Kết thúc phiên giao dịch ngày 05/10, trong khi nhóm kim loại quý chứng kiến lực bán áp đảo thì đa phần các mặt hàng kim loại cơ bản đều diễn biến tương đối giằng co, ngoại trừ sự tăng vọt của chì LME. Giá vàng giảm 0.6% xuống còn 1715.81 USD/ounce. Bạc kết thúc chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp sau khi giảm 2.63% xuống còn 20.54 USD/ounce. Bạch kim cũng kết phiên trong sắc đỏ sau 2 phiên bật tăng mạnh mẽ, giảm 2.05% xuống mức 914.6 USD/ounce.

Trái ngược với mức tăng lãi suất khiêm tốn của Ngân hàng Trung ương Úc với 25 điểm cơ bản, Ngân hàng Trung ương New Zealand sáng hôm qua đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lần thứ 5 liên tiếp, và khẳng định hành động thắt chặt tiền tệ sẽ còn quyết liệt hơn trong tương lai. Điều này đã có tác động gián tiếp tới tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể vẫn mạnh tay nâng lãi suất. Chủ tịch Fed tại Atlanta, Raphael Bostic cho biết cuộc chiến chống lạm phát của Fed vẫn “đang giống như thời điểm ban đầu”. Điều này đã giúp cho Dollar Mỹ lấy lại đà tăng hơn 1% và gây áp lực tới giá bạc và bạch kim trong phiên vốn nhạy cảm với lãi suất và đồng USD.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng phản ứng dựa trên dữ liệu kinh tế mới đây của Mỹ. Trong đó, đáng chú ý, Báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP cho thấy số người có việc ngoài ngành nông nghiệp tăng từ mức 185,000 lên mức 208,000 trong tháng 9, cao hơn 8,000 so với dự đoán của thị trường. Thâm hụt thương mại cũng thu hẹp trong tháng 8 xuống mức thấp nhất trong hơn một năm trong bối cảnh nhập khẩu giảm, trong khi xuất khẩu tương đối ổn định đã khiến Goldman Sachs tăng ước tính theo dõi tổng sản phẩm quốc nội GDP quý III của mình lên mức 1.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này sẽ góp phần làm tăng không gian thắt chặt tiền tệ của Fed và kỳ vọng này khiến cho giá kim loại quý gặp áp lực trở lại.

Trên thị trường kim loại cơ bản, đồng COMEX kết phiên bằng một cây nến Doji biểu thị sự giằng co, với giá tăng nhẹ 0.3% lên mức 3.5 USD/pound. Dữ liệu chỉ số quản trị mua hàng PMI hỗn hợp của S&P Global khu vực châu Âu tiếp tục thu hẹp, với mức giảm từ 48.9 xuống 48.1 trong tháng 9, gây áp lực tới giá đồng vốn là thước đo sức khoẻ của nền kinh tế trong nửa phiên đầu. Tuy nhiên, PMI hỗn hợp của Mỹ tăng từ mức 44.6 lên 49.5 đã cho thị trường đồng cái nhìn lạc quan hơn và hỗ trợ cho giá.

Chì LME tăng vọt hơn 5%, lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng trước lo ngại nguồn cung thắt chặt, khi mà nhà sản xuất lớn Nystar thông báo đóng cửa nhà máy luyện tại Úc trong 55 ngày. Trong khi đó, tồn kho chì tại LME đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2007, nên thông tin này đã tác động mạnh đến giá.