Tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện bổ sung dự trữ ngoại hối

Áp lực tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, theo đó nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay.

Chỉ số DXY chứng kiến đà giảm mạnh trong tháng 7 và đầu tháng 8 nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến, trong đó CPI nhích tăng 0,2% trong tháng 7/2024 so với giảm 0,1% trong tháng 6/2024, phù hợp với dự báo, và tăng 2,9% so với cùng kỳ.

PCE lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tăng trưởng việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ giảm xuống chỉ còn 114.000 trong tháng 7/2024 so với mức điều chỉnh của tháng 6/2024 là 179.000 và dự báo là 185.000, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, đạt mức cao nhất kể từ T10/21.

Sau khi công bố số liệu việc làm ảm đạm, chỉ số DXY đã giảm xuống dưới mốc 103 trước khi phục hồi nhẹ, trong khi kỳ vọng của thị trường vào việc Fed hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào T9/24 đã giảm xuống 26,5% từ mức hơn 90% trước đó khi kỳ vọng về mức cắt giảm cao hơn ở 50 điểm cơ bản tăng vọt lên 73,5% vào ngày 05/08.

Việc chỉ số DXY giảm mạnh thời gian gần đây không chỉ giúp hạ nhiệt tỷ giá USD/VNĐ mà còn hỗ trợ tỷ giá các đồng tiền khác trong khu vực. Kể từ đầu năm, trong khi VNĐ mất giá 3,4% so với USD thì Nhân dân tệ Trung Quốc (-0,7% tính từ đầu năm), Rupiah Indonesia (-3,5% tính từ đầu năm), Ringgit Malaysia (+3,9% tính từ đầu năm) và Baht Thái ( -2,9% tính từ đầu năm).

Nếu như Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra khoảng 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối để kiềm chế đà tăng tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2024, áp lực từ thị trường ngoại hối đã giảm đáng kể kể từ đó, chủ yếu đến từ việc chỉ số DXY suy yếu và chênh lệch giá vàng dần được thu hẹp sau những biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.

Bởi vậy, vào đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu. Nhìn chung, dự báo tỷ giá duy trì xu hướng hạ nhiệt về cuối năm với kỳ vọng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9 tới, qua đó khiến đồng USD tiếp tục suy yếu, Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại cao 14,5 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024, vốn FDI thực hiện dồi dào tăng 8,4% so với cùng kỳ và kỳ vọng vào dòng kiều hối mạnh mẽ trong Quý 4.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, theo đó nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu bơm ròng 13,1 nghìn tỷ đồng 524 triệu USD qua kênh OMO trong tuần thứ hai của T8/24 sau khi hút ròng 45,7 nghìn tỷ đồng (1,8 tỷ USD) trong tuần trước đó. Tính đến ngày 09/08, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng lũy kế 37,9 nghìn tỷ đồng (1,5 tỷ USD).