Vào đầu tháng 6, giá cao su thế giới đã vượt mức cao nhất 3 năm trở lại, đạt 183 US cents/kg. Mặc dù thị trường đã điều chỉnh nhẹ, nhưng so với hồi đầu năm nay, giá cao su thế giới vẫn đã tăng 10,4%, đạt 172 US cents/kg.


Động lực tăng giá cao su tự nhiên hiện nay chủ yếu đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ Thái Lan và Indonesia. Sản lượng mủ cao su của hai nước này vốn chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc đang hồi phục mạnh trở lại khi nước này đẩy mạnh hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp ô tô. Đồng thời, việc giá dầu thô neo cao cũng hỗ trợ giá cao su tự nhiên tăng lên.
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), thị trường cao su tự nhiên toàn cầu sẽ thiếu 1,3 triệu tấn vào năm 2024, và tình trạng thâm hụt nguồn cung có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt có thể khoảng 600 - 800 nghìn tấn/năm.
Điều này khiến giá cao su tự nhiên trên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục neo ở mức cao, có thể cán mốc 190 US cents/kg (tương đương tăng thêm 10%) trong vòng 12 tháng tới.
Tại Việt Nam, giá cao su xuất khẩu tính đến tháng 5/2024 đã xác lập mạch tăng giá kéo dài 8 tháng liên tiếp với mức tăng từ 2 - 4%/tháng.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) cho biết, giá cao su trung bình trong tháng 6/2024 của tập đoàn ước đạt 38,4 triệu đồng/tấn, tăng 6 triệu đồng/tấn tương ứng tăng gần 17% so với mức trung bình cả năm 2023.
Với các diễn biến hiện tại, hãng Chứng khoán KB Securities Vietnam (KBSV) nhận định giá bán cao su của Cao su Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng, neo cao trong nửa cuối năm nay. Do đặc tính cây trồng nên việc khai thác cao su diễn ra mạnh mẽ từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm, do đó quý 2 trở đi mới là thời điểm sản lượng của Cao su Việt Nam đạt đỉnh.
Cao su Việt Nam hiện là doanh nghiệp cao su lớn nhất cả nước với tổng diện tích trồng 370.000 ha. Trong đó, mảng cao su đóng góp khoảng 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn này trong năm ngoái.