Quỹ Hedge Fund: Quỹ của Quỹ







Trong lĩnh vực chứng khoán, “Hedge” là thuật ngữ dùng để chỉ một
chiến lược nhằm bù đắp những rủi ro đầu tư. Vì thế “Hedge Fund” (HF)
còn được dịch là “Quỹ phòng hộ” hay “Quỹ của các Quỹ”, như giới đầu tư
chứng khoán thường gọi.

HF là một phát minh lớn trên TTCK dùng để bù đắp lại rủi ro đầu tư.
Tại Quỹ này, các nhà đầu tư ưa thích sự an toàn sẽ tham gia và sử dụng
các công cụ chứng khoán phái sinh (như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương
lai, quyền chọn, hợp đồng hoán đổi...) để bảo vệ khoản tiền đầu tư của
mình, chống lại những tăng trưởng không dự tính trước cũng như sự tụt
giá hay lên giá đột ngột của hàng hoá. Ngày nay, các HF liên tục xuất
hiện, được điều hành bởi một công ty đầu tư, huy động vốn của cổ đông
rồi đầu tư vào các chứng khoán phái sinh nhằm thu lợi nhuận ổn định và
đều đặn.

HF không bị quản lý chặt chẽ bởi pháp luật, nó ít minh bạch hơn các
QĐT truyền thống và chính điều này giúp giao dịch tại HF dễ dàng hơn.

HF sử dụng hệ thống máy tính để lượng hoá các đánh giá và xếp hạng
các khoản đầu tư khả thi, phân tích các yếu tố như: P/E, lợi suất, sự
dao động bất ổn định, mức tăng trưởng lợi nhuận...Quỹ này cũng mua các
cổ phiếu được xếp hạng cao nhất và bán trước thời hạn các cổ phiếu bị
xếp hạng thấp nhất.

Các nhà quản lý quỹ HF sở hữu những gia tài kếch xù đến mức khó
tin. Năm 2005, Steven Cohen, một ngôi sao trong làng HF ở Greenwwick,
Connecticut (Mỹ) nắm trong tay hơn 500 triệu USD. Một số HF cũng bỏ túi
tối thiểu 100 triệu USD trong năm vừa qua.

Gương mặt mới, cục diện mới


Hiện nay, các HF phải đối mặt với nhiều sức ép lớn. Thứ nhất, ngày
càng nhiều nhà đầu tư mới vào kinh doanh HF và điều này buộc các HF
phải thay đổi phương thức hoạt động để cạnh tranh. Thứ hai là sự cạnh
tranh hết sức khốc liệt, vì nhiều nhà quản lý quỹ truyền thống cũng đã
bắt đầu giới thiệu các sản phẩm tương tự như HF. Chính điều này làm cho
HF đúng nghĩa khó có thể được phân biệt với HF ra đời từ các quỹ truyền
thống.

Song, sự thay đổi của các nhà đầu tư mới vào kinh doanh ngành này
là động lực thúc đẩy cộng đồng HF phải tự cải thiện và phát triển mình.
Đến nay, HF không chỉ được duy trì độc quyền bởi tầng lớp giàu có ở
Texas, Ả rập hay một vài cá nhân siêu giàu nào đó, mà còn được giám sát
bởi rất nhiều quỹ trợ cấp (pension fund), quỹ cống hiến (endowment
fund) và cả những ngân hàng trung tâm.

Theo ông Oliver Schupp, Chủ tịch Credit Suisse/Tremont Index thì
50-60% tài sản của HF thuộc sở hữu các tổ chức tài chính. Xu hướng này
thể hiện rõ nhất ở Nhật Bản và các nước châu Âu. Mỹ là nơi tập trung
khá nhiều HF. Trong khi đó, Anh lại có rất ít HF do các tổ chức tài
chính đầu tư vào, mặc dù Luân Đôn luôn được xem là nơi tập trung nhiều
nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp. Ông Dominic Rossi thuộc Threadneedle
Asset Management, một công ty quản lý cả quỹ truyền thống và HF cho
rằng, điều này là do theo các nhà đầu tư Anh, HF dường như thiếu tính
công khai.

HF, mô hình nhiều tiềm năng


Hiện nay, có hơn 8.000 HF trên toàn thế giới với tổng giá trị tài sản kiểm soát ước đạt 1.000 tỉ USD.


Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, tổ chức tài chính
hay cá nhân đều có thể thành lập HF. Theo ông William Wechslerr (thuộc
tổ chức Greenwwick Associates) thì các tổ chức tài chính thường quan
tâm đến 2 kiểu kinh doanh HF. Một là những công ty thuần tuý chuyên
thực hiện nghiệp vụ HF, chẳng hạn như Bridgewater Associates. Hai
những nhà quản lý quỹ truyền thống, như Barclays Global Investors (BGI)
và State Street Global Advisors có thực hiện thêm hình thức HF trong
những năm gần đây.

Không chỉ có các tổ chức tài chính mà ngay cả cá nhân cũng xem HF
như một loại hình kinh doanh hấp dẫn. Gần đây Jack Meyer, người đứng
đầu Quỹ Cống hiến của Đại học Harvard đã tăng 6 tỉ USD cho HF mới thành
lập của ông ta. Paul Allen, đồng sáng lập Microsoft, cũng đầu tư 1 tỉ
USD vào một công ty mới (được điều hành bởi Mike McCaffrey, chuyên gia
đầu tư của Đại học Stanford). Bên cạnh đó, nhiều HF cũng đã ra đời từ
các ngân hàng đầu tư với một sức mạnh tài chính khổng lồ, tiêu biểu là
Eton Park Capital được điều hành bởi Eric Mindich, người tiền nhiệm của
tổ chức Goldman Sachs và Cantillon Capital được quản lý bởi William Von
Mueffling, nhà quản lý danh mục đầu tư rất thành công tại Lazard.

Nguồn tài chính khổng lồ cho HF


Nguồn vốn chủ yếu trong ngành HF phần lớn là từ các tổ chức tài
chính và lượng tiền đầu tư để mở rộng các HF cũng ngày càng tăng lên.
Tổ chức Hưu trí Calpers trị giá 200 tỉ USD, một trong những nhà đầu tư
lớn nhất của Mỹ đã tăng gấp đôi quy mô HF của nó lên đến 2 tỉ USD. Ở
California, Quỹ Hiệp hội Hưu trí của những người lao động thuộc thành
phố San Diego, một trong những quỹ hưu trí lớn nhất của Mỹ trong 4 thập
kỷ qua cũng đã dùng khoảng 1/5 tổng tài sản của mình (ước tính 1,3 tỉ
USD) để kinh doanh HF.

Nguyên nhân nào khiến các tổ chức tài chính quan tâm đến việc kinh
doanh HF như vậy? Theo một khảo sát trên các nhà đầu tư châu Âu của
Trung tâm Quản lý tài sản và rủi ro thuộc EDHEC, một trường đại học
kinh tế của Pháp thì sự đa dạng và nhiều chọn lựa là nguyên nhân chính
giải thích vì sao các tổ chức tài chính nghĩ họ sẽ ưu tiên đầu tư trong
lĩnh vực HF. Một thuận lợi khác cũng hấp dẫn các nhà đầu tư không kém
là tính linh động trong kinh doanh HF và nó không ràng buộc với các chu
kỳ kinh tế, cũng như rủi ro của nó có thể chấp nhận được.

Trong tương lai, các chuyên gia tiên đoán rằng, HF vẫn là mô hình
được giới đầu tư quan tâm và họ vẫn đang nhòm ngó thị phần của nhau.
Legg Mason mua lại công ty HF Permal Group với giá trị 1 tỉ USD trong
năm 2005; Ngân hàng ABN Amro mua International Asset Management, một
trong những nhà quản lý HF lâu đời nhất Luân Đôn vào tháng 1-2006; Tập
đoàn America International, một đại gia bảo hiểm mua 4,3% cổ phần của
Aspect Capital. Điều này chứng minh rằng, HF đang tỏ ra là một xu thế
mới, đầy triển vọng mà các tổ chức tài chính mạnh đều muốn tham gia.