I. Tính chất của vùng đáy (market bottom)..................

Tin xấu tràn ngập
Tại vùng đáy luôn tràn ngập tin xấu, đây là điều được hầu hết mọi người công nhận. Trong giai đoạn vừa qua các phương tiện truyền thông đã mổ xẻ và phơi bày gần như tất cả những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam: đầu tư công chưa hiệu quả, nguy cơ bong bóng bất động sản, nợ xấu ngân hàng, lạm phát đình trệ, thất nghiệp gia tăng... cũng như các nguy cơ của nền kinh tế thế giới: khủng hoảng nợ công, lạm phát...
Tuy nhiên, có một sự thật hiển nhiên là nếu như không có tin xấu thì sẽ chẳng bao giờ có những đợt suy giảm mạnh và kéo dài trong suốt gần 2 năm qua. Nếu không có sự đóng băng của thị trường bất động sản cũng như sự gia tăng lãi suất cao trong giai đoạn vừa qua thì liệu các cổ phiếu thuộc ngành này có sụt giảm đến 70% – 80% giá trị thị trường?
Một yếu tố mà Charles H. Dow đề cập về giai đoạn tích tụ của thị trường là các báo cáo tài chính của hầu hết các doanh nghiệp vẫn phản ánh tình hình tồi tệ trong giai đoạn này của thị trường. Chúng tôi cho rằng đây chính là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất cần chú ý trong giai đọan hiện nay.
Sự dịch chuyển của thị trường chứng khoán dựa trên kỳ vọng của giới đầu tư. Sự kỳ vọng này thường có xu hướng chạy trước tình trạng thực tế của nền kinh tế; nên trong nhiều trường hợp mặc dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn xấu nhưng lực cầu của thị trường vẫn gia tăng mạnh và tạo thành một lực đỡ bên dưới cho giá cổ phiếu.

Tâm lý bi quan phổ biến
Martin J. Pring từng đề cập rằng tại những đáy lớn của thị trường, tâm lý nhà đầu tư thường rất bi quan, hay đôi khi nói một cách chính xác hơn là chán nản. Người ta thường gọi giai đoạn này với thuật ngữ kiểu như ”tích lũy để phục hồi”, ”bóng tối trước bình minh”...
Khi hàng loạt tin xấu đã được công bố thì trạng thái bão hòa bắt đầu xuất hiện. Giới đầu tư sẽ bắt đầu tự hỏi ”Liệu có điều gì khủng khiếp hơn đang chờ ta phía trước hay không?”. Nếu câu trả lời là ”Không” thì có thể sẽ dẫn đến hành động mua vào của một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường.

Thanh khoản cạn kiệt......................
Thanh khoản cạn kiệt khi mà tâm lý của hầu hết các thành viên thị trường bắt đầu chán nản. Charles H. Dow từng mô tả tình trạng này trong lý thuyết mang tên mình như là bước chuyển trung gian giữa giai đoạn bán bắt buộc của thị trường giá xuống và giai đoạn tích tụ của thị trường giá lên.
Sự tiết cung này có thể dẫn đến những đợt phục hồi nhẹ. Sự phục hồi này không phải do lực cầu mạnh hơn mà là do bên cung không chịu bán giá thấp hơn nữa do giá cổ phiếu đã xuống đến mức thấp quá mức.
Đây không phải là một dạng tín hiệu mua bán mà là một tín hiệu cảnh báo rằng thị trường sắp đạt đáy dài hạn.

Lãi suất đạt đỉnh và bắt đầu giảm dần...................
Theo Martin J. Pring, một trong những đặc điểm tối quan trọng của các vùng đáy (market bottom) là lãi suất thường đạt đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt dần dần.
Đám đông thường sai lầm tại turning point...................
Khi thị trường tăng trưởng ổn định và kéo dài, các quyết định của đám đông thường chính xác. Tuy nhiên, tại những điểm ra vào quyết định, phần thưởng luôn thuộc về những người đi ngược trào lưu (contrarian).
Lý thuyết tài chính hành vi chỉ ra rằng cơ chế điều chỉnh đó không phải lúc nào cũng có thể xảy ra. Những nhà đầu tư hợp lý (rational investors) không thể chiến thắng những nhà đầu tư “bất hợp lý” trong một số trường hợp và khi đó, thị trường sẽ không hiệu quả (tức là định giá quá cao hoặc quá thấp giá cổ phiếu). Điều này rất hay xảy ra tại các thị trường mới nổi với tỷ trọng các nhà đầu tư cá nhân rất lớn. Chính điều này sẽ tạo cơ hội cho các contrarian.
Giai đoạn tăng trưởng đầu tiên thường đem lại lợi nhuận lớn nhất...............
Nhiều nhà đầu tư cho rằng giai đoạn tăng trưởng ở giữa xu hướng là dài nhất và đem lại lợi nhuận cao nhất. Điều này chỉ đúng khi nhìn theo thang đo số học (arithmetical scale). Nếu xem xét theo thang đo logarit (logarithmic scale), câu chuyện sẽ khác.
Nếu nhìn vào chu kỳ tăng trưởng kéo dài hơn 8 tháng của thị trường Việt Nam trong năm 2009 theo thang đo logarit, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Đối với VN-Index, chỉ với 3 tháng đầu tiên đã chiếm đến 51% lợi nhuận của cả đợt tăng trưởng. HNX-Index thì cho kết quả còn ấn tượng hơn khi mà chỉ với 3 tháng rưỡi hồi phục đầu tiên đã chiếm đến gần 80% lợi nhuận của toàn bộ giai đọan tăng trưởng.
IV. Kết luận
Mặc dù việc xác định thời điểm chứng khoán sẽ thực sự bùng nổ là khó khả thi trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy thị trường sẽ khởi sắc trở lại vào cuối năm và việc mua vào bắt đáy với một mức độ vừa phải là không quá rủi ro và sẽ giúp tránh bị mất cơ hội trong trường hợp bứt phá bất ngờ (thrust up).

http://vietstock.vn/ChannelID/1352/T...g-gia-len.aspx

............