Chứng khoán hay bất kỳ tài sản rủi ro nào, việc lên hay xuống là câu chuyện của dòng tiền, câu chuyện của kỳ vọng. Thị trường chứng khoán không phải nền kinh tế. Do đó, nếu nguồn tiền trong thị trường cứ rút đi thì thị trường chứng khoán tiếp tục giảm cũng là lẽ thường.

Từ góc nhìn so sánh với nhiều thị trường trong khu vực, có thể thấy áp lực từ bên ngoài không phải nguyên nhân chính yếu bằng việc dịch chuyển các nguồn tiền trước những biến động trong nước trong thời gian gần đây. Dẫn lời ******************, để đo lường trạng thái dòng tiền, trong trường hợp xấu thì biểu hiện qua dòng tiền margin, giảm dư nợ thị trường tối đa về khoảng 100.000 tỷ đồng. Với mức ước lượng này, dù còn giảm điểm, thị trường có thể chịu đựng được mà không gây nên sự đổ vỡ.

Hiện tại, tâm lý nhà đầu tư gần như kiệt quệ và mất niềm tin. Đã có những so sánh thời điểm hiện tại với những thời điểm tồi tệ trong quá khứ như khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 hay khủng hoảng nợ công châu Âu và đóng băng bất động sản trong nước 2010 - 2011.

Tuy nhiên, mọi thứ không đến mức tồi tệ như vậy, với điểm chính là lạm phát trong nước ở thời điểm hiện tại là chấp nhận được và khó có khả năng vượt mức 2 con số như trong quá khứ. Khi đó, lãi suất tất nhiên vẫn còn dư địa tăng nhưng không đến mức quá sức chịu đựng của nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Đương nhiên, vẫn có những doanh nghiệp sẽ khó khăn, nhưng làn sóng kiệt quệ không diễn ra hàng loạt. Để đưa ra một hình ảnh so sánh, giai đoạn 2007 - 2008 hay 2010 - 2011 với nền kinh tế thế giới như một bệnh nhân bị ung thư, cần cắt bỏ những khối u mới có thể sống sót, còn giai đoạn hiện tại giống như một bệnh nhân béo phì (sau khi được bơm tiền ồ ạt trong đại dịch) với nhiều bệnh nền, cần hết sức cẩn thận nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng.

Đồng ý là bối cảnh thay đổi rõ ràng, nhưng với góc nhìn thận trọng từ đầu năm 2022, người viết không bất ngờ với những diễn biến vĩ mô hiện tại, do đó, cũng không bi quan. Mới chỉ cách đây vài tháng, chúng ta còn kỳ vọng VN-Index có thể lên mức 1.800 – 2.000 điểm, vậy mà bây giờ, vẫn nền kinh tế và bối cảnh có thể lường trước, chúng ta lại sợ hãi nhìn về 700, 800 hay 900 điểm?

Theo quan điểm người viết, đà giảm mạnh như hiện tại của thị trường chứng khoán xuất phát phần lớn từ việc các nguồn tiền cần cân đối lại giữa các kênh đầu tư sau quãng thời gian dài thị trường giá lên và tình trạng đầu cơ quá mức của nhiều tài sản. Khi quá trình này kết thúc, thị trường sẽ cân bằng trở lại.

Cũng là mốc 1.100 điểm, 1.000 điểm hay thậm chí thấp hơn của chỉ số VN-Index, nhưng thị trường giai đoạn 2006 - 2.007 như một đứa trẻ mới đi học, 2010 - 2022 như một thiếu niên sắp dậy thì, thì năm 2022 đã là một người thanh niên trưởng thành.

Một người thanh niên đã trưởng thành, phải cân đối các nguồn tiền, khó khăn đấy nhưng nếu có nội tại, chắc chắn sẽ ổn định trở lại.