Thị trường giao dịch hàng hoá tại Việt Nam tuy đã xuất hiện những ý tưởng đầu tiên là vào năm 2006, tuy nhiên, phải tới 14 năm sau, thì chúng ta mới có một Sở giao dịch Hàng hoá chính thức. Tuy có thể quãng thời gian đó là dài, nhưng chỉ trong thời gian vỏn vẹn gần 2 năm, thị trường hàng hoá Việt Nam đã và đang cho thấy một đà phát triển hết sức mạnh mẽ, bên cạnh sự hỗ trợ và hỗ trợ từ Chính phủ.

Nửa đầu năm 2022, thị trường hàng hoá Việt Nam tiếp tục tăng trưởng
“Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đang có những bước phát triển tốt và ổn định. Do tính chất liên thông với thế giới, nên thị trường sẽ luôn vận động, yêu cầu sự điều tiết kịp thời và chính xác. Ý thức được vai trò là đơn vị tổ chức thị trường đầu tiên tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cùng các thành viên đã và đang nỗ lực không ngừng để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, liên tục học hỏi từ các sở giao dịch quốc tế để phát triển thị trường tại Việt Nam minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả”

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng giám đốc thường trực MXV chia sẻ.
Lượng giao dịch tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch hàng hóa của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước trong nửa đầu năm 2022 đã ghi nhận mức tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Những biến động lớn của giá cả hàng hóa nguyên liệu, cùng với sự đa dạng sản phẩm giao dịch trên thị trường hàng hóa phái sinh là các yếu tố đang thúc đẩy khối lượng giao dịch tăng đều đặn hàng tháng. Chỉ số hàng hóa MXV-Index – chỉ số thể hiện sự biến động của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới, đã tăng 15% so với cuối năm 2021. Có thời điểm, chỉ số này đã vượt mức 3.000 điểm, là mốc chưa từng có kể từ khi bộ chỉ số hàng hóa được MXV ban hành. Trong đó, dầu thô vẫn là mặt hàng dẫn dắt xu hướng chung của thị trường, với mức tăng 35%.

So với thời điểm kết thúc quý 2/2021, giá dầu thô hiện đã tăng khoảng 66%. Trong khi giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng tăng từ 30 – 50%.

Các thành viên trên thị trường giao dịch hàng hóa cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều biến số khó lường, thị trường vẫn sẽ đứng trước những biến động mạnh trong những tháng cuối năm.

“Thông thường, khi bước vào quý 3 hàng năm, thị trường hàng hóa sẽ bắt đầu hình thành chu kỳ mới. Chu kỳ này sẽ tăng dần lên và giá hàng hóa thường có những biến động vào cuối năm. Theo tôi, năm nay cũng không ngoại lệ và biến động giá có thể sẽ còn mạnh hơn so với năm trước”

Ông Trần Sơn Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Đông Nam Á.
Chất lượng giao dịch được nâng cao đáng kể

Không chỉ tăng lên về khối lượng, hoạt động giao dịch hàng hóa đang ngày càng được cải thiện về chất lượng.

“Kết quả giao dịch của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước đang ngày càng tốt hơn, là hệ quả của cả một quá trình hình thành và phát triển thị trường một cách bài bản, quy mô và chuyên nghiệp. Công tác đào tạo thị trường vẫn là nhiệm vụ trọng tâm được MXV đề ra đối với các thành viên thị trường, nhằm giúp thị trường hàng hóa tại Việt Nam trở thành một trong những thị trường giao dịch hiệu quả nhất trong khu vực”.

Ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.
Không còn chỉ là “sân chơi” của những nhà đầu tư lớn, những quỹ giao dịch lớn vì những mức ký quỹ cao (có mặt hàng yêu cầu mức ký quỹ tối thiểu là 30 triệu đồng). Nhưng kể từ sau tháng 11/2021, khi những hợp đồng năng lượng mini và micro được triển khai, giờ đây, những nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đã có thể tiếp cận tốt hơn với thị trường.

Tính chung 6 tháng đầu năm, gần 70.000 hợp đồng Dầu thô WTI micro đã được giao dịch, chiếm 17% tỉ trọng giao dịch hàng hóa trên cả nước. Sản phẩm Dầu thô WTI tiêu chuẩn đứng thứ 2, chiếm 12,2%. Các vị trí tiếp theo đều là các hợp đồng tiêu chuẩn thuộc nhóm nông sản đang liên thông với sở Chicago bao gồm: Lúa mì Chicago (chiếm 7,5%), Ngô (chiếm 7,4%), Khô đậu tương (chiếm 6,8%) và Dầu đậu tương (chiếm 6,5%).

Tính đại chúng của thị trường cũng được nâng cao hơn. Nếu nhìn sang một thị trường được pháp luật bảo hộ khác tại Việt Nam là chứng khoán, có thể thấy tác động tích cực thế nào khi thị trường chứng khoán đến được với đại chúng nhiều hơn chỉ trong giai đoạn 2020 – 2021 vừa qua. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng thị trường hàng hoá trong tương lai phát triển mạnh mẽ như vậy. Đặc biệt là trong những thời gian gần đây khi mà thị trường hàng hoá có nhiều biến động.

Tổng quan đánh giá tiềm năng của thị trường hàng hoá Việt Nam

Trong năm 2021, “siêu chu kỳ hàng hóa” có lẽ là cụm từ nổi bật nhất trên các phương tiện truyền thông, khi giá của các loại hàng hóa nguyên liệu đều tăng chóng mặt trong nhiều tháng liên tiếp và lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Giao dịch hàng hóa đã nổi lên như một kênh đầu tư chính thống và đầy tiềm năng.

So với quãng thời gian hơn 10 năm hình thành, thị trường giao dịch hàng hóa mới chỉ thực sự phát triển kể từ năm 2018 tới nay. tính từ ngày 1/1/2021 đến 30/11/2021, tổng khối lượng giao dịch qua MXV là 759.236 lots với giá trị khoảng 739.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng giao dịch 69.021 lots, với giá trị khoảng 67.000 tỷ đồng/tháng. Khối lượng giao dịch trung bình phiên là 3.204 lots với giá trị khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với năm trước. Số lượng tài khoản mở mới trong năm qua đạt gần 7.000 tài khoản, nâng số tài khoản giao dịch hàng hóa tại thị trường Việt Nam lên gần mốc 20.000 tài khoản. Con số này mới chỉ chiếm khoảng 0.02% dân số Việt Nam (so với thị trường chứng khoán là 8%), với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng như vậy cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này trong tương lai.

Liên tục nâng cao chuyên môn và đội ngũ thành viên kinh doanh
Tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam

Kể từ năm 2018 cho đến nay, Bộ Công thương luôn có những chuyến thăm và làm việc với Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam – MXV nhằm lắng nghe những khó khăn cũng như thách thức của thị trường, liên tục tạo điều kiện nhằm mở các nút thắt, giải đáp các vấn đề về hành lang pháp lý giúp cho thị trường hàng hoá Việt Nam phát triển và liên thông hơn nữa với những thị trường trên thế giới.

Theo Nghị định 51/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa đã cho phép các Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam được kết nối liên thông với các Sở Giao dịch hàng hóa tại nước ngoài. Trong 3 năm trở lại đây, MXV đã kết nối liên thông với 6 Sở Giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới bao gồm: Sở Giao dịch kim loại London (LME), Sở Giao dịch hàng hóa Chicago – (CME Group), Sở Giao dịch liên lục địa (ICE), Sở Giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE); Sở Giao dịch hàng hóa Singapore (SGX); Sở Giao dịch phái sinh Bursa Malaysia Derivatives (BMD).

Tính đến nay, MXV đã liên thông giao dịch với hầu hết các Sở giao dịch lớn nhất trên thế giới. Tầm vóc của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã được khẳng định và ghi nhận. Các hội thảo, sự kiện do MXV và các Sở giao dịch quốc tế phối hợp tổ chức đã gây được tiếng vang lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, mà còn gây ấn tượng mạnh đối với thị trường hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù đã tháo được nút thắt quan trọng để chuyển mình, tuy nhiên, việc thị trường hàng hoá Việt Nam bước ra sân chơi lớn trên toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng đồng nghĩa với việc sẵn sàng đương đầu với nhiều thách thức. Trong một thị trường liên thông với toàn thế giới, diễn ra 24 giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, sự vận động luôn tồn tại, do đó, các chính sách được đặt ra cần phải bắt kịp với diễn biến trên toàn cầu. Bên cạnh đó, sự đồng bộ trong chính sách cũng là một yêu cầu tất yếu, không chỉ riêng quy định về tổ chức hoạt động của MXV mà còn của các Bộ ngành khác có liên quan như chính sách thuế, chế độ hạch toán kế toán, quy định về quản lý ngoại hối hay các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia bảo hiểm giá nguyên liệu.

Liên tục tiếp nhận thêm các thành viên kinh doanh mới

Từng bước phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đều có những đóng góp không thể thiếu của các thành viên thị trường của MXV. Hiện nay, MXV đang quản lý 36 thành viên kinh doanh và thành viên môi giới, cùng các chi nhánh, văn phòng trên khắp cả nước.

Trong tháng 5, Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Đông Nam Á đã được cấp phép và trở thành thành viên kinh doanh mã số 045 của MXV. Đây cũng là giai đoạn mà Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam thắt chặt hơn những chính sách về chất lượng của thành viên kinh doanh. Sau 2 tháng hoạt động, doanh nghiệp đã có những sự phát triển nhanh đáng kể và là một trong những đơn vị có tổng vị thế khách hàng đạt lãi ròng 20%. Những thành tích này xuất phát từ chính sách hỗ trợ phí giao dịch ưu đãi cho nhà đầu tư cũng như cán bộ môi giới của doanh nghiệp.

Sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên thị trường đã giúp hoạt động giao dịch hàng hóa lan tỏa tới doanh nghiệp và nhà đầu tư hiệu quả, chuyên nghiệp. Ý thức được vai trò là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, MXV luôn yêu cầu các thành viên thị trường phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam, đồng thời tuân thủ quy định của Sở giao dịch hàng hóa quốc tế đang liên thông. Đây là điểm mấu chốt, giúp thị trường hàng hóa phát triển ổn định và bền vững. Vào ngày 1/6/2022, MXV đã ban hành Quy chế Thành viên của MXV. Quy chế này đã có những điều chỉnh, sửa đổi, cập nhật, bổ sung kịp thời để giúp các thành viên thị trường tuân thủ đúng và đầy đủ những quy định trên thị trường giao dịch hàng hóa.

Hợp tác và học hỏi không ngừng từ các đối tác lớn trên thế giới

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong bối cảnh giá hàng hóa biến động mạnh, trong khi giao dịch T+0 qua các phần mềm điện tử, nên các Sở giao dịch quốc tế đã liên tục cập nhật, điều chỉnh các quy định để phù hợp với thay đổi của thị trường.

MXV cũng đã phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định này đối với thị trường trong nước, thông qua các buổi tập huấn thành viên với quy mô toàn quốc. Điều này cũng góp phần tăng tính minh bạch cho thị trường giao dịch hàng hóa.

Hôm qua, ngày 03/08/2022, tại trụ sở của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đại diện Ban Lãnh đạo MXV và Sở Giao dịch liên lục địa (ICE) đã có buổi làm việc nghiêm túc và hiệu quả về các nội dung hợp tác trong giai đoạn 2022 – 2025.

Hai bên đã có những trao đổi tích cực và đi đến thống nhất về các nội dung hợp tác chiến lược trong giai đoạn 2022 – 2025. Kết thúc buổi làm việc, các đối tác đánh giá cao sự chuyên nghiệp của MXV trong công tác tổ chức thị trường, đồng thời khẳng định tầm quan trọng trong việc hợp tác với MXV. “Việt Nam hiện đang là thị trường có tốc độ phát triển nhanh và sẽ sớm trở thành một thị trường tầm cỡ trong khu vực. Chúng tôi sẽ tích cực đẩy mạnh hợp tác với MXV để phát triển thị trường giao dịch hàng hóa, đây chính là công tác trọng tâm của ICE trong thời gian tới”, ông Ian Sea khẳng định.

Vào buổi chiều cùng ngày, tại trụ sở Bộ Công Thương, đại diện Bộ Công Thương và Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã có buổi làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) về các nội dung hợp tác chiến lược phát triển thị trường hàng hóa trong giai đoạn 2022 – 2030.

Trong buổi làm việc này, đại diện CME Group đã thẳng thắn chia sẻ với đại diện Bộ Công Thương và MXV về những quy định, chính sách mà chính phủ Mỹ áp dụng trong công tác quản lý và vận hành thị trường hàng hóa. Đối tác cũng khẳng định sẽ tích cực hợp tác chiến lược với MXV để phát triển, niêm yết các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, hồ tiêu, điều, cà phê… trên thị trường giao dịch quốc tế; đồng thời hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế đối với MXV nói chung và thị trường hàng hóa Việt Nam nói riêng.

Không ngừng cải thiện và nâng cao chuyên môn cũng như chuyển đổi công nghệ

Năm 2021, MXV đã tổ chức 9 khóa đào tạo dành cho các nhà môi giới và nhà đầu tư; cấp chứng nhận cho gần 400 học viên. Mỗi khóa đào tạo diễn ra trong vòng 2 tuần, với quá trình sát hạch kỹ lưỡng của Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo MXV sẽ giúp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, là nền móng cho sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đào tạo, nghiệp vụ quản lý rủi ro cũng đã chứng minh được tầm quan trọng, đặc biệt khi giá hàng hóa thế giới biến động mạnh như năm vừa qua. Chỉ số MXV-Index, chỉ số thể hiện sự biến động của giá hàng hóa thế giới, đã tăng hơn 50% trong năm 2021, và có những phiên giao dịch tăng đột biến từ 5 – 7%. Trong bối cảnh này, Khối Quản lý rủi ro MXV đã phải hoạt động liên tục 24/7, để đảm bảo thị trường vận hành ổn định, giảm thiểu rủi ro tối đa cho các thành viên, các nhà đầu tư trên thị trường.

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc liên thông với thị trường thế giới đã đặt ra bài toán cấp thiết cho MXV trong năm 2022: Chuyển đổi số thật nhanh, ổn định và hiệu quả. MXV đã tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống giao dịch M-System, hệ thống dữ liệu MXV-Data. Các thành viên cũng thực hiện việc mở tài khoản thông qua hình thức eKYC để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao hơn của thị trường. Thực hiện tốt chuyển đổi số đã giúp MXV giảm tải áp lực nhân sự trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, giúp thị trường luôn được vận hành thông suốt, ổn định trong năm qua.