Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) vừa ra một bản Báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh cùng một số phân tích về tăng trưởng và tài chính của dược Viễn Đông năm 2009
Bản cáo cáo dài 12 trang nhận định: Viễn Đông có thế mạnh từ sản xuất nhượng quyền và kinh doanh phân phối.
Là công ty có “sở hữu hệ thống phân phối mạnh, phát triển từ hoạt động phân phối trong ngành dược (xếp thư 3 trong ngành) cũng như mạng lưới khách hàng làm cơ sở cho việc chuyển hướng sang dược phẩm. Theo đó, hệ thống sản phẩm tốt sẽ tạo nền tảng tốt về đầu ra cho hiện tại cũng như sản lượng từ nhà máy mới” (Nhà máy liên doanh Lili of France với quy mô 25 triệu USD, đóng góp doanh thu có thể đạt 250 tỷ (năm 2010) đến 400 tỷ (năm 2013)).
Báo cáo nhấn mạnh: Hệ thống sản phẩm của Viễn Đông ngày càng đa dạng, DVD đã sản xuất trên 100 sản phẩm, chiếm 20 – 30% thị phần mảng sản phẩm tương đương. “Việc sản xuất thành công sản phẩm Fludon H1, thuốc đặc trị cúm A H1N1 là thành công lớn thể hiện năng lực nghiên cứu khá tốt của DVD.” Định giá cho thấy, mức giá hợp lý nằm trong khung VND là 110,000 – 138,000/CP dựa trên mức P/E đã chiết khấu.
Tuy nhiên, về mức độ rủi ro, Báo cáo nhận định: “Yếu tố rủi ro lớn nhất liên quan đến việc vận hành nhà máy mới” (Lili of France). Do đây là nhà máy sản xuất đầu tiên, DVD có thể chịu các rủi ro về kĩ thuật, nhân sự dẫn đến việc đưa vào hoạt động nhà máy không đúng thời hạn, ảnh hưởng đến các dự phóng 2010 và kết quả định giá. Bên cạnh đó, các chi phí phát sinh từ khấu hao, lãi vay, nguồn vốn đầu tư nhà máy có thể tạo áp lực lên chi phí và năng lực tài chính nếu không quản lý hiệu quả.
Tuy nhiên Báo cáo của Công ty chứng khoán SBS đánh giá và tin tưởng : “Đây là những rủi ro có thể kiểm soát được với khả năng sẽ không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến hoạt động năm tới dựa trên thế mạnh hiện tại”
Trong mục “Phân tích tài chính”, Báo cáo của SBS cho rằng: Viễn Đông tăng trưởng mạnh vào giai đoạn 2007 – 2009
Báo cáo viết: “Sau khi tổ chức lại vào năm 2007, hoạt động Công ty đạt tăng trưởng mạnh trong 2 năm gần đây với tốc độ 22% (2008) và ước 28% (2009). Nếu loại trừ tốc độ tăng về giá (theo chỉ số giá tiêu dùng) thì tăng trưởng thuần đạt 12% và 19.6% tương ứng cho thấy mức độ mở rộng nhanh về quy mô tiêu thụ. Mảng sản phẩm truyền thống bao gồm các sản phẩm do công ty sản xuất đạt tốc độ 10% (2008) và khoảng 30% (2009). Việc đưa ra thị trường những danh mục sản phẩm mới bao gồm cả nhượng quyền, tự sản xuất làm cho doanh số mảng dược phẩm tăng nhanh trong 2009. Đây cũng là nguồn tạo ra lợi nhuận chính của công ty. Mở rộng thêm nhiều hoạt động mới như phân phối dược phẩm (2007), thiết bị, hóa chất (2008), sản xuất sản phẩm độc quyền của đối tác chiến lược (2009) dựa trên kênh phân phối hiện hành cũng góp phần tăng nguồn thu cho công ty. Dự kiến đưa vào hoạt động nhà máy Lili trong quý 1/2010 cũng như triển khai thêm nhiều sản phẩm mới (15 sản phẩm nhượng quyền 2010 và 20 sản phẩm nhượng quyền 2011, 2012) có thể tăng doanh thu thêm VND 240 – 260 tỷ (2010) và VND 330 tỷ (2011). Theo đó, dự báo doanh thu dược (gồm 3 mảng sản phẩm truyền thống, phân phối và đối tác chiến lược) sẽ tiếp tục tăng mạnh năm tới khả năng đạt VND 900 tỷ - VND 1,000 tỷ. “
Cũng dùng phương pháp định giá PE, dựa trên mức doanh số của Viễn Đông là VND 900 – 1,000 tỷ vào năm tới, SBS lại dự báo rằng: “Lợi nhuận đạt được nằm trong khoảng VND126 – 140 tỷ trước thuế với biên lợi nhuận bình quân 14% (duy trì của năm 2009). EPS 2010 dự phóng ở mức VND 10,000 – 10,600/CP dựa trên quy mô vốn mới là VND 119 tỷ.”
Và “Mức giá thích hợp của DVD trong điều kiện hiện tại có thể đạt VNĐ là 110,000 – 137,000/cp"
Dùng phương pháp định giá PB, SBS nhận định: “Theo một số nghiên cứu, trung bình PB của các doanh nghiệp phân phối thường ở mức bình quân 4.0 – 4.5 lần, theo đó giá trị tài sản ròng chỉ đóng góp 20 – 25% tổng giá trị thị trường của một công ty. Theo giá trị sổ sách cuối tháng 11/2009, BV của DVD ~ VND 19,170/CP và khả năng đạt VND 30,000/CP cuối năm nếu cộng thêm phần lợi nhuận tăng thêm trong tháng 12 và thu từ phát hành thêm 3 triệu cổ phiếu với thặng dư khá lớn. Áp dụng mức PB trung bình như trên, DVD sẽ đạt mức VND 76,700 – 95,850/CP theo BV tháng 11 và VND 120,000 – 150,000 theo BV tháng 12. Tuy nhiên, do nguồn vốn mới sẽ được đầu tư vào nhà máy và chưa tạo ra hiệu quả tức thì, chúng tôi cho rằng nên sử dụng mức trung bình, tương ứng giá trị cổ phiếu ở mức VND 110,000.”