Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa trong nửa đầu năm
Theo dữ liệu từ MXV, kết thúc ngày giao dịch 23/7, chỉ số MXV-Index đóng cửa tại mức 2.160 điểm - tăng 2,3% so với đầu năm, phản ánh xu hướng tăng giá chung trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Trong đó, nguyên liệu công nghiệp và kim loại là hai nhóm dẫn dắt xu hướng.
Giá hàng hóa có xu hướng biến động mạnh trong quý III
Giai đoạn tới, thị trường nhiều khả năng vẫn tiếp tục biến động mạnh trước các biến số khó lường.
- Đối với nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp, thời tiết vẫn là một trong những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới diễn biến lên giá trong quý III năm nay.
- Riêng với cà phê, thị trường hướng sự chú ý đến lo ngại La Nina thay thế El Nino vào cuối năm nay, điều này có thể khiến mưa bão và lũ lụt xuất hiện thường xuyên tại khu vực Tây Nguyên. Giá cà phê vì thế cũng có nhiều tiềm năng neo ở mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước, do nguồn cung nhìn chung vẫn eo hẹp.
Trong khi đó, đối với nhóm kim loại, diễn biến giá dự kiến sẽ có sự phân hóa giữa nhóm kim loại cơ bản và kim loại quý.
- Nhu cầu tiêu thụ hạn chế có thể gây áp lực lên các mặt hàng thuộc nhóm kim loại cơ bản: đồng và quặng sắt. Hiện mức tồn kho hai kim loại này tại Trung Quốc vẫn đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Hơn nữa, quý III thường là mùa tiêu thụ quặng sắt thấp điểm tại nước này.
- Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhóm kim loại quý có triển vọng tăng giá sáng cửa hơn, khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ tháng 9 tới.
Nếu Fed hạ lãi suất như dự kiến, điều này sẽ tạo cơ hội tăng giá tốt cho nhóm kim loại quý. Giá bạc hay giá bạch kim có thể dần lấy lại đà tăng từ giữa quý III và sớm chinh phục lại mức đỉnh thiết lập vào cuối tháng 5. Ngoài ra, đây vốn được coi là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, nên bất cứ khi nào xung đột địa chính trị có dấu hiệu leo thang, giá kim loại quý sẽ vẫn được hưởng lợi.