kIẾN THỨC CHUNG CHO MỌI NGƯỜI MUỐN THẮNG TRONG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NÈ
  • Thông báo


    Kết quả 1 đến 6 của 6

    Threaded View

    1. #1
      Ngày tham gia
      Apr 2007
      Bài viết
      6
      Được cám ơn 3 lần trong [ARG:2 UNDEFINED] bài gởi

      Mặc định kIẾN THỨC CHUNG CHO MỌI NGƯỜI MUỐN THẮNG TRONG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NÈ



      Sau bao năm nghiên cứu chứng khoán giờ mới học được một bài học của triệu phú.Mời các bạn đón đọc đi nè.Đây mới là cách kiếm tiền bằng chứng khoán,mọi người cần đọc .Hầu hết những bài viết khác đều nói tới daytrading thôi,mà daytrading thì thua nhiều hơn thắng.Nói chung là risky nhiều lắm.Nếu ai muốn kiếm tiền từ thị trường chứng khoán thì phải làm theo cách chỉ dẫn sau đây.
      Kiếm 100 triệu/1 giờ nhờ cổ phiếu - Một bài viết để các bạn tham khảo được Trích lược từ Nam Le's Blog.

      Trong bài viết “Làm lập trình viên hay không làm lập trình viên” tôi có đề cập đến chuyện làm thế nào để có nhiều tiền. Nay thấy phong trào chơi cổ phiếu đang nở rộ khắp mọi nơi, tôi nghĩ mình cũng thử góp vui viết một bài về cách chơi cổ phiếu xem sao.


      Cũng như các bài viết trước, tôi hy vọng bài này có thể giúp bạn thấy được một số khía cạnh mới của phong trào đang là mốt này. Nhưng tôi sẽ không bắt trước các bài báo thông thường – luôn mô tả thị trường chứng khoán là nơi đầy rẫy phức tạp, nguy hiểm, đa thái cực; ngược lại, tôi sẽ cố gắng cho bạn thấy chơi cổ phiếu thật ra cũng rất đơn giản và thú vị. Bạn không cần bất kỳ kiến thức nền tảng nào về tài chính, chứng khoán, kinh tế để đọc bài viết này.


      Tôi đã đến với cổ phiếu như thế nào?


      Tôi xin được kể lại câu chuyện của chính bản thân tôi về hành trình tìm đến với cổ phiếu.


      Từ nhỏ đến giờ tôi chỉ có 5 điềm đam mê: bóng đá, (các) bạn nữ (dễ thương), máy vi tính, đầu tư, và quản lý (xếp theo thứ tự thời gian mà tôi bắt đầu làm quen với từng cái). Tôi luôn ao ước mỗi ngày trong cuộc đời của mình đều có được cả 5 điều này, nhưng sự thật là cho đến bây giờ tôi vẫn phải vật lộn để vươn tới ước mơ đó.


      Hãy nói về niềm đam mê thứ tư: đầu tư. Không lâu sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu thấy tò mò về cách chơi cổ phiếu. Tôi thử lục lọi mấy cuốn sách, hỏi thăm một số bạn bè chuyên ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, tôi cũng không quên nói chuyện với một số người đã và đang chơi cổ phiếu ở Sài Gòn. Điều tôi có được sau quá trình tìm kiếm đó là một mớ hỗn độn các thông tin sau:


      “...Muốn chơi cổ phiếu thì phải có kiến thức về tài chính, kế toán. Phải có nhiều tiền. Phải liều. Phải quen biết để nắm được nhiều thông tin. Phải dành ra ít nhất hai năm “bám” sàn giao dịch để có kinh nghiệm. Phải biết đọc bản cáo bạch. Phải biết xem biểu đồ. Phải theo dõi tin tức nhiều ng*ồn. Phải cảnh giác với các thủ thuật lừa đảo. Phải đi học các khóa học XYZ. Phải biết...Phải học...Phải có...Phải là...”


      Thú thực là tôi hơi thất vọng. Tôi KHÔNG có được bất kỳ điều kiện nào ở trên. Tôi cũng chẳng hiểu nổi cổ phiếu là gì và làm sao để chơi cổ phiếu. Tại sao chơi cổ phiếu lại khó đến vậy?- Tôi tự hỏi. Nếu khó như vậy thì người ta tạo ra nó để làm gì? Tôi cứ nghĩ người ta tạo ra thị trường chứng khoán là vì nó đem lại lợi ích cho con người, chứ đâu phải vì nó khó!? Với lại, nếu tôi - một người đã tốt nghiệp đại học và có trí thông minh bình thường – còn không hiểu nổi, thì rõ ràng là nó phức tạp hơn mức bình thường. Mà theo như những người trong ngành khoa học máy tính thường hay bảo nhau, cái gì phức tạp hơn bình thường thì rất có thể là có vấn đề gì đó. Hoặc là đầu óc của tôi có vấn đề, hoặc là người ta đã cố tình làm cho nó phức tạp một cách không cần thiết.


      Tôi không nản chí và quyết định vào trang web của công ty chứng khoán Ngân Hàng Ngoại Thương (VCBS). Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là cái biểu đồ VN-Index. Tôi tìm hiểu ngay VN-Index là gì. Chẳng mất nhiều thời gian, tôi hiểu ngay VN-Index chính là một chỉ số duy nhất đại diện cho giá giao dịch của tất cả các cổ phiếu đang có trên thị trường. Trong ngày đầu tiên thị trường được hình thành (tháng 7 năm 2000), người ta quy ước VN-Index là 100 điểm. Sang ngày hôm sau, người ta sẽ tính lại giá trung bình (có trọng số) của các cổ phiếu, nếu nó lớn hơn giá trị trung bình của ngày hôm trước 3% thì VN-Index của ngày hôm đó sẽ là 103 điểm (100 cộng với 3% của 100); ngược lại, nếu nó nhỏ hơn giá trị trung bình của ngày hôm trước 2% thì VN-Index của ngày hôm đó sẽ là 98 điểm (100 trừ đi 2% của 100). Theo như đồ thị của VCBS thì VN-Index của ngày hôm nay, 12/01/2007 (sau 6 năm rưỡi) là 914.79 điểm!


      Thật không thể tin nổi. Cảm giác của tôi như được lên chín tầng mây. Tôi không thể tưởng tượng ra rằng chơi cổ phiếu lại đơn giản và có lời đến vậy. Đây là ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu của tôi: nếu ngay từ ngày đầu tiên thị trường ra đời (07/2000), tôi dùng 100 triệu đồng mua hết tất cả các cổ phiếu trên thị trường – tôi gọi đó là mua VN-Index – và giữ cho đến bây giờ, số tiền của tôi sẽ tăng lên thành 914 triệu đồng! Vâng, 914 triệu đồng mà không cần làm gì cả, cũng chẳng cần có những điều kiện phức tạp như người ta đã nói với tôi ở trên.


      Vốn bản tính cẩn trọng (có thể nói là cổ hủ), tôi đặt ra cho mình ba câu hỏi:


      1. Cách mua VN-Index đã đem lại lợi nhuận cao, nhưng biết đâu còn nhiều cách khác tốt hơn nữa thì sao?

      2. Đó là kết quả quá khứ, liệu nó có lặp lại như vậy trong tương lai?

      3. Tại sao trong sáu năm qua người ta không theo cách đó, thay vì vậy lại nghĩ ra bao nhiêu thứ phức tạp như đã nói ở trên? Tôi sai, hay người ta điên?


      Tôi không ngờ rằng ba câu hỏi trên đã giúp cho tôi bước vào một thế giới hoàn toàn mới lạ và vô cùng lý thú; và tôi nghĩ rằng bạn cũng sẽ học được rất nhiều sau khi nghe tôi kể lại quá trình đi tìm câu trả lời cho ba câu hỏi trên.


      Cổ phiếu và những thứ khác


      Có thể 914 triệu thì nhiều thật, nhưng phương pháp luận khoa học (như đã nói, tôi hoàn toàn mù tịt về những lĩnh vực khác ngoài máy tính) dạy cho tôi biết rằng nó sẽ chẳng là gì nếu tôi chưa so sánh với những phương pháp khác (nếu tồn tại). Tôi thấy những người xung quanh mình nếu có tiền thì đều mua đô la, mua vàng, mua nhà đất; biết đâu trong hơn sáu năm đó họ có thể kiếm được hàng tỉ đồng từ 100 triệu ban đầu thì sao? Vì vậy, tôi bắt đầu sục sọi khắp các trang web, xin thông tin từ những người quen để làm một cuộc “đo đạc” đơn giản về các hình thức đầu tư từ số tiền ban đầu 100 triệu. Mốc thời gian là từ ngày 28/07/2000 đến ngày 29/12/2006.


      a. Gửi tiết kiệm có kỳ hạn 1 năm với lãi suất 7.5%/năm. Theo thăm dò của tôi, phần lớn mọi người đều cho rằng đây là cách đơn giản nhất và an toàn nhất.

      b. Mua vàng. Ai cũng nói vàng là cách đầu tư sinh lợi nhất về lâu dài, vì giá vàng bao giờ cũng tăng. Có thật vậy không?

      c. Mua đô la. Nhiều người cũng than phiền nếu phải nhận lương bằng tiền đồng, vì họ cho rằng đô la luôn có giá hơn.

      d. Mua euro. Vâng, euro đã và đang tăng giá.


      Và đây là kết quả của số tiền vào ngày 29/12/2006 ứng mỗi cách đầu tư trên:


      Gửi tiết kiệm 165,904,914

      Vàng 259,464,058

      Đô la 113,232,181

      Euro 162,021,522

      Cổ phiếu 751,770,000


      Vậy là sau sáu năm rưỡi thì cổ phiếu sinh lợi nhiều hơn hẳn những loại hình khác. Để nhìn kỹ hơn, tôi vẽ ra biểu đồ biến động giá của từng loại hình. Ở đây tôi đặt ra một giả định: sau khi bỏ ra 100 triệu để đầu tư vào ngày 28/07/2000. tôi sẽ tự kiểm tra lại khoản đầu tư của mình đã sinh lời ra sao vào ngày 31/12 mỗi năm. Lưu ý rằng tôi chỉ xem lại số tiền thôi, chứ không mua hoặc bán gì cả. Tất cả các khỏan đầu tư đều được giữ nguyên cho đến ngày 29/12/2006.

      Đây là phân tích sơ bộ của tôi.


      Gửi tiết kiệm: thích hợp cho mục tiêu ngắn hạn vì gần như an toàn tuyệt đối, nhưng về dài hạn thì cho kết quả thật đáng thất vọng. Trong hơn sáu năm chỉ kiếm được gần 66 triệu từ 100 triệu. Nghĩa là có 10 ngàn thì thu được 16 ngàn. Tôi nhớ hồi năm 2000 tiệm phở mà tôi thích ăn bán 10 ngàn/1 tô. Bây giờ thì họ bán 18 ngàn/1 tô, đã vậy còn thu thêm 2 ngàn gửi xe. Cũng may tôi không bao giờ gửi tiết kiếm lâu quá 2 năm, nếu không thì mất toi cơ hội ăn phở ngon bằng đồng tiền mô hôi nước mắt của mình rồi.


      Mua đô la Mỹ. Kết quả còn tệ hơn cả gửi tiết kiệm. Lúc nào tôi cũng nghe bạn bè than phiền về đồng lương hẻo vì tiền Việt mất giá, họ muốn được trả bằng tiền đô. Họ dẫn chứng rằng hồi năm 2000 thì 1 đô la có giá 14 ngàn, còn bây giờ thì đã hơn 16 ngàn rồi. Vâng, đô la tăng 2000 đồng, nhưng nó cần đến 6 năm rưỡi. Hay dễ hiểu hơn, mua đô la bằng 10 ngàn đồng năm 2000 thì bây giờ chỉ có hơn 11 ngàn đồng, với số tiền đó thì tôi phải đi bộ (để khỏi trả tiền gửi xe), ăn tô phở ít bánh phở, ít thịt, không uống trà đá. Thật không đáng so với hơn sáu năm làm lụng cực khổ, cho dù người ta có trả tôi bằng tiền đô. Dĩ nhiên, tôi có thể gửi số tiền đô la của mình trong ngân hàng để có thêm lãi suất; nhưng nếu cộng thêm tiền lãi đó thì số tiền cuối cùng cũng gần bằng với tiền gửi tiết kiệm bằng tiền Việt thôi. Rõ ràng ngân hàng cũng rất khôn khi ấn định lãi suất tiền Việt cao hơn đô la, nếu không thì ai cũng lấy tiền Việt để mua đô la rồi còn gì.


      Euro. Khá hơn đô la, nhưng chẳng khác mấy so với gửi tiết kiệm có kỳ hạn bằng tiền Việt. Với cách này thì tôi vẫn không thể đường hoàng đi xe đến ăn tô phở ngon của mình được.


      Vàng. Kết quả khá tốt. Những người theo “trường phái cổ điển” (tích trữ vàng) ít nhiều cũng giành thắng lợi trong những năm vừa qua.


      Nhà đất. Đáng tiếc là tôi chưa thể tìm ra ng*ồn số liệu đáng tin cậy. Lý do là Việt Nam chưa có thị trường giao dịch bất động sản chính quy nên chúng ta không thể nắm được giá cả giao dịch thực tế. Nhưng tôi cũng có thể phỏng đoán dễ dàng như sau: một số người đã thắng đậm nhờ đầu cơ nhà đất (lời khoảng gấp 4-5 lần), nhưng cũng có người phá sản vì mua hớ. Nói cách khác, một số người sẽ có thể ăn 2 tô phở, nhưng cũng có người thậm chí không còn tiền để gửi xe chứ đừng nói đến chuyện ăn phở.


      Cổ phiếu. Huraaaa. Hồi năm 2000 tôi có để ý một bạn nữ sinh viên rất dễ thương. Nhiều lần tôi muốn mời bạn ấy đi ăn phở, nhưng ngặt nỗi bạn đó ở trọ chung với hai người bạn nữ khác. Lẽ thường tình thì lúc mới quen tôi phải mời cả ba người đó đi ăn, nhưng tôi lại chỉ có 10 ngàn đồng thôi! Nếu chịu khó chờ đợi thì bây giờ tôi có thể mời cả hội đó rồi, đi 2 chiếc xe máy, 4 người gọi 4 tô phở thơm ngon.


      Kết quả trên giúp tôi tự tin trả lời câu hỏi thứ nhất: trong hơn sáu năm qua, cổ phiếu đã đem lại lợi nhuận nhiều hơn hẳn tất cả các loại hình khác. Tôi cũng hiểu “chơi” cổ phiếu thực chất nên được gọi là đầu tư vào cổ phiếu thì đúng hơn. Đây là định nghĩa của tôi về đầu tư:


      Đầu tư có nghĩa là bạn không làm gì mà vẫn có tiền để mời nhiều bạn nữ dễ thương đi ăn phở, thay vì phải cày như trâu bò để đủ tiền ăn phở riêng một mình. Kết quả đó có được là nhờ niềm tin vào sự phân tích của bạn và vào số liệu thực tế.


      Vì sao đầu tư cổ phiếu lại có lợi?


      Trước khi đến với câu hỏi thứ hai (“Liệu kết quả trong 6 năm qua có lặp lại?”), tôi chợt thắc mắc một điều: vì sao đầu tư cổ phiếu đem lại lợi nhuận cao như vậy? Liệu kết quả vừa rồi có phải chỉ là ngẫu nhiên?


      Như người đang đói cồn cào (đói kiến thức) mà chợt ngửi được mùi vị phở thoang thoảng ở xung quanh, tôi tiếp tục lao vào tìm hiểu kỹ hơn về cổ phiếu, vàng, ngoại tệ,...


      Trước tiên là về cổ phiếu. Tôi hiểu được rằng khi tôi sở hữu 1 cổ phiếu của một công ty X có nghĩa là tôi đã sở hữu một phần của công ty đó. Ví dụ, nếu Vinamilk có 100 triệu cổ phiếu (chỉ là ví dụ) và tôi nắm giữ 1 cổ phiếu của Vinamilk, có nghĩa là tôi đang sở hữu 1/100 triệu phần của Vinamilk. Tôi chính là chủ của Vinamilk. Nếu năm nay Vinamilk có được lợi nhuận ròng là 500 tỉ đồng (cũng chỉ là ví dụ), thì phần lợi nhuận của tôi trong đó sẽ là 5 ngàn đồng (1/100 triệu của 500 tỉ đồng).


      Khi tôi dùng 100 triệu đồng mua VN-Index, có nghĩa là tôi đã sở hữu được tất cả các công ty đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thử tưởng tượng chỉ cần 100 triệu là có thể làm chủ sở hữu của Vinamilk, Kinh Đô, Sacombank, REE (ai đang làm việc ở Etown sẽ biết REE là công ty gì), FPT,... Nếu thị trường chứng khoán không ra đời, thì 100 triệu đồng cũng không thể đủ cho tôi mở được quán ăn bình dân bên cạnh Etown, nhưng nhờ có cổ phiếu mà tôi trở thành chủ cho thuê văn phòng Etown của hàng ngàn nhân viên đang làm việc trong đó.


      Dĩ nhiên ai cũng muốn làm chủ của Vinamilk vì đó là công ty làm ăn tốt trong suốt thời gian qua. Nhưng nếu làm chủ của Bông Bạch Tuyết (BBT) thì thật là tai hại. BBT làm ăn thua lỗ mấy năm liên tiếp, và dĩ nhiên chủ đầu tư của BBT chính là những người lãnh hậu quả đó. Nhưng nếu tôi “sở hữu” VN-Index thì rủi ro đó sẽ thấp hơn rất nhiều. Hầu hết các công ty niêm yết trên thị trường đều làm ăn tốt trong 5-10 năm qua. Để có thể được niêm yết, các công ty phải chứng minh cho trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) là nó thỏa rất nhiều điều kiện khắt khe: lợi nhuận, tài chính, công bố thông tin,... Và vì thị trường Việt Nam còn mới sơ khai, nên các cán bộ và chuyên gia ở TTGDCK đã làm việc cật lực để ưu tiên chọn những công ty làm ăn tốt và đàng hoàng được niêm yết (đầu xuôi thì đuôi mới lọt). Cho nên, tôi có thể tự tin rằng những công ty đang niêm yết dù số lượng còn ít, nhưng chúng đại diện là những đại diện ưu tú cho toàn bộ tất cả các công ty đang làm ăn tại Việt Nam.


      Trong khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7-8%/năm trong những năm qua thì các công ty đang niêm yết tăng trưởng trên 20%/năm (tính bình quân). Tôi không cần phải mất công tìm kiếm những công ty đó, vì các chuyên gia ở TTGDCK đã làm việc đó rồi; điều duy nhất tôi cần làm là bỏ tiền để sở hữu chúng và chờ đến ngày mời các bạn nữ dễ thương đi ăn phở.


      Để hiểu vì sao giá cổ phiếu của một công ty tăng, tôi chỉ cần hiểu một điều duy nhất: nếu công ty làm ăn tốt thì về lâu dài giá cổ phiếu của công ty đó cũng sẽ tăng tương ứng.


      Đó chính là lý do vì sao cách đây hơn sáu năm VN-Index “tăng giá” từ 100 lên 751 (cho đến ngày 12/01/2007 đã là 913). Các công ty niêm yết đã làm ăn rất tốt và đem lại lợi nhuận to lớn trong suốt thời gian đó.


      Điều đó cũng giải thích vì sao cổ phiếu và nhà đất luôn tăng giá về lâu dài. Cả hai thứ đều tự sinh ra thêm lợi nhuận theo thời gian, nên giá của nó sẽ tăng lên.


      Ngược lại, ngoại tệ, tiền mặt (Việt Nam đồng), hay vàng đều không tự sinh ra lợi nhuận. Nếu tôi có 10 kg vàng, dấu nó thật kỹ trong 20 năm qua, thì đến bây giờ nó vẫn không đem lại thêm một đồng lợi nhuận nào cho tôi (thậm chí tôi phải tốn chi phí để cất giữ nó). Dĩ nhiên, trên thực tế thì giá giao dịch của chúng đã tăng trong thời gian qua. Nhưng cái đó là tăng ảo. Giá giao dịch của chúng tăng thực chất là vì lạm phát tăng cao. Về lâu dài, sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, thì giá trị thực sự của chúng có thể còn giảm đi nữa (đó là chưa kể đến chi phí cất giữ hoặc chi phí mua/bán). Lúc đầu tôi thấy hơn khó hiểu, nhưng rồi nghĩ đến tô phở mà mình thích ăn thì tôi hiểu ra ngay: giá của tô phở cũng tăng sau 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm vẫn tăng, nhưng còn lâu tôi mới đi tích trữ tô phở để bán ra khi giá lên cao.

      Điều chỉnh cách mua VN-Index


      Đến lúc này thì tôi thử kiểm tra lại tính khả thi của cách mua VN-Index đã trình bày ở trên. Thật ra có hai vấn đề cần nêu ra:


      1. Tôi đã hơi “khôn” khi chọn thời điểm mua là ngày 28/07/2000 khi VN-Index ở mức thấp nhất (100 điểm). Không phải ai cũng có đủ điều kiện để chọn đúng thời điểm đẹp như vậy: chưa có tiền, chưa hiểu rõ về cổ phiếu, chưa có kinh nghiệm...

      Nếu tôi mua vào thời điểm 25/06/2001 khi VN-Index là 571 điểm, thì tôi sẽ phải chứng kiến số tiền của mình mất đi thảm hại, và đợi 5 năm sau thì mới gỡ lại vốn ban đầu! Rõ ràng thời điểm mua cũng rất quan trọng.

      2. Thực tế thì tôi không thể có ngay 100 triệu đồng được. Hôm vừa rồi tôi có ngồi nói chuyện với một người bạn, anh ta than thở với tôi rằng thấy người ta chơi cổ phiếu cũng ham quá, nhưng liệu mỗi tháng chỉ có dư ra được 1 triệu đồng thì có chơi được hay không. Tôi nghĩ thực tế thì điều kiện của phần lớn mọi người cũng chỉ ở mức đó thôi.


      Khó thật. Hay có lẽ vì vậy mà mọi người trốn cả công ty để ra sàn giao dịch căn giá mua, rồi còn tận dụng thời gian quý giá dành cho gia đình để đi học thêm về chứng khoán? Nhưng tôi vẫn kiên trì với phương châm “hãy đơn giản như là vốn có” của mình.


      Suy nghĩ một hồi thì phương pháp mua VN-Index được cải tiến như sau. Ban đầu tôi có 20 triệu đồng, tôi sẽ dùng 20 triệu đó để mua VN-Index vào ngày 28/7/2000. Cứ mỗi tháng tôi để dành được 1 triệu đồng, vì vậy tôi sẽ dồn lại mỗi năm được 12 triệu đồng. Mỗi khi có đủ 12 triệu đồng thì tôi lại chạy ra mua VN-Index tiếp, bất kể thị trường lúc đó thế nào. Để thêm phần “công bằng”, tôi giả sử có 2 lần tôi mua trúng vào lúc thị trường lên đến đỉnh (ngày 25/6/2001 và 25/4/2005, chính là 2 ngày mở đầu cho 2 giai đoạn đen tối nhất trong lịch sự thị trường chứng khoán Việt Nam).


      Như vậy tôi sẽ có 7 lần mua chứng khoán, với tổng cộng số tiền mặt đã bỏ ra để mua là 89 triệu đồng. Bạn đoán xem đến ngày 29/12/2006 tôi có bao nhiêu tiền? Hình sau sẽ cho thấy kết quả đó.

      Tuyệt vời! Nếu một viên chức bình thường với đồng lương èo uột, nhưng chỉ cần dành ra 1 triệu đồng mỗi tháng và thực hiện 7 lần mua như trên (dù chẳng cần bỏ ra 1 phút để nghiên cứu thị trường), anh ta sẽ có được hơn 357 triệu đồng sau sáu năm rưỡi. Với số tiền đó anh ta có thể đặt cọc để mua được một căn nhà tươm tất rồi cưới vợ trong nay mai. Đó chính là phần thưởng cho người biết cần kiệm và sử dụng đồng tiền khôn ngoan. Còn nếu không, rất có thể anh ta chỉ biết ôm 89 triệu mà than thở rằng thu nhập của mình hẻo quá (chắc phải tranh thủ “kiếm chác” bên ngoài mới được!!!). Ồ, cũng có thể số tiền đó đã bay vèo vào các cuộc nhậu nhẹt rồi, nếu anh ta không có kế hoach tiết kiệm và đầu tư rõ ràng.

      Hãy phân tích kỹ hình 3. Đầu tiên ta sẽ nói về 2 cú mua lầm tai hại. Ngày 25/6/2001, tôi bỏ ra 12 triệu để mua lúc VN-Index 571 điểm, để rồi chỉ một vài tháng sau nhìn số tiền 12 triệu để rớt giá thê thảm (rất nhiều người bị phá sản, bị vợ bỏ trong thời điểm đó). Đến hai năm sau, ngày 28/7/2003, số tiền 12 triệu đó chỉ còn lại 3.1 triệu đồng. Phải đợi 6 năm sau thì số tiền 12 triệu đó mới khôi phục và tăng trở lại. Tương tự là lần mua vào ngày 25/4/2006. Lẽ ra tôi phải đợi đến 28/7/2006, nhưng giả sử như lúc đó tôi cũng hóa điên như những người khác, thấy cổ phiếu tăng giá chóng mặt nên lấy hết tiền đang dành dụm được (mới chỉ có 9 triệu) đi mua luôn. Chuyện sau đó thế nào thì nhiều người đã biết: giá cổ phiếu rớt giá thảm hại trong tháng 5, 6, và 7. Nhưng đến cuối năm thì 9 triệu đó cũng tăng trở lại thành 10.6 triệu.


      Những lần mua khác thì đem lại kết quả tuyệt với. Số tiền 20 triệu đầu tiên đã trở thành 150.3 triệu vào tháng 12/2006, mặc dù phải chứng kiến qua bao thăng trầm: lúc thì lên đến 114.2 triệu (6/2001), lúc thì rớt xuống chỉ còn 29.7 triệu (7/2002). Bạn hãy nhìn và suy nghĩ hình 3, chắc chắn bạn sẽ tự rút ra được nhiều thông tin lý thú hơn nữa.


      Tôi cũng đã cẩn thận so sánh kết quả từ cách đầu tư trên với cách “đầu tư” phổ biến hiện nay của các bạn trẻ ở SG: mỗi tháng nhận lương xong, trừ đi các khoản chi tiêu, còn dư bao nhiêu (giả sử dư 1 triệu) thì bỏ vào ngân hàng gửi tiết kiệm (giả sử kỳ hạn 1 năm). Kết quả cuối cùng của phương pháp đó là số tiền 120 triệu đồng! Thật là một kết quả khiêm nhường nếu so với 357 triệu.


      Thực tế thì cách đầu tư cổ phiếu còn có thể thu được nhiều tiền hơn 357 triệu, vì tôi chưa tính tiền lãi ngân hàng (cho mỗi 12 triệu để dành hằng năm) và tiền cổ tức. Tôi có rất nhiều lựa chọn với số tiền đó (dù ít ỏi): dùng nó để đi ăn phở, còn không thì mua thêm cổ phiếu. Cách thứ hai chắc chắn thu lời nhiều hơn về lâu dài.


      Còn so sánh với những cách đầu tư khác thì sao: vàng hay nhà đất chẳng hạn. Hừmm... Nếu bạn chỉ để dành được có 1 triệu đồng một tháng, và trong tay chỉ có 20 triệu đồng làm vốn, thì tốt hơn là chưa nên nghĩ đến chuyện đầu tư vào những thứ này. Đơn giản là bạn chưa đủ tiền để làm. Còn nếu làm liều đi vay tiền để chơi thì sao? Tôi cũng không biết kết quả thế nào nữa. Tôi chưa phân tích được và cũng chưa có số liệu gì để bàn về cách làm đó được. Nếu bạn thích theo cách đó thì chúc bạn may mắn, hy vọng bạn sẽ có tiền để ăn phở, thay vì không còn tiền để gửi xe. Còn tôi thì thích đi ăn phở với các bạn nữ dễ thương hơn.


      Một phát hiện lý thú về đầu tư cổ phiếu


      Tôi cũng biết một số người có thu nhập rất cao, mỗi tháng họ có thể dư ra 10 triệu đồng. Họ đại diện cho một thế hệ mới những người trẻ năng động, thành đạt trong công việc, rất sành điệu, nhưng đáng tiếc hiểu biết về cách sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan của họ là con số zero tròn trĩnh. Mỗi lần gặp gỡ những người bạn này là tôi lại nghe họ “triết lý” rằng thời bây giờ phải biết tự kinh doanh riêng hoặc là phải tranh thủ làm thêm bên ngoài thì mới khá được. Và thế là họ cùng nhau bỏ tiền ra kinh doanh riêng. Người bạn làm sales thì đi mở công ty thiết kế in ấn, người bạn làm thiết kế quảng cáo thì tranh thủ đi làm sales vào buổi tối để có huê hồng, người đang làm lập trình viên thì hùn vốn ở shop điện thoại di động,...


      Phần lớn mấy người bạn đó càng làm thì càng đuối, một số người lỗ vốn (thu nhập từ công việc chính chỉ để nuôi sống các cửa tiệm hoặc công ty riêng đang èo uột), một số người thì bị quá nhiều công việc chi phối đến nỗi không có thời gian dành cho gia đình, học tập, vui chơi, nghỉ ngơi.


      Tôi cũng hỏi người bạn đang làm lập trình viên và có hùn vốn mở cửa hàng điện thoại. Tôi hỏi vì sao mở cửa hàng? – Vì muốn có nhiều tiền. Tôi hỏi có say mê với công việc đó không? – Không say mê gì hết. Tôi hỏi có kiến thức hay kinh nghiệm gì về nó không? – Không, cần gì mấy cái đó, người ta mở tiệm ầm ầm, ai cũng giàu cả đó thôi. Tôi hỏi có suy nghĩ cách nào khác để kiếm tiền mà ít rủi ro, ít mất thời gian, phù hợp với mình hơn chưa? – Suy nghĩ làm gì, làm cái gì cũng được, miễn sao có tiền là ok.


      Hồi trước tôi ở khu vực đường Ngô Quyền, quận 5, phía sau bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Hẳn nhiều người cũng biết khu vực đó nổi tiếng về tệ nạn gì rồi. Tôi biết nếu có hỏi mấy em gái đứng đường ở đó những câu hỏi như trên, thì các em cũng trả lời y như người bạn của tôi. “Bây giờ làm cái gì cũng được, miễn là có tiền”. Mỗi lần nghe ai nói đến câu đó (tôi nghe rất nhiều lần rồi, mỗi lần gặp mặt bạn bè, hỏi về công việc là y như rằng), tôi lại rùng mình và nghĩ về hình ảnh mấy em gái đứng đường! Tuy nhiên, chỉ thoáng chốc là tôi lấy lại được sự bình tĩnh. Vì hoàn cảnh, các em không có sự lựa chọn nào khác; nhưng nhờ công ơn của cha mẹ, tôi có nhiều sự lựa chọn. Các em không được học hành, nhưng tôi được học hành tử tế. Và tri thức giúp tôi có được sự lựa chọn tốt hơn các em.


      Mấy người bạn của tôi đã đúng khi cho rằng làm chủ thì thường là giàu hơn làm công. Nhưng họ quên mất một điều là chỉ có chủ của những doanh nghiệp làm ăn tốt mới giàu. Nhờ phát hiện về cách mua VN-Index này, tôi có thể làm chủ của những doanh nghiệp ưu tú nhất Việt Nam một cách dễ dàng. Nếu tôi không đam mê và không giỏi về in ấn, thì chuyện mở một công ty in ấn để có lợi nhuận tăng trưởng trên 20%/năm (trung bình của những Vinamilk, FPT, REE,...) là không tưởng. Tốt hơn hết là tôi nên lấy tiền của mình đầu tư vào những công ty niêm yết.


      Tôi chỉ làm công việc mà tôi 1) đam mê, 2) đem lại giá trị tốt đẹp cho cuộc sống, và 3) giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Nếu tôi làm tốt thì tôi sẽ có nhiều tiền từ công việc của mình. Nếu có những lĩnh vực có thể kiếm nhiều tiền hơn, nhưng lại không thỏa 3 điều kiện trên, thì tôi sẽ dùng tiền kiếm được từ công việc của mình để đầu tư vào đó. Còn nếu tôi thấy có công việc thỏa mãn cả 3 điều kiện trên mà lại đem lại rất nhiều tiên, khi đó tôi sẽ thử lập công ty riêng xem sao.


      Nhiều người cứ hỏi tôi tại sao không tranh thủ làm thêm vào buổi tối. Những người đó chắc chắn đã không hiểu được con người của tôi rồi. Tôi chỉ thích đi ăn phở với bạn nữ xinh đẹp vào buổi tối; và trong mỗi bữa ăn đó, khi nhìn sang cửa hàng tạp hóa đối diện, tôi thấy hàng trăm người đang mua sữa của Vinamilk, bánh kẹo của Kinh Đô là tôi cảm thấy hoàn toàn yên tâm. Tôi không cần phải làm việc buổi tối, thay vì vậy tôi dùng tiền kiếm được ban ngày để đầu tư; mỗi buổi tối như vậy có hàng chục ngàn người ở Vinamilk, Kinh Đô,... đang làm việc cật lực cho những đồng tiền của tôi, và hàng triệu người đang dùng những sản phẩm của tôi. Đừng hỏi tôi phải bỏ bữa ăn phở với bạn nữ xinh đẹp để đi làm sữa, làm bánh kẹo, tôi không thích và không giỏi làm mấy việc đó.


      Đầu tư cổ phiếu là phải nhìn dài hạn


      Tôi trở lại và so sánh hình 1 với hình 2. Hình 1 cho tôi thấy toàn là khía cạnh tích cực của việc mua và nắm giữ cổ phiếu. Trong tất cả các năm, khoản đầu tư vào cổ phiếu luôn có kết quả cao hơn tất cả các khoản đầu tư còn lại. Chỉ có cuối năm 2003, đầu năm 2004 là cổ phiếu, vàng, và euro tiến gần lại với nhau. Điều đó có nghĩa là nếu tôi lấy 100 triệu mua VN-Index vào tháng 7/2000, thì tôi hoàn toàn yên tâm và thỏa mãn với khoản đầu tư này của mình, vì chẳng có cách đầu tư nào khác có thể lợi hơn cổ phiếu, cho dù có xét trong từng năm một.


      Vậy thì tại sao người ta nói cổ phiếu rất rủi ro, giá cổ phiếu luôn biến động rất mạnh? Họ nói phải biết căn lúc mua với giá thật thấp rồi phải biết bán với giá thật cao (mặc dù thực tế thì đa số họ làm ngược lại). Nếu nhìn vào hình 1 thì hành động của mọi người thật khó hiểu? Có năm nào mà khoản đầu tư vào cổ phiếu kém hơn so với những các khác đâu mà phải lo lắng rồi đem bán?


      Tôi tìm được câu trả lời khi nhìn vào hình 2. Đây thực ra mới là biểu đồ VN-Index mà mọi người thường thấy. Tôi nhận ra có rất nhiều răng cưa trong biểu đồ, có những thời điểm VN-Index lên rất cao và rất nhanh, nhưng cũng có thời điểm nó dốc xuống thẳng đứng (và đem theo cơ nghiệp của hàng ngàn người tranh nhau mua vào thời điểm trước đó).


      Thế thì đồ thị nào đúng? Hình 1 hay hình 2 đúng? Câu trả lời: cả hai hình đều đúng. Mỗi hình chỉ là một cách diễn tả (hay góc nhìn – view) khác nhau về một sự việc/hiện tượng mà thôi. Bạn nào biết về lập trình thì có thể hiểu mỗi hình là một view, còn VN-Index chính là model. Hình 2 miêu tả biến động giá của VN-Index qua từng ngày, còn hình 1 miêu tả biến động giá qua từng năm.


      Sự khác biệt giữ hai hình nói lên rất nhiều điều lý thú. Nó cho thấy rằng nếu tôi mua cổ phiếu rồi mỗi ngày chăm chăm theo dõi sự lên xuống của giá cổ phiếu, tôi sẽ thấy rằng cổ phiếu biến động rất mạnh và đầy rủi ro. Khi đó tôi sẽ luôn ở trong tâm trạng lo lắng và bồn chồn. Nhưng nếu tôi không quan tâm đến giá trong từng ngày (nếu có quan tâm thì cũng cố kìm nén lại, không xem gì hết), thì tôi thấy giá cổ phiếu rất ít biến động và có xu hướng đi lên về lâu dài. Hình 2 cho thấy VN-Index diễn biến thế nào theo đơn vị từng năm, nhưng nếu tôi điều chỉnh lại để xem diễn biến theo từng 2 năm hoặc 3 năm, kết quả đồ thị còn “đẹp” hơn rất nhiều: rất ít răng cưa, chủ yếu là các đoạn thẳng nối liền với nhau tạo thành một đường đi lên cao.


      Nhưng vì sao giá cổ phiếu biến động mạnh trong ngắn hạn, nhưng lại ổn định hơn và có xu hướng đi lên về lâu dài? Tôi tiếp tục miệt mài tìm hiểu.


      Đến đây thì cần hiểu thêm một chút kiến thức về thị trường chứng khoán (TTCK). Thực sự thì có 2 TTCK hoạt động song song cùng với nhau. Thứ nhất là thị trường sơ cấp. Giả sử công ty X cần huy động thêm vốn để làm ăn. Công ty X sẽ phát hành cổ phiếu để kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư. Khi tôi mua cổ phiếu trong đợt phát hành này có nghĩa là tiền của tôi sẽ chuyển đến cho công ty X, và công ty X sẽ sử dụng nó để nâng cao năng lực kinh doanh. Nói cách khác, thị trường sơ cấp là nơi trao đổi cổ phiếu từ công ty phát hành (công ty X) đến nhà đầu tư (tôi), còn tiền thì trao đổi theo hướng ngược lại. Giả sử tôi mua 1 cổ phiếu của công ty X với giá 10 ngàn đồng/1 cổ phiếu.


      Vậy những nhà đầu tư không tham gia vào thị trường sơ cấp có cơ hội để sở hữu cổ phiếu của công ty X nữa không? Câu trả lời là có. Đó là nhờ thị trường thứ cấp. Đây là nơi mà các nhà đầu tư trao đổi cổ phiếu với nhau. Ví dụ sau 1 năm, công ty X làm ăn phát đạt lên thấy rõ. Có một chị A nào đó muốn sở hữu cổ phiếu X, nên đến gặp tôi và đề nghị giá mua là 11 ngàn/1 cổ phiếu. Tôi thấy công ty X còn rất nhiều triển vọng trong tương lai, nên từ chối cái giá đó. Chị A liền nâng giá lên 12 ngàn/1 cổ phiếu, tôi vẫn không bán. Lúc đó thì có anh B cũng đang sở hữu cổ phiếu X nhảy vào, chấp nhận giá 12 ngàn đồng và bán cho chị A luôn. Khi đó người ta nói rằng cổ phiếu X có giá trên thị trường là 12 ngàn/1 cổ phiếu. Chú ý rằng 1 cổ phiếu X đã chuyển từ anh B đến chị A, và 12 ngàn đồng đã đi từ túi chị A đến túi anh B. Còn ngoài ra công ty X chẳng nhận được một đồng nào từ sự trao đổi đó. Còn bản thân tôi thì biết rằng khi nào cần tiền thì có thể tìm được ai đó trên thị trường để bán lại cổ phiếu X với giá 12 ngàn đồng.


      Một năm sau nữa. Công ty X vẫn làm ăn bình thường. Nhưng đột nhiên báo chí đăng tin ông tổng giám đốc của công ty X bị phát hiện có bồ nhí và một đứa con riêng. Chị A hoảng sợ quá liền rao bán cổ phiếu của mình với giá 11 ngàn. Nhưng chẳng ai thèm mua. Càng thêm hoảng sợ, chị xuống giá còn 10 ngàn, cũng chẳng ai mua. Tôi thì thừa thông minh để hiểu rằng tình hình kinh doanh của công ty X chẳng hề liên quan đến việc đứa con riêng đó có tồn tại hay không. Nhưng tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi, vì biết đâu báo chí sẽ phát hiện ra thêm một đứa con riêng của ông giám đốc đó nữa, khi đó chắc chắn những người như chị A sẽ càng hoảng mà xuống giá nữa! Nhưng đột nhiên tôi biết tin bạn nữ mà tôi hâm mộ đang ở nhà trọ một mình, vì hai người bạn còn lại đã về quê rồi. Đây là cơ hội ngàn năm có một, nên tôi đành cắn răng bán luôn cổ phiếu X với giá 9 ngàn đồng. Có người nào đó nhảy vào mua luôn. Tôi có được 9 ngàn đồng, tuy không đủ để ăn phở, nhưng cũng vừa vặn để mời bạn nữ đi ăn kem. Bây giờ thì cổ phiếu X có giá trên thị trường là 9 ngàn đồng.


      Hằng ngày đọc báo thấy cảnh tượng hàng trăm người chen lấn ở những sàn giao dịch chứng khoán, tôi biết ngay đó chính là thị trường thứ cấp. Cách mua VN-Index của tôi cũng diễn ra trên thị trường thứ cấp. Thị trường này giúp cho cổ phiếu có tính thanh khoản cao, có nghĩa là nếu ai cần bán cổ phiếu thì cũng sẽ có người tương ứng mua số cổ phiếu đó. Tiền và cổ phiếu sẽ trao tay nhau giữa những người giao dịch trên thị trường này.


      Trở lại với biểu đồ ở hình 2. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao giá cổ phiếu biến động mạnh qua từng ngày. Về ngắn hạn, giá cổ phiếu sẽ bị chi phối bởi quy luật cung cầu giữa những người tham gia thị trường thứ cấp. Nhưng về dài hạn, giá cổ phiếu sẽ bị chi phối bởi kết quả làm ăn của công ty phát hành cổ phiếu đó. Giả sử lúc phát hành thêm cổ phiếu, công ty X kiếm được 1 tỉ đồng lợi nhuận hằng năm. Trên thị trường (từ giờ trở đi, khi tôi nói thị trường có nghĩa là thị trường thứ cấp), quy luật cung cầu có thể khiến giá cổ phiếu X biến động trong khoảng 8-9 ngàn cho đến 11-12 ngàn (thậm chí có thể lên 15 ngàn nếu chị A quá ấn tượng với triển vọng của công ty X, hoặc có thể xuống đến 6 ngàn nếu tôi nghĩ rằng tương lai của công ty X sẽ rất đen tối mà tôi thì lại quá cần tiền để mời bạn nữ đi uống nước mía). Nhưng giả sử 10 năm sau, công ty X phát triển vượt bậc và lợi nhuận hằng năm đã là 20 tỉ đồng. Khi đó giá cổ phiếu X cũng vẫn biến động qua từng ngày, nhưng nó sẽ nằm trong khoảng 200-300 trăm ngàn đồng.


      Do đó, có hai cách kiếm tiền trên thị trường. Cách thứ nhất là ngắn hạn. Tôi sẽ tìm cách để mua lúc 6 ngàn và bán lúc 12 ngàn. Muốn làm được như vậy thì tôi phải đến sàn giao dịch và các lệnh mua bán hằng ngày (người ta gọi là “bám sàn”), đồng thời tôi phải có kỹ năng dự đoán sự biến động của giá cổ phiếu. Tôi phải đoán được chị A nghĩ gì về công ty X, nắm được thông tin về đứa con rơi của ông giám đốc trước khi mọi người biết tin, đoán xem có người nào đang cần bán tháo cổ phiếu để lấy tiền đi ăn phở với người đẹp,... Đây không phải là việc bất khả thi, nhưng nó quá phức tạp đối với tôi. Mà tôi thì không thích làm cái gì đó quá phức tạp.


      Hơn nữa cách chơi ngắn hạn khá nguy hiểm. Mỗi khi giá cổ phiểu biến động thì tiền sẽ đi từ túi của người này đến túi của người khác. Vậy đố bạn cuối cùng thì tổng số tiền của tất cả những người chơi ngắn hạn sẽ bằng bao nhiêu? Trả lời: bằng tổng số tiền ban đầu trừ đi chi phí giao dịch mà mọi người phải trả khi mua/bán trên thị trường. Nghĩa là tính trung bình thì những người chơi ngắn hạn sẽ mất đi một khoản tiền (phí giao dịch) vào các công ty chứng khoán. Đây là cuộc chơi mà phần lớn những người chơi sẽ là kẻ thua cuộc. Tôi không thích bỏ hết thời gian quý giá của mình vào nó để rồi tiền bạc của mình chảy vào trong túi của những công ty chứng khoán.

      Cách thứ hai là chơi dài hạn. Cách mua VN-Index mà tôi đã trình bày là một trong những cách chơi dài hạn. Khi chơi dài hạn, tôi trông đợi vào kết quả kinh doanh của công ty, và không cần quan tâm đến những biến động nhất thời của giá cổ phiếu trên thị trường. Trong hơn sáu năm qua, những người chơi dài hạn đã thắng lớn khi VN-Index tăng từ 100 điểm lên trên 900 điểm.


      Nhưng liệu kết quả như sáu năm qua có lặp lại lần nữa?


      Bây giờ tôi sẽ tập trung trả lời cho câu hỏi trên. Tôi đã hiểu rằng VN-Index tăng mạnh mẽ trong hơn sáu năm qua là nhờ tình hình kinh doanh của các công ty niêm yết phát triển tốt. Vậy nếu các công ty đó tiếp tục làm ăn tốt như thời gian qua, thì VN-Index sẽ lại tăng mạnh mẽ như vậy nữa (hoặc thậm chí tăng nhiều hơn nữa).


      Điều đó có đúng không? Nhiều người dự báo là kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong những năm sắp tới. Đây là một tín hiệu tốt cho khoản đầu tư của tôi. Nhưng tôi cũng rất cẩn trọng, vì những những người trong giới doanh nghiệp và kinh tế thường mắc một sai lầm chí tử mà những người làm phần mềm ít khi phạm phải: dự đoán là một việc cực kỳ khó khăn, nhất là dự đoán về tương lai (Niels Bohr). Chẳng ai có thể dự đoán chính xác nền kinh tế của một nước sẽ phát triển thế nào trong 1, 2 năm sắp tới cả. Điều đó cũng khó như dự đoán giá cổ phiếu tăng hay giảm trong 1, 2 ngày sắp tới. Đã có hàng ngàn nghiên cứu trên thế giới cho cả hai lĩnh vực trên, nhưng trong phạm vi hiểu biết của tôi, cho đến nay vẫn chưa có công trình nào đưa ra một kết quả có thể tin tưởng được.


      Nhưng có một điều tôi hoàn toàn tin tưởng: tôi tin vào khả năng của con người. Tôi tin rằng về lâu dài (20 năm hoặc dài hơn nữa), kinh tế nước ta sẽ đi lên. Niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta đã trải qua bao giai đoạn khó khăn trong lịch sử. Thời phong kiến, bị đô hộ, chống giặc Tàu, giặc Pháp, chống Mỹ, thời bao cấp,... Nếu chúng ta không xét đến từng thời điểm khó khăn cụ thể, mà nhìn vào cả một quá trình lâu dài, thì chúng ta luôn thấy một xu hướng đi lên của đời sống con người. Nhân loại sẽ luôn phát triển, vấn đề chỉ là thời gian. Việt Nam cũng vậy. Tôi đầu tư vào sự phát triển đó, dù chỉ với số tiền 1 triệu mỗi tháng.


      Dĩ nhiên cũng có thể niềm tin của tôi không trở thành sự thật, chẳng hạn nền kinh tế có thể đi xuống và cần hơn cả một đời người để nó đi lên. Vậy thì đã sao? Nếu nền kinh tế đi xuống thì mọi người sẽ có ít tiền đi, mọi người có ít tiền thì sẽ ít mua nhà nên giá nhà đất sẽ không lên cao, ít người có nhà cửa thì cũng ít người nghĩ đến chuyện đám cưới, ít có đám cưới thì mở nhà hàng đám cưới sẽ không có lợi nhuận cao và giá vàng (trang sức) cũng không thể cao (sức cầu giảm thì giá sẽ giảm). Thời buổi kinh tế xuống dốc thì làm cái gì cũng sẽ khó khăn. Như vậy tôi đầu tư vào các công ty ưu tú vẫn tốt hơn, vì những người tài giỏi ở đó sẽ biết chống chọi tốt hơn người bình thường trong hoàn cảnh khó khăn.


      Liệu kết quả như sáu năm vừa qua có lập lại không? Câu trả lời của tôi là: tôi không biết! Nhưng tôi có niềm tin và niềm tin đó giúp tôi mua và nắm giữ cổ phiếu.


      Tại sao mọi người không thực hiện cách mua VN-Index này?


      Tôi bắt đầu cảm thấy tự tin hơn về tính khả thi của phương pháp mua VN-Index này. Nhưng tôi tự hỏi: không biết có ai đó đã nghĩ đến nó trước tôi chưa? Và thế là tôi tiếp tục hành trình tìm kiếm của mình.


      Một chút thất vọng: khái niệm về cách đầu tư này đã có ở nước ngoài, cụ thể là Mỹ, từ hơn 30 năm nay rồi. Ở Mỹ người ta có những quỹ đầu tư chuyên thực hiện theo cách đó, người ta gọi đó là Index Fund (IF). Ví dụ như quỹ Vanguard 500 Index (một trong những quỹ lớn nhất ở Mỹ - có lẽ cũng là lớn nhất thế giới). Những người quản lý quỹ này chỉ làm một việc rất đơn giản: dùng tiền của nhà đầu tư để mua/bán cổ phiếu sao cho danh mục đầu tư của quỹ hoàn toàn giống như chỉ số S&P 500. Chỉ số S&P 500 cũng giống như chỉ số VN-Index vậy, chỉ có điều nó chọn ra 500 công ty lớn nhất đang niêm yết trên thị trường Mỹ (ở Mỹ có hàng ngàn công ty niêm yết), trong khi VN-Index bao gồm tất cả các công ty niêm yết trên thị trường TPHCM (khoảng trên 100 công ty).


      Như bao nhiêu quỹ đầu tư khác, các IF cũng thu phí từ nhà đầu tư. Nhưng bởi vì công việc của họ rất đơn giản (có lẽ bà nội trợ cũng biết làm), cho nên phí của họ chỉ bằng 1/20 (hoặc ít hơn) phí của những quỹ đầu tư khác. Người ta còn gọi các IF là các quỹ bị động (passive), bởi vì công việc quản lý quỹ của họ là theo dõi chỉ số S&P 500 và bảo đảm các công ty mà quỹ nắm giữ cổ phiếu cũng giống như y hệt như danh sách các công ty trong S&P 500.


      Trong suốt hàng chục năm qua, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 11%/năm, nên người ta thường hay nói thị trường chứng khoán Mỹ tăng trung bình 11%/năm. Các IF cũng đều có mức lợi nhuận như vậy, mặc dù hơi thấp hơn 11% một chút do phải trừ đi phí (phí giao dịch, phí quản lý, tổng cộng khoảng 0.2%/năm).


      Vậy ngoài các quỹ bị động ra thì các quỹ còn lại được gọi là gì? Dĩ nhiên người ta gọi đó là những quỹ chủ động. Đó là những quỹ:

      - Chơi ngắn hạn (mặc dù thực tế số lượng rất ít).

      - Chơi dài hạn như IF, nhưng khác IF ở chỗ thay vì nắm giữ hết các cổ phiếu trên thị trường, những quỹ này sẽ cố gắng chọn ra những cổ phiếu “tốt” nhất và loại bỏ những cổ phiếu “kém” ra khỏi danh mục của mình. Ví dụ: nên mua nhiều Google (đang phát triển vũ bão) và không nên mua Ford, GM (càng ngày càng thua kém so với Toyota). Ngoài ra, những quỹ này cũng cần lựa chọn thời điểm mua và bán cho được giá (gọi là market timing), trong khi các IF luôn dùng hết tiền của nhà đầu tư để mua và nắm giữ hết các cổ phiếu.


      Lúc đầu tôi nghĩ vậy chắc những quỹ chơi dài hạn và chủ động sẽ kiếm lời nhiều hơn so với các IF, vì trông chúng có vẻ “khôn” hơn, trong khi IF nhìn có vẻ “đần đần” làm sao đó. Và đây là kết quả thực tế: trên 85% quỹ ở Mỹ có mức lợi nhuận kém hơn 11%/năm (người ta gọi là không thể đánh bại thị trường – failed to beat the market). Nghĩa là hầu hết các quỹ chủ động đều kém hơn các IF. Vì sao vậy? Có thể lý giải như sau:


      - Xét trong một khoảng thời gian bất kỳ, bình quân lợi nhuận của tất cả các quỹ (quỹ chủ động và quỹ bị động) sẽ chính là lợi nhuận của thị trường (11%/năm). Đây là lợi nhuận gộp, chưa trừ đi chi phí (vd: phí giao dịch mà mỗi quỹ phải chịu khi mua/bán cổ phiếu).


      - Bởi vì lợi nhuận gộp của các quỹ bị động sẽ bằng với thị trường (vì bắt trước theo chỉ số của thị trường), nên suy ra lợi nhuận gộp của các quỹ chủ động cũng bằng với thị trường.


      - Lợi nhuận thực tế (lợi nhuận ròng) của mỗi quỹ sẽ bằng lợi nhuận gộp trừ đi các chi phí, mà chi phí của các quỹ bị động thấp hơn chi phí của các quỹ chủ động, cho nên suy ra lợi nhuận thực tế của các quỹ bị động sẽ luôn cao hơn các quỹ chủ động.


      Đơn giản quá phải không? Dĩ nhiên có một số người sẽ lập luận: quỹ bị động (IF) chỉ phù hợp với người thích ăn chắc mặc bền, vì lúc nào nó cũng đem lại lợi nhuận trung bình của thị trường. Đừng trung bình, hãy luôn là người đứng đầu. Họ nghĩ vậy.


      Tất cả các quỹ bị động đều có lợi nhuận gộp như nhau, đó chính là lợi nhuận của thị trường. Còn trong nhóm chủ động, một số quỹ gộp sẽ có mức lợi nhuận cao hơn thị trường, các quỹ còn lại sẽ bằng hoặc kém hơn thị trường.


      Trước tiên hãy nói về những quỹ chủ động mà có lợi nhuận gộp bằng hoặc kém hơn thị trường. Sau khi trừ đi chi phí thì lợi nhuận thực tế của những quỹ này sẽ kém hơn hẳn thị trường. Chẳng có lý do gì mà ta phải bỏ tiền vào những quỹ này.


      Còn những quỹ chủ động mà có lợi nhuận gộp cao hơn thị trường thì sao? Số lượng các quỹ này rất ít. Mà nhiều hơn thị trường là nhiều hơn bao nhiêu? Thị trường là 11%/năm, trên thực tế thì số lượng các quỹ có lợi nhuận về lâu dài trên 20%/năm chỉ có thể đếm bằng đầu ngón tay của một bàn tay (Warren Buffett và Peter Lynch, hai trong số những nhà đầu tư vĩ đại nhất cũng chỉ ở khoảng đó). Phần lớn lợi nhuận gộp của các quỹ trong nhóm “ưu tú” này chỉ có lợi nhuận gộp khoảng 15-16%, nghĩa là chênh lệch với thị trường một khoản không đáng kể. Nhưng đó là lợi nhuận gộp! Chi phí của các quỹ chủ động không hề rẻ. Trước tiên là phí quản lý (khoảng 1-2%/năm), sau đó là phí giao dịch,... Sau khi trừ đi các khoản chi phí thì khoản chệnh lệch nhỏ nhoi này chẳng còn lại bao nhiêu. Chưa hết, trong điều lệ của quỹ còn quy định nếu quỹ đem lại lợi nhuận cao hơn thị trường thì những người quản lý quỹ sẽ được tiền thưởng, trích từ khoản chênh lệch cực kỳ nhỏ nhoi còn lại trên. Tiền thưởng đó không hề nhỏ tí nào. Rõ ràng phần lợi thực sự cuối cùng cho nhà đầu tư chẳng còn là bao.


      (Nói rõ thêm một chút: người quản lý quỹ sẽ có tiền thưởng nếu lợi nhuận cao hơn thị trường, nhưng nếu lợi nhuận kém hơn thị trường thì có bị phạt không? Câu trả lời thường là không! Quan hệ giữ nhà đầu tư và công ty quản lý quỹ thường không công bằng như vậy: lời thì chia, còn lỗ thì nhà đầu tư chịu. Trước đó thì công ty quản lý quỹ đã nhận được phần “cứng” là phí quản lý quỹ rồi. “Lỗ” ở đây được hiểu là lợi nhuận kém hơn mức của thị trường. )


      Ngoài các quỹ ra thì còn nhiều đối tượng khác tham gia trên thị trường: nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức tài chính,... Với mỗi đối tượng trên ta cũng có thể phân ra thành hai nhóm như trên: bị động và chủ động. Cũng áp dụng cách suy luận như trên, ta thấy rằng nhóm bị động bao giờ cũng có lợi nhuận cao hơn nhóm chủ động.


      Vậy các quỹ đầu tư ở Việt Nam thuộc nhóm nào? Cho đến thời điểm này, tất cả các quỹ chính thức ở Việt Nam đều là quỹ chủ động. Vậy ai thuộc nhóm bị động? Trả lời: chính là tôi. Về lâu dài thì lợi nhuận thực của tôi chắc chắn cao hơn lợi nhuận thực trung bình của tất cả các quỹ chuyên nghiệp ở Việt Nam. Thật sung sướng với cảm giác chỉ ngồi ăn phở với bạn nữ xinh đẹp mà cũng có thể đánh bại hầu hết các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm!


      Vậy thì tại sao không có ai làm như IF?


      Đến bây giờ tôi cũng vẫn không hiểu chẳng ai thèm quan tâm đến cách đầu tư này. Tôi phỏng đoán có 3 nguyên nhân (ấy chết, tôi có thể mắc phải sai lầm khủng khiếp khi đưa ra phỏng đoán):


      1. Hầu hết mọi người ở Việt Nam chưa nghĩ đến nó. Tôi đã thử nói chuyện với rất nhiều đối tượng: những người mới chập chững chơi cổ phiếu, những người đã nhiều năm kinh nghiệm, nhân viên môi giới chứng khoán, thông tin trên các diễn đàn chứng khoán, thậm chí nhân viên hay trưởng phòng ở các công ty chứng khoán. Tất cả mọi người hoặc không biết IF là gì, hoặc cho rằng IF có nghĩa là các quỹ nắm giữ những cổ phiếu blue-chip (những cổ phiếu được mọi người kỳ vọng cao – hoàn tại sai, đó là những quỹ chủ động chứ không phải IF). Thật kỳ lạ, tôi chẳng hiểu họ học cái gì trong chuyên ngành của họ nữa!

      2. Phương pháp dạy chơi chứng khoán không phù hợp. Bây giờ phong trào đi học chơi chứng khoán đang nở rộ. Các bài báo viết về chứng khoán cũng đua nhau ra đời. Nhưng tôi nghĩ cách dạy về đầu tư chứng khoán (tôi nhấn mạnh là dạy đầu tư chứng khoán, chứ không phải dạy làm nhân viên môi giới, dạy để làm cán bộ quản lý thị trường,...) có điểm sai lầm. Tôi nghe người ta nói phải biết về P/E, EPS, beta, technical analysis, cash flow, chart,... thì mới có thể chơi chứng khoán có lời. Đây là một giả định hoàn toàn sai lầm. Không phải ai cũng có thể học được những thứ đó (hãy nghĩ đến bà bán hàng nước đầu hẻm). Cổ phiếu không phải chỉ đành cho một nhóm người nào đó; cổ phiếu là công cụ đầu tư phù hợp với tất cả mọi người. Nhiều người hiện nay đang phí tiền và phí thời gian để đi học những cái mà họ nghĩ cần phải có để có thể chơi chứng khoán. Tôi có một lời khuyên: nếu KHÔNG học những thứ đó thì có thể kiếm tiền nhờ chơi chứng khoán được hay không? Phần trên của bài viết có thể giúp trả lời câu hỏi đó. Trước khi học cái gì, mọi người nên đặt câu hỏi: tại sao cần phải học nó?

      3. Một số người biết về IF nhưng im lặng! Đó là ai? Tôi nghĩ có thể là các công ty chứng khoán và các công ty quản lý quỹ đầu tư chủ động. Nếu mọi người đều mua và nắm giữ VN-Index thì lợi nhuận của các công ty chứng khoán sẽ sụt giảm mạnh, vì họ chẳng thu được bao nhiêu phí giao dịch. Còn nếu mọi người đều hiểu ra bản chất của các quỹ đầu tư chủ động (phần lớn các quỹ này đều có lợi nhuận thực tế kém hơn thị trường), thì có lẽ các quỹ đầu tư ở Việt Nam sẽ hết đường làm ăn.


      Và tôi đã gặp được cao thủ chơi cổ phiếu


      Đến lúc này thì tôi đăm chiêu: liệu tôi có nên truyền đạt lại những gì mình vừa tìm hiểu cho những người khác biết không? Tâm trang đang rối bời thì tôi quyết định: thư giãn bằng cách đi ăn phở!


      Và tại quán phở tôi đã gặp một cao nhân làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Người đó chính là bà Năm – bà chủ tiệm phở. Đang ngồi ăn thì tình cờ tôi biết được bà Năm cũng là dân chơi cổ phiếu và kiếm được rất nhiều tiền từ đó, mặc dù tôi biết ngày nào bà cũng đứng bán phở (trong khi nhiều người khác đang đi học chứng khoán và bám sàn). Trình độ của bà Năm chỉ là lớp 8 phổ thông thôi.


      Nói chuyện một hồi thì tôi hiểu ra bà Năm cũng dùng phương pháp mua VN-Index như tôi. Quá phấn khích, tôi ăn vội tô phở và bắt đầu trò chuyện với bà. Tôi đặt cho bà hàng loạt câu hỏi thông thường nhất khi người ta hỏi một chuyên gia về việc chơi cổ phiếu.


      Tôi:Hiện giờ giá cổ phiếu đang tăng nóng, có ông lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nói rằng mọi người cần tỉnh táo, phải tìm hiểu kỹ từng công ty mà mình mua cổ phiếu, phải đọc hiểu bản cáo bạch, phân tích kỹ tình hình tài chính... Bà Năm sẽ làm gì?

      Bà Năm: Bà sẽ bán phở, còn ngoài ra không làm gì hết! Bà mua cả thị trường chứ có phải mua từng công ty đâu mà phải tìm hiểu từng công ty một. Mà cái thằng cha Ủy ban gì đó nói hay quá nhỉ! Ông có biết đặt mình vào địa vị của người khác không? Như bà đây mà ổng kêu phải đọc hiểu bản cáo bạch, phân tích tài chính cái nỗi gì. Chừng nào ổng biết đứng bán phở thì đến ngày đó bà sẽ biết phân tích tài chính.


      Tôi: Vừa rồi ngôi sao Britney Spear có đến thăm thị trường chứng khoán Việt Nam và có buổi đàm thoại với lãnh đạo của 6 doanh nghiệp hàng đầu. Dự đoán cuộc gặp gỡ này sẽ mở đầu cho làn sóng đầu tư từ Hollywood vào Việt Nam. Có thể cổ phiếu sẽ tăng lên đó. Bà Năm sẽ làm gì?

      Bà Năm: Bà sẽ vẫn đứng bán phở. Cái cô Bờ Rít Ni gì gì đó có thể làm cho cổ phiếu tăng vài chục điểm chứ làm sao có thể tự nhiên khiến cho các doanh nghiệp làm tốt lên được. Còn làn sóng đầu tư thì tốt thôi. Các công ty làm ăn tốt thì bà sẽ có thêm nhiều tiền.


      Tôi: Dịch lở mồm long móng ở *** đang lan rộng, có thể mấy công ty sẽ làm ăn khó khăn đó. Bà sẽ làm gì?

      Bà Năm: Bà cũng sẽ vẫn bán phở. Mấy công ty bán thịt *** có thể thua lỗ, nhưng mấy công ty bán thịt gà và thịt bò sẽ lời. Còn lở mồm long móng thì liên quan gì đến kinh doanh địa ốc. Cháu thấy không, mấy cái sạp bán thịt *** bên kia đường điêu đứng rồi, nhưng mấy người bán thịt gà thì phất to. Nhiều người bán gà sẽ nhảy vào chiếm chỗ mấy cái sạp bán thịt ***. Cuối cùng thì ông chủ cho thuê mặt bằng làm sạp vẫn giàu có.


      Tôi: Nhưng mà bà Năm ơi, nhiều tổ chức nước ngoài nói rằng Việt Nam mình tham nhũng và lạm phát cao quá, tình hình năm sau sẽ đi xuống nhiều lắm đó. Bà sẽ làm gì vậy?

      Bà Năm: À, lần này thì khác à. Bà sẽ không chỉ bán phở, mà phải bán thật nhiều phở. Thị trường đi xuống thì bà làm được gì chứ. Mà thị trường đi xuống thì nhiều người sẽ không còn nhiều tiền. Không có nhiều tiền thì sẽ không còn đi ăn mấy chỗ sang trọng nữa. Họ sẽ chuyển sang ăn phở của bà để bù đắp. Bà sẽ có nhiều tiền để mua cổ phiếu giá rẻ. Mấy cái ông phái trên là lo chuyện vĩ mô, còn bà thì lo chuyện vi mô bán phở, rồi cũng có ngày kinh tế đi lên thôi. Lúc đó thì bà giàu lại càng giàu hơn.


      Tôi: Trước mắt thì cổ phiếu đang tăng giá chóng mặt kìa. Mấy người hàng xóm đang đổ xô đi mua cổ phiếu vì giá cổ phiếu tăng kìa. Bà Năm làm gì bây giờ?

      Bà Năm: Dĩ nhiên là bà sẽ vẫn bán phở. Mấy người đó đi mua khi cổ phiếu tăng, vậy chắc sẽ bán lúc cổ phiếu giảm hả? Vậy họ kiếm tiền bằng cách nào vậy? Mà bà có thời gian đâu để lo chuyện căn lúc nào mua, lúc nào bán đó.


      Vâng, bí quyết làm giàu của bà Năm rất đơn giản: hãy bán phở. Bán phở sẽ có tiền để mua cổ phiếu bằng phương pháp mua VN-Index. Dĩ nhiên bà Năm hiểu đứng bán phở thì không làm cổ phiếu tăng giá. Cũng như bà hiểu rằng đứng chen chúc nhìn bảng giá điện tử cũng không làm cổ phiếu tăng giá được đấy thôi.


      Trước lúc chia tay thì bà Năm nói với tôi rằng như bà đây còn kiếm tiền nhờ chơi cổ phiếu được, nên bà muốn tôi hãy truyền đạt lại kinh nghiệm của bà cho những người khác, nhất là những người kiếm được tiền nhưng chưa biết sử dụng đồng tiền của mình một cách khôn ngoan.


      Kiếm 100 triệu đồng/giờ nhờ cổ phiếu




      [h4]ÔI TIỀN TÀI NHƯ LÁ RỤNG CUỐI THU-CUỐN TRÔI THEO CƠN ĐIỀU CHỈNH THỊ TRƯỜNG [/h4]






    2. Có 3 thành viên đã cám ơn lao-gia-thich-chung-khoan :
      gianglanlinh90 (27-04-2017), toilaga2000 (16-07-2016), wayalfa (04-04-2012)

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Similar Threads

    1. Trả lời: 16
      Bài viết cuối: 01-12-2017, 10:34 PM
    2. Kiến thức chứng khoán !
      By minhpg in forum Kiến thức Chứng khoán
      Trả lời: 14
      Bài viết cuối: 11-07-2009, 05:20 AM
    3. Kiến thức chung
      By lampard in forum Kiến thức về Phân tích kỹ thuật
      Trả lời: 5
      Bài viết cuối: 23-06-2009, 01:49 PM
    4. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 08-03-2006, 01:43 AM
    5. Kiến thức cơ bản về chứng khoán
      By in forum Kiến thức Chứng khoán
      Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 01-01-1970, 07:00 AM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình