Đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các cam kết về đầu tư của VN với WTO vẫn chưa đi vào cuộc sống do một loạt những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện.


Mới đây, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) đã hoàn tất một dự thảo nghị định (NĐ) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số cam kết về đầu tư của VN, với hy vọng sẽ sớm giải quyết được những vướng mắc này.


Nhiều điểm chưa rõ ràng[/i][/b]


Tại hội thảo lấy ý kiến các DN về dự thảo NĐ do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài và Bộ KHĐT tổ chức tuần qua, ông Trần Hào Hùng - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ KHĐT) đã nêu lên nhiều điểm chưa rõ ràng trong các văn bản pháp luật về đầu tư khiến không chỉ NĐT mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng có nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau dẫn đến làm chậm quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT).


Cụ thể, theo ông Hùng, Luật Đầu tư cũng như NĐ 108 hướng dẫn luật này đều quy định danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện đối với NĐT nước ngoài, song lại không đưa ra các điều kiện cụ thể đối với từng lĩnh vực mà chỉ đơn giản dẫn chiếu áp dụng những điều kiện này theo các luật chuyên ngành hoặc cam kết trong các điều ước quốc tế. Điều này khiến cho hệ thống pháp luật đầu tư trở nên thiếu minh bạch và các NĐT tỏ ra không tin tưởng vào tính hiện thực của Luật Đầu tư.


"Nóng" nhất là lĩnh vực dịch vụ, hầu hết các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ đều được áp dụng trực tiếp nhưng do không có văn bản hướng dẫn nên gặp rất nhiều lúng túng.


Ông Hùng dẫn chứng như các dịch vụ giáo dục- đào tạo, y tế, môi trường... theo cam kết phải đến 1.1.2009 chúng ta mới mở cửa, nhưng trên thực tế chúng ta đã mở cửa rất rộng, thậm chí đã cho phép DN 100% vốn kinh doanh ở các lĩnh vực này. Vậy thực hiện như thế nào?...


Áp dụng có lợi nhất cho NĐT[/i][/b]


Theo ông Trần Hào Hùng, việc ra đời NĐ hướng dẫn thi hành các cam kết về đầu tư của VN với WTO sẽ giúp khắc phục được những hạn chế nêu trên và làm minh bạch hoá các chính sách về đầu tư của VN.


Ban soạn thảo cũng thống nhất các nguyên tắc trong dự thảo NĐ là áp dụng các cam kết một cách linh hoạt, không lạm dụng cam kết để gây cản trở sự phát triển và cạnh tranh của lĩnh vực, ngành nghề đó; đồng thời không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của DN.


Theo dự thảo NĐ, đối với lĩnh vực "nhạy cảm" về tỉ lệ góp vốn của NĐT nước ngoài trong các DNVN, dự thảo NĐ quy định: NĐT nước ngoài được góp vốn mua cổ phần với tỉ lệ không hạn chế trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm.


Một trong những điểm mới trong hướng dẫn này mà NĐT lâu nay quan ngại đã được giải toả. Đó là trường hợp NĐT nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của DN trong nước mà làm thay đổi nội dung GCNĐKKD, giấy chứng nhận đầu tư thì DN VN phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép.


Trong trường hợp này, NĐT nước ngoài không phải lập dự án đầu tư và làm thủ tục xin cấp GCNĐT. Dự kiến, NĐ sẽ được trình Chính phủ để sớm ban hành ngay trong tháng 7.


Nguồn Báo Lao Động