Kết thúc phiên giao dịch ngày 06/10, bảng giá kim loại phân hoá thành hai nửa xanh đỏ. Đối với nhóm kim loại quý, giá vàng giảm phiên thứ 2 liên tiếp với mức giảm 0.29% xuống còn 1710.85 USD/ounce. Giá bạc và bạch kim chỉ thay đổi nhẹ so với phiên trước đó, ghi nhận mức tăng lần lượt là 0.56% lên 20.66 USD/ounce và 0.79% lên 921.8 USD/ounce.

Trước thềm công bố dữ liệu quan trọng về bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ vào tối nay, các nhà đầu tư đã tăng cường nắm giữ đồng Dollar Mỹ với tính trú ẩn cao, giúp chỉ số Dollar Index tăng phiên thứ 2 liên tiếp. Bạc và bạch kim đều mở cửa với mức giá cao hơn ngày trước đó, song đà mạnh lên của đồng bạc xanh đã gây sức ép đến 2 mặt hàng này vào cuối phiên. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua tăng 29,000 người so với tuần trước, đạt mốc 219,000 và cao hơn ước tính của các chuyên gia kinh tế. Điều này khiến một số nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nhẹ tay hơn trong tiến trình thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, các quan chức Fed trong ngày hôm qua tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn về vấn đề tăng lãi suất. Chủ tịch Fed Chicago, ông Charles Evans cho biết lãi suất chính sách có thể sẽ đạt mức 4.5% - 4.75% vào mùa xuân năm 2023. Điều đó đã khiến bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với thông tin về lãi suất đã liên tục giằng co, dù kết phiên trong sắc xanh nhưng cũng đã chịu sức ép bán đáng kể vào cuối ngày.

Trên thị trường kim loại cơ bản, sức ép vĩ mô lấn át các lo ngại gián đoạn nguồn cung đã kéo giá đồng COMEC giảm 1.56% xuống 3.44 USD/pound và đồng LME giảm 0.94%. Mới đây, Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tuyên bố hạn chế giao hàng đồng và kẽm từ Công ty khai thác và luyện kim Ural (UMMC) của Nga trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang. Tuy nhiên, với các dữ liệu hồi đầu tuần cho thấy sức sản xuất của nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu giảm tốc, trong khi lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục được tăng mạnh đã gây sức ép tới triển vọng tiêu thụ đồng, gây áp lực đến giá.

Quặng sắt tăng nhẹ 0.55% lên mức 94.5 USD/tấn, được hỗ trở bởi thông tin sản lượng của nhà xuất khẩu quặng sắt lớn thứ 3 trên thế giới Ferrexpo với nhà máy sản xuất tại Ukraine, đã giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 800,000 tấn trong quý III trước các gián đoạn về hậu cần.