Ngày 28/6 vừa qua, NHNN đã ban hành công văn số 7021, quyết định kéo dài thời gian thu hồi nợ và giảm dư nợ cho vay chứng khoán xuống dưới 3% đến ngày 31/12/2007.


[table]




Giới chuyên môn đánh giá đây là hành động tháo ngòi cho “quả bom” 03 - một chỉ thị đã gây ra không ít hoang mang cho các NHTM trong thời gian qua. Đồng thời đây cũng là một “đính chính” thể hiện rõ sự thụ động của NHNN trong quản lý cho vay chứng khoán.


Ngày 28/5/2007, Chỉ thị 03 được Thống đốc NHNN Việt Nam ký với yêu cầu các ngân hàng phải khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán dưới 3% tổng dư nợ. Với giới ngân hàng, đây quả là một cú sốc lớn, bất khả thi về mặt thời gian, bởi cũng ở chỉ thị này, Thống đốc NHNN đã quyết định nó sẽ có hiệu lực thi hành chỉ sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Cũng theo công văn số 7021, ngày Chỉ thị 03 có hiệu lực thi hành sẽ là 1/7/2007, sự đột ngột này chắc hẳn sẽ khiến rất nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng bất khả kháng, khi trên thực tế những khoản vay chưa đến hạn thu hồi sẽ không thể khống chế được dư nợ, đó là còn chưa kể đến việc tỷ lệ dư nợ thực mà các tổ chức tín dụng cho vay đã vượt xa con số 3%.


Tại một cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu năm, Thống đốc Lê Đức Thuý đã tuyên bố rằng, dư nợ tín dụng trong hoạt động cho vay chứng khoán ở các NHTM vẫn đang ở mức... thấp, khoảng 2,5% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tại buổi toạ đàm về Chỉ thị 03 được tổ chức ngày 28/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Danh Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ lại đưa ra một con số khiến nhiều vị lãnh đạo có mặt phải giật mình: tỷ lệ cho vay chứng khoán tại một số NHTM, chủ yếu là ngân hàng nhỏ, lên tới 40 - 50% tổng dư nợ.


Với những luồng thông tin không thực sự rõ ràng như vậy, rõ ràng NĐT sẽ phải lo ngại. Thêm vào đó, về phía Ngân hàng, họ cũng không khỏi cảm thấy hoang mang, thậm chí bức xúc khi NHNN xây dựng và ban hành Chỉ thị 03 theo kiểu “đường một chiều” như thế. Có lẽ, chính NHNN cũng đã cảm thấy những thiếu sót rõ rệt trong việc xây dựng lộ trình thực hiện, nên công văn 7021 mới ra đời.


Cũng tại buổi tọa đàm xung quanh việc tìm hướng giải quyết cho chỉ thị 03 vừa qua, hầu hết các đại diện từ phía NHTM đều đưa ra một thắc mắc giống nhau: NHNN muốn khống chế cho vay chứng khoán, nhưng cho vay chứng khoán là gì? Tại chỉ thị 03, rõ ràng các chi tiết quan trọng liên quan tới vấn đề này chưa thể thuyết phục những bên liên quan. Thậm chí, ngay cả khái niệm “chứng khoán” vẫn còn khá mơ hồ, hay những đối tượng thuộc diện bị giới hạn tỷ lệ 3% tổng dư nợ cũng chưa rõ ràng.


Theo chỉ thị 03 của NHNN, dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán gồm có: “cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với các CTCK, chiết khấu giấy tờ có giá đối với tổ chức và cá nhân để đầu tư, kinh doanh CK, cho vay cầm cố bằng CK hoặc bảo đảm bằng tài sản khác để đầu tư, kinh doanh CK đối với các tổ chức khác và cá nhân”. Giải thích thêm cho những điều lệ này, Thống đốc Lê Đức Thuý đã khẳng định, NHNN chỉ hạn chế việc cho vay vượt quá tỷ lệ cho phép bằng cầm cố cổ phiếu kinh doanh chứng khoán, “còn nếu mua chứng khoán nhưng vẫn đảm bảo bằng tài sản, hoặc tín chấp thì không cấm”.


Đến công văn 7021, dư nợ cho vay chứng khoán của các ngân hàng được xác định cụ thể hơn. Nó bao gồm: cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với các CTCK; cho vay có cầm cố bằng CK và/hoặc bảo đảm bằng tài sản khác đối với khách hàng sử dụng vốn vay để mua các loại CK với mục đích đầu tư ngắn hạn và/hoặc dài hạn; cho vay ứng trước tiền đối với khách hàng đã bán CK, và sử dụng vốn vay để mua CK; chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để sử dụng số tiền chiết khấu mua CK; cho vay đối với khách hàng để bổ sung số tiền thiếu khi lệnh mua CK được khớp; các khoản cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá dưới các hình thức khác, mà khách hàng sử dụng vốn vay để mua chứng khoán.


Tuy nhiên, dù đã tương đối rõ ràng như thế, nhưng ngay từ cách giải thích, đến việc đưa vào thực hiện của NHNN vẫn chưa thực sự thuyết phục phía ngân hàng. Không phải là không có lý khi nhiều chuyên gia CK cho rằng việc khống chế cho vay đầu tư chứng khoán đối với các NĐT trong nước chưa thực sự cần thiết, nhất là trong bối cảnh “người nhà mình” không thể so sánh với tiềm lực từ phía nước ngoài. Đó là còn chưa kể đến việc trên thực tế, nghiệp vụ cho vay đối với các NĐT đã bán chứng khoán, hay sử dụng vốn vay để mua chứng khoán, đã được chứng minh là rất an toàn. Chưa hết, cũng theo công văn 7021, có vẻ như NHNN vẫn “để lọt” những đối tượng sẽ cần khống chế dư nợ cho vay CK. “Khách hàng” – theo công văn này liệu có phải là cả chính các công ty chứng khoán, các tổ chức tín dụng, hay những cổ đông được ưu đãi mua cổ phần lần đầu ở các công ty nhà nước?


[/table]