Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo về lạm phát – tăng 8.5% trong tháng 7, hạ nhiệt so với tháng trước đó, chủ yếu nhờ giá xăng giảm mạnh.

Ngày 10/08, Bộ Lao động Mỹ cho biết CPI Mỹ tăng 8.5% trong tháng 7, thấp hơn so với dự báo 8.7% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tuy nhiên, con số này vẫn gần với mức đỉnh 40 năm vừa thiết lập trong tháng trước (9.1%). So với tháng trước, CPI tháng 7 gần như đi ngang.

Lạm phát lõi – loại trừ giá thực phẩm và năng lượng – tăng trưởng 5.9% trong giai đoạn 12 tháng và tăng 0.3% so với tháng trước.



Chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau thông tin trên, với hợp đồng tương lai Dow Jones tăng hơn 400 điểm.

Dù lạm phát hạ nhiệt, song nhiều chuyên gia cho rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt. “Ngay cả khi lạm phát tổng thể giảm tốc nhờ đà lao dốc giá năng lượng, thì lạm phát lõi vẫn còn rất cao. Fed có khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ vì họ lo ngại lạm phát cao sẽ ‘bén rễ’ vào kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng”, Blerina Uruci, Chuyên gia kinh tế tại T. Rowe Price Group Inc, cho hay.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết NHTW muốn thấy bằng chứng rõ ràng và thuyết phục về sự suy giảm của áp lực lạm phát trước khi giảm nhịp độ hoặc ngừng nâng lãi suất.

Giá xăng giảm mạnh trong tháng 7 và sang tháng 8/2022, với giá xăng Mỹ giảm xuống chỉ còn 4.03 USD/gallon, rẻ hơn 1 USD so với thời điểm giữa tháng 6/2022. Đà giảm mạnh của giá xăng, cùng với giá thực phẩm và các hàng hóa liên quan tới năng lượng khác, cho thấy áp lực giá đã hạ nhiệt phần nào.

Mặc dù Fed cũng nhắm tới lạm phát tổng thể, nhưng họ xem lạm phát lõi mới là chỉ báo đáng tin cậy về lạm phát tương lai. Các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách đang theo dõi lạm phát lõi để “ướm chừng” về thời điểm Fed đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Kỳ vọng lạm phát giảm mạnh theo giá xăng

Người dân Mỹ cũng giảm kỳ vọng lạm phát trong vài năm tới, theo một khảo sát gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực New York.

Mức kỳ vọng lạm phát trung vị của những người tham gia trả lời trong tháng 7/2022 là 6.2% trong 1 năm tới, giảm từ mức 6.8% hồi tháng 6/2022, Fed khu vực New York cho biết trong ngày 08/08. Họ kỳ vọng lạm phát trong 3 năm tới sẽ ở mức 3.2%, giảm từ mức 3.6% hồi tháng 6/2022, và lạm phát 5 năm tới sẽ ở mức 2.3%.



Các chuyên gia kinh tế không xem kỳ vọng của người tiêu dùng như một dự báo chính thức, nhưng việc chú ý tới các cuộc khảo sát này như một dấu hiệu về tâm lý có thể tác động tới giá cả.

Các quan chức Fed tin rằng kỳ vọng lạm phát cao hơn có thể lời tiên trị tự hoàn thành (self-fulfilling). Kỳ vọng lạm phát cao hơn thôi thúc người tiêu dùng đồng ý trả mức giá cao hơn và gây áp lực để tăng lương. Điều này rồi sẽ thúc đẩy chi phí trong tương lai và từ đó khiến lạm phát tăng.

Jason Reed, Giảng viên tại Đại học Notre Dame, cho biết giá thực phẩm và giá xăng thì ai cũng có thể thấy và nhận biết. Vì vậy, hai loại giá này đóng vai trò quan trọng trong cách người tiêu dùng nhìn về nền kinh tế. Giá xăng tại Mỹ giảm mạnh trong thời gian qua. Hiện giá trung bình cho 1 gallon xăng là 4.06 USD trong ngày 08/08.

“Bạn đang thấy người tiêu dùng thay đổi kỳ vọng”, ông nói.

Theo cuộc khảo sát của Fed New York, người tiêu dùng kỳ vọng giá thực phẩm và xăng tăng chậm hơn trong những năm tới. Trong tháng 7/2022, họ kỳ vọng giá xăng tăng 1.5% trong vòng 1 năm, trong khi hồi tháng 6 họ kỳ vọng tăng tới 5.6%. Giá thực phẩm được kỳ vọng tăng 6.7% trong 1 năm, giảm từ mức 9.2% của cuộc khảo sát tháng 6.