Các trụ cột của lý thuyết tài chính chuẩn mực (standard finance) như Lý thuyết chênh lệch giá của Merton Miller và Franco Modigliani, Lý thuyết xây dựng danh mục đầu tư của Harry Markowitz (Nobel 1990); Mô hình định giá tài sản CAPM của John Lintner và William Sharpe (Nobel 1990) và Lý thuyết định giá các chứng khoán quyền chọn của Fischer Black, Myron Scholes và Robert Merton (Nobel 1997) đều dựa trên giả định con người là lý trí (rational) của lý thuyết thị trường hiệu quả (Efficient Market Hypothesis – EMH). Tuy nhiên, thực tế cho thấy các lý thuyết và mô hình của tài chính chuẩn mực không thể giải thích được các hiện tượng bong bóng và những cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán.

Lý thuyết tài chính hành vi (behavioral finance) là sự kết hợp tâm lý học vào tài chính với nền tảng giải định cơ bản là “thị trường không luôn luôn đúng” và “nhà đầu tư là phi lý trí trong ngắn hạn”, đã đặt ra một đối trọng lớn đối với lý thuyết EMH, cơ sở của các lý thuyết tài chính chuẩn mực trong suốt gần 5 thập kỷ gần đây. Năm 2002, giáo sư tâm lý học người Mỹ Daniel Kahneman đã nhận được giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu về tài chính hành vi và đưa ra Thuyết kỳ vọng (prospect theory), tạo nền tảng vững chắc để xây dựng lý thuyết tài chính hành vi.