"Đầu tư chứng khoán" - cụm từ Quốc dân từ “Mùa xuân, Covid năm thứ nhất” đến nay. Kéo theo đó nhà nhà, người người đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề tham gia. Chắc rằng phải đến 96.69%, hoàn toàn chưa biết gì hoặc khá mơ hồ với bộ môn tài chính cao cấp này. Từ đó dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc bên dưới. Mà hôm nay Ad muốn chia sẻ một số kinh nghiệm bản thân với tất cả ACE.
1. Broker không phải là "Thánh". AD và đội ngũ Team16 cũng vậy
Như một lẽ thường, khi bắt đầu bước chân vào các lĩnh vực mà chúng ta chưa am hiểu. Tâm lý đa phần sẽ bám víu vào một "ai đó", mà ta nghĩ là chuyên gia trong lĩnh vực. Về bản chất thì các broker có trách nhiệm hỗ trợ, quản lý, đôi khi tư vấn cho khách hàng tình hình thị trường, mã miếc (nếu có).
Và tuyệt nhiên họ sẽ không phải là "Thánh" để biết được Vờ Ni hôm nay tại sao sml? Hay ngày mai múc con gì để ăn vài cây CE? Chưa kể ở một số công ty chứng khoán, thì môi giới còn đang phải gặm bánh mì, đi xe buýt thì lấy đâu ra 10 năm kinh nghiệm?
Để đạt được hiệu quả tối ưu trong việc lựa chọn Broker cho chính mình, NĐT nên tìm hiểu Profile, lịch sử tư vấn, trình độ kiến thức chuyên môn, am hiểu nghiệp vụ, thái độ phục vụ KH trong Uptrend/Downtrend ra sao, từ đó gia tăng được xác suất chiến thắng mỗi lần ra quyết định và công việc "chơi chứng" trở nên nhàn nhã, hiệu quả hơn.
Khái niệm Broker ở TTCK Vịt Ngan ta đang bị hiểu sai và đánh đồng:
- Một Broker chân chính sẽ có chứng chỉ hành nghề, số năm làm việc tối thiểu tại các CTCK uy tín, đạt đủ năng lực quản trị vốn ít nhất là 50 tỷ trở lên, và điều quan trọng nhất là khi đưa ra lời khuyên/tư vấn cho KH phải có lý lẽ rõ ràng, chuyên nghiệp , có căn cứ, luận điểm thuyết phục.
- Nhân viên dịch vụ chứng khoán: Phục vụ KH trên khía cạnh dịch vụ mà CTCK cung cấp, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm tài chính của công ty, hỗ trợ KH sao kê, chuyển/rút nộp tiền, hoặc đơn giản hơn là cách đọc bảng giá, giao dịch qua App,…
2. Là kênh sinh lời nhanh
Chính vì suy nghĩ kiểu ăn xổi như trên đã khiến hầu hết nhà đầu tư nhảy vào sòng chẳng khác nào những con bạc khát nước. Cứ thích sóng sánh, T+, nhìn cổ thằng bên cạnh xanh rì rào thì lại khó ở,... Đúng là chứng khoán nhìn sơ thì có vẻ là một thị trường kiếm lúa dễ dàng, đặc biệt là trong thời uptrend. Tuy nhiên, nó chỉ dễ đối với dân chuyên nghiệp, còn với đa phần F0, newbie thì không dễ tí nào.
Đôi khi trong vài cơn sóng lăn tăn, gợn nhẹ NĐT có thể kiếm được 5-10 thậm chí 20% không quá khó. Tuy nhiên, chỉ cần chút lòng tham không đúng thời điểm. Thì mọi thành quả gần như về mo trở lại, hoặc thậm chí cái giá phải trả sẽ đắt hơn rất nhiều.
Hãy nhớ rằng: "Thị trường chứng khoán chính là thiết bị chuyển tiền. Từ người kém kiên nhẫn sang những người kiên nhẫn."
3. Dành hết thời gian cho nó
Thực ra Ad cũng giống như đa phần ACE. Thuở ban đầu cũng bám sàn khá nhiệt. Nhưng dần dần thay đổi lại tư duy một xíu vì điều này chẳng mang lại nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là dù 2 con mắt chúng ta có nhìn chằm chằm vào bảng điện từ 9h00' đến 15h00' thì "3 chữ cái" mình quan tâm nó cũng phụ thuộc vào cung cầu thị trường, nội tại doanh nghiệp, tin tức,...Chứ chẳng ép nó cởi chuồng ngay được.
Thứ nữa là vô hình chung, chúng ta đang lãng phí khoảng thời gian quý báu của mình. Thay vào đó ta có thể tập trung cho công việc chính, chơi thể thao, chăm lo gia đình hay thậm chí là xem livestream của Duy Mạnh, hoặc Cô Dâu 8 Tuổi cũng được...?
Cuối cùng, hết dán mắt vào bảng điện chớp nháy, tới tài khoản đỏ loe loét nhiều khi lại ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý. Từ đó dẫn đến xác suất bán đúng đáy lên tới 96.69% không chừng.
4. Ai chơi sao mình vậy
Như Ad nói ở trên, chứng khoán nói đúng ra là một môn tài chính cấp cao. Nơi mà các bộ óc tinh anh hội tụ. Thế nhưng đa phần các con bạc cứ quen với kiểu đánh nhanh thắng nhanh, đú trend, hóng hớt, lãi thì gọi là "anh tôi" lõm thì chửi không ra gì,...
Nếu xác định mở tài khoản đánh vui vài củ đến vài chục củ thì không sao. Nhưng trong thời buổi kinh tế hội nhập, ai ai cũng muốn đây như là một kênh kiếm thêm dòng tiền thứ 2 của mình. Thì Ad khuyên mọi người nên có sự nhìn nhận nghiêm túc về nó. Bằng việc trau dồi kiến thức các nguồn: Facebook, Youtube, sách báo,...
Những ngành nghề lao động phổ thông đơn giản như: cắt tóc, thợ sửa ống nước, anh bưu tá may mắn,...còn phải mất đôi ba tháng học nghề. Vậy thì cớ sao với một bộ môn cần đầu tư “kiến thức và thời gian” nhiều đến như vậy chúng ta lại thờ ơ?