Thứ 2, 16/05/2011, 15:32
Kiến nghị tăng giá than bán cho sản xuất điện



Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ cho phép điều chỉnh giá than cho điện theo cơ chế phù hợp.
Theo lãnh đạo Vinacomin, trước đây giá than cho điện được đề nghị tăng bằng 90% giá than xuất khẩu. Tuy nhiên, với tình hình tỷ giá, chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, giá than bán cho điện mới chỉ bằng 60% giá xuất khẩu.

Theo thông tin từ Vinacomin, tiêu thụ than 4 tháng đầu năm ước đạt 13,8 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 10,1 triệu tấn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Phạm Tuyên - Tiền phong






Thứ 5, 26/05/2011, 15:42
Than đá vẫn là nguồn năng lượng chính của thế giới


Than đá vẫn là nguồn năng lượng chủ chốt ít nhất là cho đến năm 2050 và Australia không nên từ bỏ việc xuất khẩu loại nhiên liệu hóa thạch này cho đến lúc đó.
Đây là ý kiến của ông Roger Beale, Giám đốc điều hành phụ trách kinh tế và chính sách thuộc Công ty tư vấn tài chính Pricewaterhouse Coopers kiêm ủy viên Ủy ban Khí hậu Australia.

Theo ông Roger Beale, Australia cần chấp nhận "sự thật khắc nghiệt" rằng than đá sẽ là một nguồn năng lượng "không thể tránh được" cho ít nhất 30 năm tới và việc đóng cửa ngành công nghiệp này sẽ không cứu được thế giới vì nếu Australia không cung cấp than đá thì những nước nhập khẩu sẽ tìm kiếm ở những nơi khác.

Nhận định của ông Roger Beale được đưa ra giữa lúc **** Xanh ở nước này chủ trương không không lập thêm những mỏ than mới, không mở rộng những mỏ than hiện có và đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Ông Roger Beale cho rằng, thị trường đang có nhu cầu than đá và Australia có thể khai thác hiệu quả, nếu không, Trung Quốc và các cường quốc ở phía Bắc sẽ tìm đến Brazil, Nam Phi hay những nơi khác.

Bộ trưởng Tài nguyên Australia Martin Ferguson hôm 24/5 cũng nói rằng, ngành than có một tương lai tươi sáng và là một động lực thúc đẩy kinh tế.

Theo ông, nếu Australia từ bỏ xuất khẩu than đá và khí vỉa than, các khách hàng của nước này sẽ buộc phải sử dụng than chất lượng thấp từ nước ngoài, điều có thể sẽ gây ra những mức ô nhiễm cacbon toàn cầu lớn hơn.

Australia cũng là nhà cung cấp than cốc lớn nhất thế giới (chiếm hơn một nửa lượng than cốc xuất khẩu toàn cầu) và là nước xuất khẩu than nhiệt lớn thứ hai thế giới, sau Indonesia, với doanh thu từ xuất khẩu than đạt 43 tỷ AUD năm 2010./.

Theo Ngọc Quang
TTXVN