"Ở giai đoạn này, doanh nghiệp có tiền là vua, bởi vì họ có thể tạo hạn mức tín dụng vay ngắn hạn, nhập nguyên liệu với lãi suất tốt.” – Một chuyên gia tài chính nhận xét.

Mùa báo cáo tài chính quý 3/2022 đã đi đến hồi kết và danh sách những doanh nghiệp đang nắm giữ nhiều tiền nhất đã được xác định. Riêng top 10 đang cầm 273,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 11,4 tỷ USD) – giảm 16 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 2.

Trong giai đoạn “tiền mặt là vua”, dù giảm so với các thời điểm cuối quý trước nhưng CTCP Tập đoàn Thép Hòa Phát (HPG) vẫn dẫn đầu thị trường với 38.900 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (tương đương 1,6 tỷ USD).

Trong đó, lượng tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng dưới 12 tháng tăng vọt so với đầu năm, từ 18.236 tỷ đồng lên 27.030 tỷ, tương đương tăng thêm gần 8.800 tỷ. Số tiền gửi kỳ hạn này chiếm 68,5% tổng lượng tiền và tương đương tiền của Hoà Phát vào thời điểm cuối quý.

Quý 3 vừa qua, Hòa Phát gây bất ngờ với khoản lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Đặt trong bối cảnh “thê thảm” của ngành thép thì con số lỗ của doanh nghiệp số 1 cũng không là điều khác biệt và ở góc nhìn lạc quan, tình hình thị trường có thể tạo cho doanh nghiệp “nhiều tiền” này cơ hội tăng thị phần.

Có thể thấy, thị phần của Hòa Phát đã được mở rộng trong 6 tháng 2022 và vẫn tiếp tục duy trì trong Quý III/2022 ở mức 36% đối với thép xây dựng và 29% đối với ống thép. Trong khi tổng sản lượng thép xây dựng của toàn ngành thép Việt Nam chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thép xây dựng của Hòa Phát vẫn tăng 24%. Đặc biệt sản lượng HRC, ống thép của Tập đoàn vẫn tăng tương ứng 5% và 16% trong khi sản lượng thị trường cho hai loại sản phẩm này giảm tương ứng 12% và 4%.

“Ở giai đoạn này, doanh nghiệp có tiền là vua, bởi vì họ có thể tạo hạn mức tín dụng vay ngắn hạn, nhập nguyên liệu với lãi suất tốt. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp còn không được cấp hạn mức vay tín dụng ngắn hạn do ngân hàng đang căng thanh khoản” – Một chuyên gia tài chính nhận xét – “Trong bối cảnh đối thủ còn yếu hơn, thép Trung Quốc thì “đuối”, lượng tiền mặt lớn lúc này giúp Hòa Phát ứng phó với tình hình thanh khoản hiện tại và chuẩn bị đầu tư cho dự án Dung Quất 2”.

Vị trí ngôi vương về tiền mặt của Hòa Phát được xác lập từ cuối năm 2021 khi Hòa Phát bứt phá vượt qua Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) và PV GAS (GAS).

Top 3 gồm Hòa Phát, PV GAS và ACV đều có lượng tiền trên 30.000 tỷ, trong khi nhóm tiếp theo trong top 10 gồm Vingroup (VIC), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), FPT, Sabeco (SAB), Vinamilk (VNM) và Novaland (NVL) có lượng triền trên 20.000 tỷ. Petrolimex xếp cuối cùng với 18.000 tỷ đồng.

Trong đó, nếu như hồi cuối quý 2, lượng tiền của Vingroup bám sát Hòa Phát với 44,5 nghìn tỷ đồng thì đến cuối quý 3, đã giảm 36% xuống còn 28,6 tỷ đồng. Tương ứng, lượng tiền mặt của VinHomes (VHM) giảm gần một nửa từ 31,4 nghìn tỷ xuống 15,9 nghìn tỷ.

Nguyên nhân là vì trong quý 2, Vinhomes cùng các công ty con đã nộp thêm vào ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng tiền sử dụng đất. Tính đến cuối tháng 9/2022, Vinhomes đã nộp vào ngân sách 35.300 tỷ đồng bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, tiền sử dụng đất…

Trước đó hồi tháng 8, số liệu của Cục thống kê Hưng Yên cho biết hai đại dự án Dream City và Khu đô thị Đại An của Vinhomes đã nộp tổng cộng 34.867 tỷ đồng vào ngân sách, chiếm gần 80% số tiền sử dụng đất tỉnh Hưng Yên thu được, đưa tỉnh này đạt số tiền nộp thuế kỷ lục, vươn lên thứ 3 cả nước.

Trong khi tại cuối tháng 6 hai dự án này đóng 15.000 tỷ đồng vào ngân sách tỉnh Hưng Yên. Khoản nộp ngân sách tăng gấp đôi ở hiện tại chính là lý do lượng tiền của Vinhomes giảm ở mức tương tự.

Doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 sàn chứng khoán là Novaland cũng tăng lượng tiền nắm giữ lên đáng kể, đến cuối quý 3 là 22,2 nghìn tỷ đồng.

Ở phía giảm mạnh, Masan Group (MSN) tiếp tục giảm mạnh lượng tiền về 6,5 nghìn tỷ đồng từ mức 22,6 nghìn tỷ, 12,9 nghìn tỷ và 10,4 nghìn tỷ ở thời điểm cuối năm 2021, cuối quý 1 và quý 2/2022.