Nếu Donald Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, những lo ngại về kinh tế của các nhà hoạch định chính sách Châu Âu sẽ gia tăng đáng kể. Các ngân hàng trung ương đang lo sợ rằng chính quyền mới của ông có thể khơi mào lại các cuộc chiến thương mại, đặc biệt khi Trump từng đưa ra kế hoạch áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác. Nếu thành hiện thực, đây có thể trở thành cú sốc thương mại lớn nhất kể từ Đạo luật Smoot-Hawley, vốn đã gây trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái những năm 1930.

Trong bối cảnh kinh tế Châu Âu đang yếu đi, mối đe dọa này càng đáng lo ngại hơn so với lần đầu Trump lên nắm quyền vào năm 2017. Lúc đó, khu vực đồng euro đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong một thập kỷ, và Anh cũng có một năm phát triển tốt. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác xa, khi Đức đang đối mặt với suy thoái kinh tế liên tiếp, còn Anh cũng đang chững lại sau nửa đầu năm khởi sắc. Một cuộc chiến thương mại mới không chỉ làm gia tăng áp lực lạm phát mà còn khiến tăng trưởng kinh tế Châu Âu chậm lại.



Bên cạnh đó, các biện pháp thuế quan mạnh tay của Trump sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh của Châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực có mức độ phụ thuộc cao vào thương mại quốc tế. Theo các chuyên gia kinh tế, một mức thuế phổ quát 10% có thể làm giảm sản lượng xuất khẩu của khu vực đồng euro sang Mỹ tới gần một phần ba trong vòng ba năm, tương đương với mức thiệt hại do cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây gây ra.

Với thị trường hàng hóa, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và các rào cản thương mại có thể làm giá cả biến động mạnh hơn, đặc biệt là đối với các sản phẩm có chuỗi cung ứng quốc tế phức tạp như nông sản, năng lượng và kim loại. Việc Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu cao có thể dẫn đến sự giảm cầu hàng hóa từ Châu Âu, gây sức ép giảm giá lên các thị trường này, đồng thời làm tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Châu Âu có thể đối mặt với sự suy giảm đầu tư trong sản xuất hàng hóa, khiến tăng trưởng khó phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chao đảo.