Đèo Nai kỳ này khác trước
Thứ năm - 29/12/2011 16:38





Trên chuyến xe lên đỉnh Đèo Nai, chị Bùi Thị Thu Thủy, phụ trách Đài truyền thanh Công ty than Đèo Nai cho chúng tôi biết, năm nay, dù kế hoạch cao hơn năm trước, điều kiện sản xuất cũng khó khăn hơn, nhưng đến cuối tháng 11, các chỉ tiêu chính của Đèo Nai đã cơ bản hoàn thành. Hôm 12/11, Công ty làm lễ tuyên dương 88 tổ đội về trước kế hoạch năm 45 ngày. Tuy nhiên, so với kỳ này năm trước, Công ty có nhiều điểm khác. Tôi hỏi, khác là khác chỗ nào? Chị Thủy nói, anh cứ lên công trường, tìm hiểu các quản đốc, công nhân, họ nói khách quan hơn.


Khai trường than Đèo Nai những ngày cuối năm

Lên công trường, thoạt nhìn quang cảnh sản xuất, chúng tôi thấy chẳng có gì khác.Vẫn những chiếc xe trọng tải lớn chạy rầm rập; những chiếc máy xúc cần mẫn ngoạm đất đá. Khai trường dường như không thấy bóng người, chỉ thấy máy và xe.

Chúng tôi đến Phân xưởng Vận tải số 5. Đây là phân xưởng đầu tiên của Công ty được giao quản lý sử dụng dàn xe CAT trọng tải 58 tấn. Năm 2003, PX nhận 10 xe thì năm sau đã có 9 xe đạt năng suất kỷ lục ngành Than. Bây giờ, sau nhiều năm hoạt động, những chú xe khổng lồ ngày nào trở nên già nua, hay hỏng vặt. Tuy vậy, theo ông Phan Thanh Bình, Phó Quản đốc Phân xưởng thì dù già nua, nhưng nhiều chiếc xe trong số đó hiện vẫn đạt năng suất cao. Điển hình là xe số 07, đến nay đã chạy hơn 46 nghìn giờ, đã 3 lần đạt năng suất kỷ lục, vẫn hoạt động tốt. Là bởi, Công ty đã chú trọng tới công tác đào tạo, nâng cao trình độ quản lý sử dụng thiết bị. Trong đợt thi thợ giỏi Tập đoàn vừa qua (lần thứ 8 năm 2011), Đèo Nai được xếp thứ Nhất trong khối Lộ thiên của Tập đoàn với 24 công nhân đạt thợ giỏi.


Nói đoạn, ông Bình đưa chúng tôi đến tổ sửa chữa xe, đến hào-một trong những khu sản xuất chính của Công ty. Mới hay, kỳ này năm nay khác với kỳ này những năm trước ở chỗ, Đèo Nai thi đua về đích rất ung dung, chứ không vội vàng tất bật như kỳ này năm trước. Những năm trước, vào kỳ này, các phân xưởng đang ra sức chạy kế hoạch; thậm chí họp tổng kết cũng tổ chức ban đêm hay ngày chủ nhật. Năm nay thì thảnh thơi rồi. Kế hoạch năm 2011 của Đèo Nai khai thác 2,75 triệu tấn than, bóc xúc vận chuyển 30 triệu m3 đất đá, doanh thu gần 3 nghìn tỷ đồng. Đến 12/11 Công ty đã khai thác 2,5 triệu tấn than, bốc xúc 26 triệu mét 3 đất đá, doanh thu gần 2,7 nghìn tỷ đồng; trên 3150 CNCB có đủ việc làm với mức thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/ người/tháng, công nhân lái xe trọng tải lớn, công nhân khai thác than đạt 9,5 triệu đồng/tháng. Những ngày này, sản lượng bốc xúc đất đá bình quân của Đèo Nai khoảng 106 m3 đất đá; mỗi ca huy động trên 100 ô tô trọng tải lớn. Đà này, Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch vào ngày 20/12.

Để ung dung về đích như nêu trên, Đèo Nai đã áp dụng nhiều biện pháp quản lí, điều hành mới. Chẳng hạn, trước đây, vào những ngày mưa lớn, Đèo Nai vẫn tổ chức sản xuất bình thường. Nhưng thực tế cho thấy, kết quả sản xuất những ngày mưa không cao; chi phí tiêu hao nhiên liệu lớn, lốp xe mòn nhanh. Năm nay, những ngày mưa lớn, Đèo Nai tập trung cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị và thoát nước. Đèo Nai hiện khai thác ở độ sâu âm 90 mét. Khai trường như lòng chảo khổng lồ. Những ngày mưa, nước bốn bề đổ xuống lòng chảo. Lâu nay, Đèo Nai đã làm những con đê men theo lòng chảo để ngăn nước, bảo vệ khai trường, đến mùa khô lại phá đi để khai thác than. Nhưng hầu như năm nào cũng bị vỡ đê. Mỗi lần đê vỡ, nước kéo theo bùn đất dội xuống lòng chảo, khi khai thác phải tốn nhiều công sức để vận chuyển bùn đất. Năm nay, do làm tốt công tác thoát nước nên đã ngăn chặn tình trạng vỡ đê.

Có những biện pháp, tưởng là nhỏ nhưng hiệu quả không nhỏ. Chẳng hạn việc ăn cơm công nghiệp. Trước đây, đến bữa ăn công nghiệp, công nhân từ các vị trí sản xuất đến nhà ăn ca, vừa đi lại vất vả, tốn thời gian. Thì nay, có người mang cơm công nghiệp tới tận máy. Công ty cũng đang thí điểm giao ca tại ô tô .v.v.

P.V