GDP

Theo ước tính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và Trung Quốc đạt tổng cộng 62,22 nghìn tỷ USD, chiếm 43,2% tổng GDP toàn cầu.

Trong đó, GDP của Mỹ đạt 28,78 nghìn tỷ USD, chiếm 26,3% GDP toàn cầu. Còn GDP Trung Quốc là 18,53 nghìn tỷ USD, chiếm 16,9%.

Đáng chú ý, tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu đã tăng lên trong những năm gần đây, từ mức thấp 21,1% vào năm 2011. Điều này một phần được thúc đẩy bởi sự phục hồi tương đối mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong và những thách thức bủa vây kinh tế Trung Quốc, khả năng GDP Trung Quốc vượt Mỹ là gần như không thể xảy ra trong năm nay. GDP danh nghĩa của Mỹ tăng 6,3% năm 2023, so với mức tăng 4,6% của Trung Quốc.

Vào đầu năm 2023, Mỹ được cho là sẽ rơi vào suy thoái khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát. Mặt khác, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi mở cửa hoàn toàn sau đại dịch.

Theo đó, GDP của Mỹ đã tăng độ 3,3% trong quý 4/2023, đưa tăng trưởng cả năm lên 3,1% và kết thúc một năm với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, lạm phát hạ nhiệt và một nền kinh tế mạnh mẽ, bất chấp nỗi lo suy thoái kinh tế.

Trái lại, GDP Trung Quốc tăng 5,2% trong năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 5,5% do nước này đang phải vật lộn cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo dài nhiều năm và chuỗi giảm phát tồi tệ nhất trong khoảng 25 năm. Ngoài ra, xuất khẩu giảm vào năm 2023 và tỷ lệ người trẻ thất nghiệp tăng vọt. Chính quyền địa phương cũng đang gánh nhiều nợ. Năm 2024, Trung Quốc đặt mục tiêu GDP tăng 5%.



Định giá thị trường chứng khoán

Khi nhắc đến định giá thị trường chứng khoán, Mỹ luôn đứng vị trí số 1 khi chiếm 61% tổng vốn hóa toàn cầu tính đến ngày 29/2/2024, theo chỉ số S&P Global BMI.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ chiếm 2,8%. Sự chênh lệch lớn này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm mức độ phát triển của thị trường, công tác quản trị doanh nghiệp và sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế. Trong S&P Global BMI, Trung Quốc xếp thứ 4, sau Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

FDI là vốn đầu tư do một doanh nghiệp hoặc cá nhân tại một quốc gia vào doanh nghiệp đặt tại một quốc gia khác. Loại vốn đầu tư này có thể mang lại nhiều việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo số liệu từ fDI Intelligence, Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia có tổng FDI từ năm 1990-2022 lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai quốc gia tương đối xa Vốn FDI vào Mỹ đến nay đạt 10,5 nghìn tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,7% toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ chiếm 8,6% với 3,8 nghìn tỷ USD.

Năm 2023, vốn FDI vào Trung Quốc rớt xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, đạt 33 tỷ USD, giảm khoảng 80% so với năm 2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp FDI vào nước này giảm và chưa bằng 1/10 so với mức đỉnh 344 tỷ USD vào năm 2021.

Trong khi đó, Mỹ thu hút hơn 133 tỷ USD trong năm ngoái, giảm 22% so với năm 2022 do lạm phát và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Theo thước đo GDP, định giá thị trường chứng khoán và vốn FDI, Trung Quốc có thể phải mất thêm nhiều thời gian nữa mới có thể vượt mặt Mỹ.