Một chuyên gia đến từ Đại học Harvard dự báo lãi suất chuẩn có thể sẽ tăng lên 5,25% trong năm tới


Những biện pháp hỗ trợ mà Washington đưa ra trong thời kỳ đại dịch đã khiến khả năng tài chính của hộ gia đình và doanh nghiệp trở nên cực kỳ vững chắc, nhờ tiền mặt nhiều hơn và chi phí đi vay thấp hơn. Tuy nhiên, việc này có thể khiến kế hoạch kiểm soát lạm phát của Fed trở nên khó khăn hơn.

NHTW Mỹ đang nỗ lực kiềm chế sức nóng của nền kinh tế để kiểm soát lạm phát. Do đó, lãi suất đã được điều chỉnh tăng mạnh trong năm nay và có thể sẽ tăng thêm 0,75 điểm phần trăm sau cuộc họp chính sách trong tuần này. Theo đó, lãi suất chuẩn tại Mỹ sẽ dao động ở khoảng 3,75% đến 4%.

Một số quan chức đã đề xuất về việc giảm tốc độ tăng lãi suất sau cuộc họp tuần này. Song, cuộc tranh luận này có thể che khuất một vấn đề quan trọng hơn là liệu lãi suất sẽ tăng cao đến mức nào. Trong các dự báo kinh tế được đưa ra tại cuộc họp gần đây nhất của Fed, hầu hết giới chức NHTW đều cho rằng lãi suất chuẩn sẽ đạt ít nhất 4,6% vào đầu năm tới.

Song, một số nhà kinh tế cho rằng lãi suất sẽ còn tăng cao hơn mức 4,6%, đặc biệt là khi xu hướng chi tiêu không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi lãi suất cao.

Điểm bất thường của kinh tế Mỹ gây khó cho Fed

Fed ứng phó với lạm phát bằng cách thắt chặt điều kiện tài chính để hạ nhiệt nền kinh tế, chẳng hạn như chi phí đi vay tăng lên và tác động nhằm hạ giá cổ phiếu. Từ đó sẽ giúp hạn chế chi tiêu, giảm số lượng việc làm và thu nhập. Điều này thuờng ảnh hưởng nhiều nhất đến các lĩnh vực của nền kinh tế vốn nhạy cảm với chi phí và khả năng tiếp cận tín dụng.

Tuy nhiên, vào năm 2020, phản ứng “như thời chiến” của chính phủ trước đại dịch - bao gồm kích thích tài khoá mạnh tay, đã làm gián đoạn động lực suy thoái kinh tế thông thường là tình trạng thất nghiệp gia tăng, khiến thu nhập và chi tiêu giảm. Do đó, hiện tại, bảng cân đối kế toán của khu vực tư nhân vẫn ở vị thế vững chắc.

Theo các nhà kinh tế tại Goldman Sachs, các hộ gia đình, doanh nghiệp phi tài chính và doanh nghiệp nhỏ có mức thặng dư trên tổng chi tiêu bằng 1,1% GDP trong quý II. So sánh với mức trung bình 3 năm, con số này ở mức “lành mạnh” hơn so với các cuộc suy thoái ở Mỹ kể từ những năm 1950.

Fed chuẩn bị bước vào cuộc họp chính sách mới, đây là lý do lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao - Ảnh 1.

Các nhà kinh tế của Fed ước tính, hộ gia đình Mỹ vẫn có khoảng 1,7 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm mà họ tích luỹ đến giữa năm 2021. Khoảng 350 tỷ USD tiết kiệm khác tính đến tháng 6 được nhóm thu nhập thấp hơn nắm giữ, tương đương trung bình khoảng 5.000 USD/hộ gia đình.

Các doanh nghiệp cũng được giảm chi phí đi vay trong môi trường lãi suất thấp vào năm 2020 và 2021. Chỉ 3% trái phiếu rác hoặc trái phiếu do các công ty không được xếp hạng điểm đầu tư phát hành sẽ đáo hạn trong năm tới và chỉ 8% đáo hạn trước năm 2025, theo Goldman.

Chính quyền các tiểu bang và địa phương cũng nắm giữ rất nhiều tiền mặt, giúp họ ở vị thế vững chắc hơn so với thời điểm sau cuộc suy thoái 2007 - 2009.

Dù thị trường bất động sản đã rơi vào “vùng trũng”, nhưng phần còn lại của nền kinh tế Mỹ cho đến nay vẫn ổn định. Số dư thẻ tín dụng của người tiêu dùng đang tăng lên. Báo cáo tài chính của các công ty bao gồm United Airlines, Bank of America, Nestle, Coca-Cola và Netflix cũng cho thấy nhu cầu và khả năng chi trả của người tiêu dùng tăng mạnh.

Samuel Rines - CEO của công ty tình báo về thị trường Corbu, cho hay: “Đây không phải là mùa báo cáo tài chính mà Fed muốn thấy. Hiện tại, người tiêu dùng vẫn có khả năng tài chính quá mạnh mẽ và khó để hạ nhiệt.”