Nghiệp vụ phát hành tín phiếu ngay sau đó thường thấy sự điều chỉnh trên thị trường chứng khoán do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Đơn cử như những tháng đầu năm, VN-Index liên tiếp gặp áp lực bán ra chốt lời khi Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu với khối lượng lớn.

Nhận định về thị trường trong nhịp này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng nếu như ở giai đoạn đầu năm, nhà đầu tư bị bất ngờ vì đây là công cụ lâu lắm mới thấy Ngân hàng Nhà nước dùng đến, giai đoạn đó tỷ giá cũng tăng cao nên thị trường thận trọng và dè chừng, thì bây giờ không còn gây áp lực nữa bởi nhà đầu tư đã quen, ai cũng thấy đây là nghiệp vụ bắt buộc để hạ tỷ giá chứ không phải do hệ thống dư thừa quá nhiều, tăng trưởng tín dụng 9 tháng cao, sản xuất cũng đã hồi phục. Mặc dù vậy, để kéo tăng trưởng tín dụng lên 14% thì nhóm bất động sản phải thực sự "sống dậy".

Trong khi đó, theo ông Minh, bản chất thị trường không thể bứt phá được 1.300 là do dòng tiền quá yếu, trú ẩn vào kênh tiết kiệm, trong khi nhóm bất động sản chưa được giải quyết rõ ràng nên tâm lý dè dặt. Thị trường chủ yếu được kéo bởi nhóm ngân hàng, chỉ khi có sóng bất động sản thì mới có hiện tượng fomo đổ vào thị trường.

"Tâm lý chung của thị trường hiện tại là chờ chỉnh để mua bank nhưng bank cứ kéo đỉnh này sang đỉnh khác. Tiền chỉ quay vào thị trường khi xảy ra hai yếu tố: một là VN-Index vượt qua 1.300; hai là cơn sóng midcap quay lại, nhóm vốn hóa lớn có nhược điểm là chuyên đánh ngắn hạn, giúp chỉ số tăng nhưng không kéo được tiền", ông Minh nhấn mạnh.