[Hiện trạng] nhiều chủ doanh nghiệp niêm yết bị call margin, rủi ro đòn bẩy (leverage) trong chứng khoán là bài học cảnh báo chưa bao giờ sai, Q4/2022



...Mượn lại câu nói mà chúng tôi đã từng viết trong ấn phẩm kỳ 26, tháng 09/2019 vừa qua: “Tấm gương của Jesse Livermore (https://newslettervietnam.com/jesse-...en-tai-dau-co/), Rick Guerin (https://newslettervietnam.com/rick-g...no-vay-margin/) là những ví dụ điển hình khiến ngài Buffett hay Munger cho rằng margin không phù hợp với 98% NĐT cá nhân với tiềm lực tài chính, sự kiểm soát thông tin và tâm lý hạn chế. Các ông cho rằng biết đằng nào mình cũng sẽ giàu, tại sao lại đi vay nợ gấp nhiều lần vốn tự có để rồi kiếm thêm vài điểm % để đánh mất sự an yên của cuộc đời mình?” Một số người chúng tôi quen từng phản biện: nếu vậy tại sao các chủ doanh nghiệp thành công thường vay nợ, phải chăng nên có chút liều lĩnh thì mới tạo cho mình khả năng giàu có được?

Thứ nhất, liều lĩnh vay nợ lãi suất cao như margin trong kinh doanh để rồi sau đó thành công lớn chỉ là số ít những người mà chúng ta thấy trên báo chí, tức ta bị lỗi “thiên kiến sử dụng dữ liệu ở gần” thay vì nhìn một bức tranh lớn; không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ thất bại ở các doanh nghiệp startup lên đến 50%, thậm chí 95% trong 5 năm đầu tiên ở một số ngành cạnh tranh cao. Chúng tôi đã nghiên cứu và nhận ra rằng những người kinh doanh thành công như ngài Buffett hay CEO nhóm công nghệ FAAMG gần đây, đều quản lý tài chính rất, rất cẩn trọng!
Thứ hai, vay nợ trong kinh doanh ít rủi ro hơn khi so với đầu cơ chứng khoán, bởi vì họ không phải chịu tác động của thứ gọi là “margin call”, tức gọi ký quỹ khi giá cổ phiếu giảm đột ngột -20% hoặc -30%, một thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của ta.
Cuối cùng, quan trọng hơn hết, nợ vay margin chúng tôi thường ví von như một loại her**n dạng nhẹ, một khi đã dùng thì những nhà đầu cơ sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với mức sinh lời vừa phải khi đầu tư thông thường nữa, mà luôn luôn cảm thấy “thiếu thiếu”, rồi sớm muộn sẽ quay lại con đường đánh bạc đòn bẩy nhiều lần đầy hưng phấn tạo chất “dopamine” trong não bộ (hiện tượng tái phát "relapse"). Không chỉ Livermore hay Rick Guerin, chúng tôi từng chứng kiến khá nhiều tấm gương thực tế ở VN từng kiếm được rất nhiều tiền nhờ đòn bẩy, để rồi sau đó vẫn không thể dừng lại được vì nghiện ngập, rồi thua lỗ mất trắng đau đớn, bạc đầu, khóc lóc và rời bỏ thị trường giai đoạn 2010-2012 một cách cay đắng…

Vì vậy, mặc biết rằng chỉ có vài phần % thành phần tham gia thị trường sẽ nhận ra, hoặc đâu đó chỉ một số ít độc giả đã từng thất bại và hiểu những thứ chúng tôi cảnh báo, chúng tôi sẽ vẫn kiên định làm nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng” của mình. Còn chúng tôi ở đây, thì sẽ luôn có nơi để cảnh báo, để trở về, để đặt câu hỏi, để giữ vững niềm tin vào con đường đầu tư giá trị bền vững, dài hạn cho số ít những NĐT giá trị lẻ loi hay các bạn trẻ bị lạc phương hướng...
--------------------
Xem lại các câu chuyện "người thực việc thực" cảnh báo về nợ vay margin của TGN: https://newslettervietnam.com/?s=n%E1%BB%A3+vay+margin

Saigon, một chiều Thứ 2 mát mẻ, 07.11.2022, bởi S.A.F.E team - TGN


P/S: Ấn phẩm kỳ 62, ấn phẩm lịch sử khủng hoảng tài chính thế giới 2008 - ấn phẩm cuối cùng trong chuỗi ấn phẩm lịch sử (historical issues) bởi TGN - đang được gấp rút hoàn thiện và sẽ thông báo trong thời gian tới, mong quý độc giả kiên nhẫn chờ đợi (https://newslettervietnam.com/catego...at-an-pham-cu/)