Các hãng tàu lớn thế giới ồ ạt vào Việt Nam, cơ hội cho cổ phiếu cảng biển?

Trong hoạt động vận tải container toàn cầu, đặc biệt là trung chuyển container, các hãng tàu đóng vai trò quan trọng, tác động lớn đến khả năng hình thành và hoạt động của một cảng trung chuyển quốc tế. Câu chuyện thành công của Tanjung Pelepas là một ví dụ điển hình. Cảng Tanjung Pelepas (PTP), Malaysia có một lịch sử rất độc đáo, trong vòng chưa đầy một thập kỷ, từ một đầm lầy rừng ngập mặn đã trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa đẳng cấp thế giới.


Tình hình các cảng trong nước ở thời điểm hiện tại, cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ có vốn đầu tư vào khoảng 5,5 tỷ USD, được chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có vốn đầu tư vào khoảng 780 triệu USD. Tổng công suất của cảng sau khi hoàn thành các giai đoạn đầu tư là 16,9 triệu TEUs. Phần hạ tầng kết nối phía sau cảng có vốn đầu tư dự kiến khoảng hơn 500 triệu USD.

Dự kiến dự án sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2024, tiến hành lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2025 và triển khai xây dựng vào năm 2026. VIMC/SGP cùng với MSC/TiL sẽ tham gia vào liên doanh phát triển cảng Cần Giờ với tỷ lệ góp vốn dự kiến là 51%/49%. Theo Mirae Asset, câu chuyện thành công của cảng trung chuyển quốc tế Tanjung Pelepas – Malaysia (PTP) có thể lặp lại với cảng Cần Giờ.

Gần như ngay từ khi đi vào hoạt động vào năm 1999, Cảng PTP đã lập kỷ lục thế giới về tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ sớm hợp tác với Maersk với tư cách là đối tác nắm giữ 30%. Maersk đã chuyển các hoạt động trung chuyển chính của mình từ Cảng Singapore sang PTP. Nhờ vậy, sản lượng container của PTP đã tăng gần 5 lần, từ 0.42 triệu lên 2.05 triệu TEU trong năm 2021.