Threaded View
-
07-02-2011 08:41 AM #1
Junior Member- Ngày tham gia
- Aug 2007
- Bài viết
- 160
- Được cám ơn 232 lần trong 57 bài gởi
Dự báo thị trường chứng khoán bằng phương pháp định lượng
(Vietstock) – Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy phương pháp định lượng hoàn toàn có thể áp dụng để dự báo đối với thị trường Việt Nam. Sử dụng phương pháp định lượng dự báo thị trường khá hiệu quả và hiệu quả càng tăng lên khi kết hợp với các phương pháp dự báo khác.
1. Giới thiệu
Dự báo giá cổ phiếu, biến động của thị trường là một chủ đề thú vị, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học. Hiện nay, nhiều phương pháp dự báo đã được phát triển để dự báo xu hướng biến động giá cổ phiếu, thị trường hoặc tìm kiếm các cổ phiếu tiềm năng để đầu tư.
Ở Việt Nam, phương pháp phân tích và dự báo được nhiều người biết đến nhất là phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản. Bên cạnh đó, phương pháp phân tích và dự báo bằng định lượng thông quá các mô hình toán học đang dần được quan tâm.
Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu những nguyên tắc cơ bản và định hướng về phương pháp dự báo định lượng. Chúng tôi cho rằng đây là một phương pháp khá hiệu quả và giúp hạn chế những khiếm khuyết của 2 phương pháp dự báo phổ biến phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.
Dự báo thị trường bằng phương pháp định lượng được sử dụng một cách khá phổ biến trên thế giới. Nhiều quỹ đầu tư đã thiết lập các hệ thống giao dịch tự động bằng phương pháp định lượng (quantitative trading). Hiệu quả từ phương pháp này đã được chứng minh tại rất nhiều thị trường.
Ưu điểm của phương pháp dự báo định lượng là những tín hiệu đưa khá khách quan, dựa vào tiêu chí của những chỉ tiêu thống kê từ mô hình. Những tín hiệu mua bán được đưa ra dựa trên những phân tích khách quan nên giảm thiểu sự sai sót do yếu tố con người. Dù vậy, nếu lạm dụng quá mức phương pháp này thì cũng sẽ tạo ra những hệ quả xấu.
Tại Việt Nam trong thời gian qua cũng đã có một số nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng để dự báo thị trường chứng khoán và biến động cổ phiếu. Tuy nhiên, những nghiên cứu này phần lớn mới chỉ dừng lại ở mục tiêu tham khảo hoặc làm tiền đề cho những nghiên cứu có tính ứng dụng sâu hơn. Nguyên nhân ngoài hạn chế về kinh nghiệm, trình độ của những nhà làm dự báo, còn do dữ liệu thời gian ngắn và không đầy đủ cũng khiến cho việc xây dựng mô hình gặp khó khăn.
2. Cơ sở lý thuyết về dự báo bằng phương pháp định lượng
Các phương pháp định lượng dùng để dự báo dựa trên các mô hình toán với giả định rằng mối liên hệ giữa các yếu tố được thiết lập trong quá khứ sẽ lặp lại trong tương lai. Nói cách khác phương pháp định lượng dựa trên dữ liệu quá khứ để phát hiện chiều hướng vận động trong tương lai của các yếu tố theo một quy luật nào đó. Để dự báo diễn biến trong tương lai của một biến, người ta có thể sử dụng mô hình chuỗi thời gian hoặc sử dụng biến nhân quả. Ngoài ra, người ta còn sử dụng phương pháp khá phức tạp là Neural Network.
2.1 Dự báo chuỗi thời gian
Các mô hình dự báo chuỗi thời gian là dự báo giá trị tương lai của một biến số nào đó, bằng cách phân tích số liệu quá khứ và hiện tại của những biến số đó. Giả định của dự báo chuỗi thời gian là sự vận động trong tương lại của biến dự báo sẽ giữ nguyên xu thế vận động trong quá khứ và hiện tại. Như vậy, chỉ có chuỗi ổn định mới đưa ra được những dự báo tin cậy. Tính ổn định của chuỗi dữ liệu thể hiện qua tính “dừng”, đây là điều kiện quan trọng để phân tích và dự báo chuỗi thời gian.
Dự báo quá khứ là dự báo hậu nghiệm và dự báo các giai đoạn trong tương lai gọi là dự báo tiền nghiệm.
Toàn bộ dự báo được phân chia làm 2 giai đoạn là dự báo hậu nghiệm (ex-post) và dự báo tiền nghiệm (ex-ante).
- Giai đoạn dự báo hậu nghiệm: Là thời gian từ quan sát đầu tiên sau khi chấm dứt giai đoạn mẫu Yn+1 tới quan sát mới nhất YN. Giai đoạn hậu nghiệm là giai đoạn kiểm nghiệm sự chính xác tính dự báo của mô hình. Nếu như mô hình không đảm bảo độ chính xác theo yêu cầu thì lúc đó người dự báo cần tìm các giải pháp khác như tìm kiếm mô hình thay thế hoặc mở rộng mẫu dự báo.
- Giai đoạn dự báo tiền nghiệm: Là giai đoạn dự báo tương lai. Đây chính là mục tiêu của dự báo, nhưng vì chưa xảy ra nên không thể so sánh được. Tuy vậy, một số tiêu chí thống kê sẽ cho chúng ta đánh giá được mức độ tin cậy của mô hình.
Toàn bộ quá trình dự báo được tóm tắt ở sơ đồ sau:
2.2 Dự báo mô hình nhân quả
Mô hình dự báo này dựa trên sự tác động qua lại giữa các yếu tố với nhau, trong đó biến dự báo (biến phụ thuộc) có quan hệ nhân quả với các biến khác (biến độc lập).
Để thực hiện được dự báo theo mô hình nhân quả người làm dự báo dựa trên các lý thuyết về kinh tế, tài chính, các nghiên cứu thực nghiệm có liên quan, kinh nghiệm thực tế. Trước khi xây dựng mô hình người làm dự báo phải thiết lập các cơ sở lý thuyết, mối liên hệ giữa biến phụ thuộc (biến dự báo) và biến số khác (biến độc lập). Sau khi xác định các bước trên sẽ cần phải tiến hành thu thập dữ liệu, xây dựng, ước lượng mô hình, kiểm định giả thuyết và cuối cùng là thực hiện dự báo.
3. Ứng dụng phương pháp định lượng dự báo trên thị trường chứng khoán
Chúng ta vừa tìm hiểu các nguyên lý chung nhất về dự báo kinh tế. Sự biến động của thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe của nền kinh tế và kỳ vọng của nhà đầu tư. Cơ sở lý thuyết cho việc dự báo biến động của thị trường chứng khoán đã được chứng minh khá rộng rãi. Nhiệm vụ của nhà dự báo là thiết lập các mô hình để có thể dự báo những xu thế thị trường trong tương lai.
Thực tế chúng ta phải chấp nhận rằng không có một mô hình nào là hoàn hảo để dự báo mọi sự biến động của thị trường. Việc dự báo bằng định lượng có thể sai sót khi gặp những cú sốc của các biến số ngoài mô hình khiến thị trường đảo chiều một cách đột ngột. Ngoài ra, nếu nguồn dữ liệu đầu vào không được thu thập một cách khoa học, chính xác cũng có thể làm cho tính dự báo thiếu chính xác.
Tại Việt Nam, nghiên cứu định lượng để dự báo thị trường chứng khoán xuất hiện chưa nhiều. Nguyên nhân chính là lực lượng những người làm dự báo có đủ trình độ chuyên môn để thực hiện những phép toán phức tạp là khá ít. Ngoài ra, do số liệu về kinh tế, doanh nghiệp và thị trường chưa đủ dài và độ tin cậy chưa cao nên việc thực hiện các dự báo trở nên khó khăn hơn.
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu một số phương pháp dự báo phổ biến. Chúng tôi sẽ có những nghiên cứu sâu hơn về việc áp dụng tại thị trường Việt Nam.
3.1 Dự báo chuỗi thời gian
Sử dụng chuỗi thời gian để dự báo giá cổ phiếu hoặc các chỉ số thị trường được sử dụng khá nhiều. Phương pháp dự báo này có ưu điểm là chỉ sử dụng số liệu theo chuỗi thời gian nên khá phù hợp cho dự báo thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là không hiệu quả trong việc dự báo được xu thế dài hạn của thị trường.
Mô hình chuỗi thời gian thường được sử dụng nhất là mô hình ARIMA và phương pháp Box-Jenkins. Mô hình ARIMA (Autoregressive Integrated Moving Average - Tự hồi qui tích hợp Trung bình trượt), được George Box và Gwilym Jenkins (1976) nghiên cứu. Phương pháp Box-Jenkins bao gồm bốn bước: nhận dạng mô hình thử nghiệm; ước lượng; kiểm định bằng chẩn đoán; và dự báo.
Mô hình sử dụng để dự báo rủi ro ARCH/GARCH. ARCH/GARCH được sử dụng khá phổ biến trong ngành tài chính để dự báo rủi ro. Mô hình này dùng để dự báo độ giao động suất sinh lời của cổ phiếu theo thời gian. Mô hình ARCH (Autogressive Conditional Heteroskedasticity) do Robert Engle và Clive Granger phát triển năm 1982. Mô hình GARCH (Generalised Autogressive Conditional Heteroskedasticity) được Tim Bollerslev đề xuất năm 1986 để khắc phục những hạn chế của ARCH. Ngày nay, GARCH được sử dụng một cách phổ biến và phù hợp với số liệu chuỗi thời gian ngắn như giá cổ phiếu trên thị trường.
3.2 Dự báo bằng mô hình nhân quả
Mô hình nhân quả thường sử dụng số liệu bảng. Trong dự báo chứng khoán, biến phụ thuộc (biến cần dự báo) là suất sinh lời của cổ phiếu, thị trường hay giá cổ phiếu và chỉ số thị trường. Trong khi đó, các biến độc lập là các biến số của nền kinh tế như lạm phát, thất nghiệp, cung tiền, tăng trưởng công nghiệp, tăng trưởng bán lẻ, niềm tin tiêu dùng … hoặc là các biến số liên quan đến doanh nghiệp như lợi nhuận, tăng trưởng, giá hàng hóa liên quan đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Nói tóm lại là bất kỳ yếu tố nào tác động đến sự biến động của thị trường, giá cổ phiếu đều có thể trở thành biến độc lập sử dụng cho dự báo.
Phương pháp này sử dụng các mô hình hồi quy để tìm mối liên hệ giữa biến phụ thuộc và biến độc lập. Qua mô hình hồi quy, chúng ta có thể dự báo được xu thế và những nhân tố tác động đến biến động của giá chứng khoán hay thị trường.
Ưu điểm của phương pháp này là có thể dự báo một cách khá chính xác xu hướng biến động dài hạn của giá cổ phiếu hay thị trường. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu là một công việc khó khăn và tốn nhiều chi phí. Đối với Việt Nam, do các dữ liệu về doanh nghiệp và nền kinh tế còn ít nên áp dụng phương pháp dự báo này càng trở nên khó khăn.
3.3 Dự báo bằng mạng thần kinh (Neural Network)
Lý thuyết Neural Network được phát triển từ những năm 1940 đến nay và đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Lý thuyết Neural Network nhanh chóng trở thành một hướng nghiên cứu triển vọng trong mục đích xây dựng các máy thông minh tiến gần tới trí tuệ con người. Đối với lĩnh vực chứng khoán, Neural Network được sử dụng khá phổ biến để dự báo thị trường, giá cổ phiếu.
Neural Network được xây dựng xuất phát từ một thực tế là bộ não con người. Có thể coi bộ não là một máy tính hay một hệ thống xử lý thông tin song song, phi tuyến và cực kỳ phức tạp. Bộ não có khả năng tự tổ chức các bộ phận cấu thành của nó, như là các tế bào thần kinh (neural) hay các khớp nối thần kinh (synapse), nhằm thực hiện một số tính toán như nhận dạng mẫu và điều khiển vận động nhanh hơn nhiều lần các máy tính nhanh nhất hiện nay. Sự mô phỏng bộ não con người của mạng neural được dựa trên cơ sở một số tính chất đặc thù rút ra từ các nghiên cứu về thần kinh sinh học.
Dữ liệu đầu vào để thực hiện dự báo bằng Neural Network khá đa dạng và tùy thuộc vào trình độ, kinh nghiệm, mục tiêu dự báo và những cơ sở dữ liệu mà người làm dự báo có. Thông thường dữ liệu bao gồm các dữ liệu liên quan đến giao dịch cổ phiếu trên thị trường như giá, khối lượng…. Ngoài ra, các dữ liệu trong nền kinh tế, dữ liệu của doanh nghiệp cũng có thể làm đầu vào cho quá trình dự báo. Các thông tin đầu vào sẽ được xử lý bằng những thuật toán phức tạp thông qua tiến trình mô phỏng việc xử lý thông tin như bộ não con người.
Hiện nay, có khá nhiều phần mền miễn phí về Neural Network được đăng tải trên mạng Internet. Tuy nhiên việc vận dụng thành thạo để dự báo thị trường là một công việc không dễ dàng. Để làm được điều này người dự báo cần phải có hàng loạt các kiến thức sâu rộng khác để bổ trợ.
4. Kết luận
Trên đây chúng tôi vừa giới thiệu những cơ sở lý thuyết và một số phương thức phổ biến sử dụng để dự báo trên thị trường chứng khoán. Ưu điểm của các phương pháp định lượng này là phân tích số liệu để đưa ra được những dự báo khách quan, để giảm thiểu rủi ro của việc phân tích cảm tính của con người. Tuy nhiên, áp dụng phương pháp định lượng trong dự báo sẽ có không ít thách thức và nó cũng không phải là phương pháp thay thế hoàn toàn trực giác trong đầu tư.
Chúng tôi cho rằng đây là một hướng phát triển trong tương lai đối với công tác dự báo ở Việt Nam. Tuy vậy, đây là công việc khó khăn và phức tạp, đòi hỏi người làm công tác dự báo cần có trình độ chuyên môn về kinh tế, tài chính, toán học và kinh nghiệm dự báo.
Kết quả nghiên cứu bước đầu của chúng tôi cho thấy phương pháp định lượng hoàn toàn có thể áp dụng để dự báo đối với thị trường Việt Nam. Sử dụng phương pháp định lượng dự báo thị trường khá hiệu quả và hiệu quả càng tăng lên khi kết hợp với các phương pháp dự báo khác.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
http://vietstock.vn/ChannelID/585/Ti...inh-luong.aspx
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 2 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 2 khách vãng lai)
Similar Threads
-
Ứng dụng bộ chỉ số Định lượng vào thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại
By stockpro82 in forum CLB PHÂN TÍCH KỸ THUẬTTrả lời: 0Bài viết cuối: 20-12-2010, 03:41 PM -
Giải pháp phát triển thị trường chứng khoán
By kienmpr in forum Giải pháp phát triển TTCKTrả lời: 0Bài viết cuối: 05-11-2010, 10:57 PM -
Hỏi về phương pháp định giá chứng khoán theo phương pháp DCF
By michelford in forum Kiến thức Chứng khoánTrả lời: 3Bài viết cuối: 22-09-2009, 11:16 PM
Bookmarks