất tốt và là hướng
đi phù hợp để cứu thị trường. VASB không kỳ vọng quỹ này sẽ mua hết
nhưng sẽ góp phần giúp nhà đầu tư yên tâm hơn”.



Tán đồng với việc hình thành quỹ, ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc Quỹ
Dragon Capital, Văn phòng Hà Nội, nói: “Mục tiêu của Quỹ là bình ổn thị
trường. Vì vậy, quỹ có tác động ổn định thị trường trong ngắn hạn và
phát triển thị trường trong dài hạn. Trong ngắn hạn, các thành viên
tham gia quỹ có thể gặp một số khó khăn khi phải hy sinh lợi ích ngắn
hạn để phục vụ mục tiêu dài hạn”.



Ông Tuấn cũng cho biết, vì Dragon là một quỹ lớn, chúng tôi tin tưởng
vào thị trường Việt Nam và có cảm giác phải có trách nhiệm với thị
trường nên chúng tôi sẵn sàng tham gia.



Ông Lê Hồ Khôi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty
Cổ phần Chứng khoán Tràng An, nêu quan điểm: “Những chủ thể tham gia
thị trường như chúng tôi sẽ sẵn sàng đóng góp vào quỹ nếu thấy rõ được
hiệu quả hoạt động của quỹ, tính minh bạch, công bằng đối với các thành
viên thị trường”.



Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất về quỹ này là cơ chế điều hành và quản trị
nguồn vốn như thế nào để đảm bảo lợi ích công bằng của các chủ thể thị
trường.



Ông Kỳ bày tỏ ý kiến quan ngại: “Đây là một vấn đề phức tạp và khó
khăn. Mua bán như thế nào, lỗ lại được tính toán ra sao đều là những
vấn đề khó khăn cần xem xét kỹ lưỡng và cần có sự đồng thuận giữa các
thành viên. Thêm vào đó, ở Việt Nam vẫn có tình trạng đầu cơ và thao
túng nên việc vận hành quỹ là một vấn đề rất phức tạp”.



Ông Kỳ cũng cho rằng việc hình thành quỹ dù sao vẫn rất cần sự hỗ trợ
của Chính phủ và các tổ chức. Theo đó, Nhà nước có thể trích một phần
thặng dư trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn để
đóng góp vào quỹ.



Về cách điều hành của Quỹ, ông Minh Tuấn đề xuất, Chính phủ phải có
đóng góp vào quỹ nhưng không nên tham gia điều hành. Việc điều hành nên
để các thành viên thị trường bầu chọn, không chỉ dựa trên tiêu chí về
số vốn mà quan trọng hơn là tiêu chí về đạo đức. Đồng thời, Chính phủ
nên đối thoại với quỹ về hoạt động của quỹ.



Ngược lại, quỹ cũng có thể thỏa thuận với Chính phủ về những điều kiện
để tuân thủ các mệnh lệnh của Chính phủ, đồng thời, yêu cầu chính phủ
minh bạch công khai thông tin để phục vụ các hoạt động bình ổn của quỹ.




Nhiều ý kiến phản đối việc hình thành quỹ trong thời điểm hiện nay vì e ngại tính công bằng và hiệu quả của việc góp vốn.



Một số ý kiến cho rằng không nên bắt công ty chứng khoán góp vốn vì khả
năng tài chính hiện tại của nhiều công ty chứng khoán là rất khó khăn,
thay vào đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nên
mua vào những cổ phiếu mà nhà đầu tư ngoài đã mua hết “phần” của mình,
sau đấy bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài dưới dạng chứng chỉ quỹ.



Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng đây tiếp tục là một công cụ phi
thị trường. “Chứng khoán là một loại thị trường đặc biệt, nhất là trong
thời điểm này, khi thị trường đã phát triển đến một mức độ tương đối
lớn, không thể áp dụng cách thức bình ổn như những thị trường khác”
giám đốc một quỹ đầu tư bình luận.



Ông Hideki Kondo cho biết, lần thứ hai Nhật Bản hình thành quỹ bằng quỹ
hưu trí của Nhà nước, nhưng sau đấy thị trường lại bị sụt giảm trong
vài năm liền và kết quả từ hai lần can thiệp hành chính của Chính phủ
Nhật Bản đối với thị trường chứng khoán thực chất là tương đồng với với
tình trạng sức khỏe của nền kinh tế và các doanh nghiệp.



“Thực ra, quỹ này chỉ có tác động trì hoãn sự sụt giảm của thị trường.
Vì vậy, nên để thị trường vận hành một cách tự do, theo đúng chức năng.
Tuy nhiên, vẫn có thể thành lập quỹ này khi thị trường có nguy cơ sụp
đổ. Đây là một cách làm rất nguy hiểm, và cần đặc biệt xem xét đối với
những thị trường chưa phát triển” ông Hideki Kondo nói.



http://tinchungkhoan24h.com/News/Phan-Tich-Danh-Gia/22544/