SGS giảm sàn vẫn kéo UPCOM-Index tăng mạnh

Ngày 29/12/2010, sau 60 phút giao dịch giằng co quanh mức tham chiếu, chỉ số UPCoM-Index tăng theo chiều thẳng đứng và leo lên sát ngưỡng 45 điểm. Đáng chú ý là toàn thị trường chỉ có 16 mã tăng giá, 18 mã giảm giá, 8 mã đứng giá và 67 mã không có giao dịch. Vậy đâu là nguyên nhân khiến chỉ số UPCoM-Index tăng đột biến như vậy?


Đóng cửa phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số UPCoM-Index dừng lại ở mức 44,90 điểm, tăng 3,04 điểm (7,26%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 354.800 đơn vị (giảm 30,01%), với giá trị đạt hơn 3,37 tỷ đồng (giảm 20,36%).

Đáng chú ý là toàn thị trường chỉ có 16 mã tăng giá, 18 mã giảm giá, 8 mã đứng giá và 67 mã không có giao dịch. Vậy đâu là nguyên nhân khiến chỉ số UPCoM-Index tăng đột biến như vậy?

Theo tìm hiểu của ĐTCK, nguyên nhân chính là do "sai lệch" ở giá cổ phiếu SGS trong rổ tính toán chỉ số này.
[IMG]http://www.******************.vn/images/upload/Image/Thang%2012.2010/UPCOM-Intraday-2010-12-29.png[/IMG]

Đi tìm nguyên nhân

Ngày 22/12/2010, 14,42 triệu cổ phiếu SGS của CTCP Vận tải biển Sài Gòn chính thức giao dịch trên sàn UPCoM. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là 144,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải đến ngày 27/12/2010, cổ phiếu này đã có giao dịch. Đáng chú ý là mặc dù chỉ có 11.500 cổ phiếu giao dịch, nhưng do không có biên độ nên giá khớp lệnh cổ phiếu này “nhảy múa” từ 11.500 đồng đến 150.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên, giá SGS đóng cửa tại mức giá 11.500 đồng, nhưng giá bình quân lại là 100.100 đồng/cổ phiếu.

Do xác định được giá, nên cổ phiếu SGS được HNX cho vào rổ cổ phiếu tính chỉ số UPCoM-Index cho ngày hôm sau, giá được tính toán là giá đóng cửa là 11.500 đồng/cổ phiếu. Giá tham chiếu để tính biên độ dao động 10% cho SGS là 100.100 đồng/cổ phiếu.

Ngày 28/12, cổ phiếu này không có giao dịch nên giá được giữ nguyên.

Ngày 29/12, cổ phiếu SGS được giao dịch tại mức giá kịch sàn 90.100 đồng/cổ phiếu (giảm hết biên độ 10%) với 1000 cổ phiếu được chuyển nhượng. Về lý mà nói, giá cổ phiếu SGS giảm mạnh sẽ làm chỉ số UPCoM-Index bị điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, thực tế chỉ số UPCoM-Index lại tăng mạnh hơn 6% ngay khi cổ phiếu SGS được khớp lệnh. Nguyên nhân là máy tính tự động hiểu giá cổ phiếu SGS đã tăng từ 11.500 đồng lên 90.100 đồng, tăng 683,48%. Mặc dù chỉ chiếm 1,26% tỷ trọng trong rổ cổ phiếu tính UPCoM-Index, nhưng với mức tăng gần 7 lần như vậy đã đủ sức lôi chỉ số này “dựng đứng” như máy bay lên thẳng.
[IMG]http://www.******************.vn/images/upload/Image/Thang%2012.2010/SGS-dienbien.png[/IMG]


Tính giá nào cho cổ phiếu chào sàn

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới CTCK MBHS: “Về mặt phương pháp tính thì chỉ số này không sai do việc tính toán này được máy tính thực hiện tự động theo đúng công thức. Chỉ số UPCoM-Index được tính theo giá đóng cửa, nên việc giá đóng cửa thay đổi từ 11.500 đồng lên 90.500 đồng đã làm thay đổi chỉ số này. Tuy nhiên, giá cổ phiếu lấy làm giá tham chiếu tại Sở GDCK Hà Nội hiện nay (cả HNX và UPCoM) đều tính giá bình quân. Do đó thường xuyên có sự khác biệt giữa giá cổ phiếu và chỉ số Index. Nhiều khi biên độ dao động của chỉ số tăng/giảm mạnh hơn biên độ dao động của cổ phiếu”.

Để giá cổ phiếu và chỉ số Index sát thực tế hơn, HNX có thể thực hiện điều chỉnh lại chỉ số trong những trường hợp đặc biệt. Việc điều chỉnh giảm khối lượng cổ phiếu SQC trong rổ tính toán chỉ số HNX-Index là một ví dụ gần nhất mà báo ĐTCK đã phản ánh.

Một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, HNX nên điều chỉnh việc lấy giá cổ phiếu khi cho vào rổ tính Index là giá bình quân thay vì giá đóng cửa. Nếu không, sẽ còn nhiều trường hợp tương tự như SGS trong tương lai.

Giả sử, nếu phiên này cổ phiếu SGS tăng kịch trần lên 110.100 đồng (tăng 857,39% so với giá 11.500 đồng) thì UPCoM-Index sẽ tăng bao nhiêu?

Mời các bác vào đây để tiếp tục tham gia bình luận: