Kết thúc tuần giao dịch 26/09 – 02/10, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý nhất là việc giá bông sụt giảm gần 8%, nối tiếp đà giảm mạnh 2 tuần liên tiếp trước đó và chạm mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua.

Điểm nhấn trên bảng giá các mặt hàng nhóm trong tuần qua thuộc về mức giảm hơn 7 cents của bông. Ngay từ đầu tuần, giá bông đã ghi nhận phiên giảm kịch sàn gần 5% khi Dollar Index tăng mạnh hơn 1% và chạm mức cao nhất trong 20 năm qua. Điều này khiến giá bông Mỹ trở nên đắt hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó hạn chế lực mua trên thị trường. Kết hợp với phiên giảm mạnh hôm thứ 5 khi báo cáo bán hàng xuất khẩu tuần kết thúc ngày 22/09 của Mỹ cho thấy, số liệu về bán hàng ròng bông của quốc gia này giảm mạnh từ 32,400 kiện trong báo cáo trước xuống mức 30,200 kiện trong báo cáo này và xuất khẩu bông cũng sụt giảm 44,000 kiện so với báo cáo trước, đẩy giá bông giảm mạnh gần 4%. Trong khi các phiên phục hồi chỉ ghi nhận mức tăng khiên tốn dưới 0.5%, đã không bù lại được lực giảm mạnh của các phiên còn lại.

Dầu cọ thô trở thành mặt hàng dẫn đầu đà giảm của nhóm với mức giảm 8.57%. Nguyên nhân lý giải cho sự sụt giảm này đến từ phiên gapdown đầu tuần khi Indonesia dự đoán xuất khẩu sẽ tăng vọt vào các tháng cuối năm nhờ luật miễn thuế xuất khẩu được thông qua, điều này đã gây sức ép lên giá đối với dầu cọ tại Malaysia nói riêng và giá mặt hàng này trên toàn cầu nói chung. Sau đó, mặt hàng này cũng ghi nhận thêm 2 phiêm giảm mạnh liên tiếp trước số liệu tích cực về nguồn cung tại 2 quốc gia sản xuất hàng đầu. Trong 2 phiên cuối tuần, giá có sự hồi phục phần nào khi các công ty khảo sát đều đưa ra số liệu tích cực về xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 09 tại Malaysia. Tuy vậy, sự khởi sắc đó chưa đủ để giá dầu cọ cả tuần có thể mang sắc xanh, cũng như thoát khỏi vùng giá thấp nhất trong 15 tháng qua.

Ở chiều ngược lại, Arabica ghi nhận sự khởi sắc với mức tăng khiêm tốn 0.50%. Đà tăng từ 3 phiên đầu tuần khi tồn kho đạt chuẩn Arabica trên sở ICE US giảm về mức thấp nhất trong hơn 23 năm qua và đồng Real tăng trong cặp tỷ giá USD/Brazil Real, đã hạn chế lực bán từ phía nông dân Brazil. Sự khởi sắc này cũng phần nào áp đảo được sự suy yếu từ 2 phiên cuối tuần, giúp giá duy trì được sắc xanh giống với tuần trước đó.

Nổi bật trong xu hướng tăng của tuần vừa rồi phải kể đến mặt hàng ca cao với mức tăng gần 5%. Nguồn cung ca cao trên toàn toàn ghi nhận sự thâm hụt trong niên vụ 2021/2022 do ảnh hưởng thiếu mưa từ 2 quốc gia sản xuất hàng đầu là Bờ Biển Ngà và Ghana, đã đẩy giá ca cao tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần, từ đó giúp mặt hàng này dẫn đầu đà tăng nhóm trong tuần qua.

Theo sau cà phê và ca cao, đường 11 cũng ghi nhận sự khởi sắc với mức tăng chỉ 0.23%. Đáng chú ý trong tuần qua là việc Sao Paulo, bang chiếm đến 60% sản lượng đường của Brazil, ra lệnh hỗ trợ tín dụng với 191 tỷ Real cho hoạt động sản xuất và phân phối ethanol, điều này có thể khiến các nhà máy ép mía tại đây ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol, từ đó làm hạn chế nguồn cung đường. Đây cũng chính là nhân tố giúp giá mặt hàng này duy trì mức tăng nhẹ từ tuần trước.