Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 12/12, sắc đỏ gần như bao phủ toàn bộ các mặt hàng trong nhóm kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá vàng giảm 0.84% xuống còn 1781.15 USD/ounce. Bạc cắt đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, giảm 1.32% xuống 23.4 USD/ounce. Giá bạch kim chốt phiên tại mức 1008 USD/ounce sau khi giảm 2.72%.

Các nhà đầu tư đều đang cho thấy tâm lý thận trọng trước thềm công bố dữ liệu lạm phát thông qua chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 11, và tâm điểm là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau đó. Bên cạnh Fed, trong tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, mức tăng chậm lại so với 75 điểm cơ bản thường được thấy trong các cuộc họp gần đây. Điều này cũng giúp cải thiện một phần tâm lý của các nhà đầu tư và khiến dòng tiền quay trở lại thị trường rủi ro như chứng khoán. Do đó, các tài sản trú ẩn cũng gặp sức ép trong phiên, với đồng Dollar Mỹ chững lại và kim loại quý như bạc và bạch kim suy yếu sau chuỗi tăng liên tiếp trước đó.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, phần lớn các mặt hàng đều đang gặp sức ép trước lo ngại việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại sẽ khiến dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ hơn và gây áp lực tới nền kinh tế. Điều đó đã khiến đồng COMEX gặp sức ép từ vùng kháng cự 3.92 USD/pound của mức đỉnh trước đó. Kết phiên, giá đồng COMEX giảm 2.01% xuống còn 3.8 USD/pound, trong khi đó giá quặng sắt cũng giảm 1.91% xuống 109.39 USD/tấn.

Bất chấp các thông tin tích cực tới từ các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, trong đó bao gồm đợt phát hành trái phiếu đặc biệt năm 2022 trị giá 750 tỷ nhân dân tệ (107.93 tỷ USD) vào ngày 12/12 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lo ngại số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trước các tác động từ việc nới lỏng kiểm soát dịch đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Viễn cảnh này có thể gây ra gián đoạn trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất và tạo sức ép tới triển vọng nhu cầu kim loại cơ bản.