Những bước thăng trầm của TTCK Việt Nam






Đọc “Nóng lạnh chứng khoán” của Hải Lý







[img]/forums/storage/7/236220/1.JPG[/img]...Viết báo về một chuyên đề khó hơn là viết
sách. Vì viết báo thì chỉ được viết trong khoảng hơn hai trang, nếu quá sẽ bị
cắt ngay, hay bị bỏ luôn; trong khi viết sách thì có thể lan man. Viết về tài
chính, chứng khoán lại càng khó hơn vì phải giải thích rành mạch các tập tục
lâu đời ở các nước phát triển cho độc giả mới biết lần đầu chỉ bằng vài dòng
vì… trang báo có hạn! Ấy thế mà Hải Lý vượt qua được.







Ở đây, những bài báo của Hải Lý được tập hợp theo thứ tự
thời gian, có thể vô tình hay hữu ý; nhưng cách làm ấy đã biến quyển sách này thành
một tác phẩm về lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi đặt
tên quyển sách là “Nóng lạnh chứng khoán”, Hải Lý có vẻ quan tâm đến tính
chất của một ngôi chợ, náo nhiệt hay đìu hiu; nhưng chúng ta sẽ tìm thấy ở đây
một sử liệu. Và với những ai muốn biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã hình
thành và phát triển như thế nào thì quyển sách này là một tài liệu bổ
ích.







Đi vào lịch sử một tí, ta thấy thế này. Có nhiều định chế
lâu đời đang tồn tại trên thế giới thoạt đầu chỉ là một sự tình cờ. Chẳng hạn,
vào thời Thập tự chinh (Crusades), các hiệp sĩ ở châu Âu trước khi lên đường
tham chiến đã chuyển giao đất đai hay tài sản của họ cho những người bạn thân,
tin tưởng được (trusted friends) phòng khi có bỏ xác nơi sa trường. Sự lo lắng
này đã tạo nên định chế “trust” (ủy thác), rất phổ biến ở các nước Anglo-Saxon,
sau lan sang châu Âu và hiện nay đến các nước châu Á. Định chế đó giúp người
giàu giữ cho con cái không hư hỏng, góp tiền cho các chương trình phục vụ xã
hội và… tránh thuế đánh trên di sản. Và những quỹ này trở thành đại gia đầu tư
trong thị trường chứng khoán (…)







Ở các nước, tập tục phát sinh
trước, luật lệ ra sau và người ta đã có những định chế vững chắc. Ở nước ta,
tình cảnh hoàn toàn ngược lại: luật pháp tạo ra tập tục. Vậy nó đã diễn ra như
thế nào, sẽ có thành định chế không và bao lâu? Giữ câu hỏi đó trong đầu khi
đọc “Nóng lạnh chứng khoán” của Hải Lý, độc giả sẽ thấy mình đang khám phá. Chị
đã chọn nhiều vấn đề, nhiều loại người, nhiều biện pháp và nhiều hoàn cảnh để
ghi lại. Thật là thích thú cho những vị nào muốn ghép một bức tranh về lịch sử
của một định chế tinh vi nhất của nhân loại phát triển tại một quốc gia mà ở đó
việc sử dụng séc chưa phổ biến trong dân chúng.







Hải Lý thuộc phái đẹp, nên khi nắm bắt và ghi lại các điều
trên, chị không chỉ dùng ngòi bút mà còn có cả giác quan thứ sáu. Do đó, độc
giả sẽ thấy ở đây nhiều điều:







- Chị không chỉ “mô tả lịch sử” như: “Trung tâm giao dịch
chứng khoán vừa được sơn quét lại. Trước đây vài tháng, giới báo chí có thể ra
vào trung tâm khá dễ dàng, nhưng bây giờ muốn bước qua cổng, họ phải trình giấy
giới thiệu, thẻ nhà báo và đợi nhân viên bảo vệ gọi điện vào xin ý kiến. Chẳng
ai giải thích vì sao có sự thay đổi ấy, nhưng tất cả nhân viên trung tâm và
không ít công chúng đều biết rằng thời điểm khai trương sàn giao dịch chỉ còn
tính từng ngày…” (TBKTSG, ngày 13-7-2000);







- Mà còn “nhận xét lịch sử”: “…Chứng khoán, xét về một mặt
nào đó, cũng giống như thị trường bất động sản, không thể thiếu đầu cơ. Vấn đề
là phải có cơ chế điều tiết sự đầu cơ ấy. Khi khung pháp lý chưa bắt kịp thực
tế, thị trường đã có những phản ứng thay thế. Ví dụ thông qua nghiệp vụ repo
(mua bán cổ phiếu có kỳ hạn) hiện nhiều nhà đầu tư đã tham gia mua khống”;
(TBKTSG, ngày 2-3-2006);





-Và đặt “câu hỏi cho lịch sử” như
trong bài phỏng vấn ông Chris Freund, Giám đốc điều hành Mekong Capital: “Chính
phủ Việt Nam
đang tỏ rõ quyết tâm cải cách khu vực doanh nghiệp quốc doanh thông qua việc cổ
phần hóa các tổng công ty, doanh nghiệp lớn. Giới đầu tư nước ngoài mà ông có
quan hệ đánh giá ra sao sự chuyển biến này? Theo ông, việc đẩy nhanh cải cách
kinh tế quốc doanh đòi hỏi phải làm thêm những gì?”(TBKTSG, ngày 15-4-2004).







Tôi còn có thể trích ra nhiều đoạn nữa cơ, nhưng đang nghe
có độc giả bảo: “Thôi, để cho người ta đọc chứ!”. Vâng ạ. Vậy, cùng chung lời
với chính tờ báo nơi Hải Lý đang làm việc, tôi xin trân trọng giới thiệu cuốn
sách “Nóng lạnh chứng khoán” cùng độc giả.



(Trích “Lời giới thiệu”
sách)









Sách do Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Nhà xuất bản Trẻ
liên kết xuất bản, tháng 4-2007; Công ty Fahasa TPHCM phát hành. Dày 314 trang,
giá bìa 40.000 đồng.
Nguyễn Ngọc Bích