Phái sinh là gì mà thời gian gần đây cộng đồng nhà đầu tư tại Việt Nam lại có một sự “dị ứng” và lại ghét nó đến như vậy, đến mức có những người còn gọi nó là “cờ bạc hợp pháp”? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng SACT tìm hiểu xem thị trường phái sinh là gì? Nó hoạt động như thế nào? Mục đích của nó là gì và tại sao thị trường này lại bị phần đông nhà đầu tư tại Việt Nam ghét nó đến như vậy nhé.

THỊ TRƯỜNG PHÁI SINH LÀ GÌ?
Trong giao dịch kinh tế, phái sinh (tiếng Anh: derivative) là một dạng hợp đồng dựa trên giá trị của các tài sản cơ sở (hàng hoá, chỉ số, lãi suất hay cổ phiếu). Bản thân nó không có giá trị nội tại.

Công cụ phái sinh có thể được sử dụng với nhiều mục đích bao gồm:

Phòng vệ giá

Đầu cơ/ Đầu tư chênh lệch giá

Tiếp cận với các tài sản hoặc thị trường khó giao dịch (do tài sản hoặc thị trường đó yêu cầu vốn ban đầu quá lớn. VD: nếu đầu tư vàng bạn phải mua cả cây vàng có giá 56 triệu đồng. Với những hợp đồng phái sinh bạn có thể giao dịch với số vốn chỉ bằng 1/10 hoặc 1/100 giá trị thực tế của một cây vàng tuỳ theo các sàn giao dịch quy định)

Các giao dịch phái sinh thông thường trên thế giới bao gồm: giao dịch các nghiệp vụ nợ thế chấp và hoán đổi rủi ro tín dụng, các giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn, giao dịch trần sàn (collar), và các sản phẩm cấu trúc. Phái sinh là một trong ba loại công cụ tài chính chính (hai loại còn lại được biết đến là cổ phần – cổ phiếu và nợ – trái phiếu và thế chấp).

hai loại giao dịch phái sinh trên thế giới:

Giao dịch OTC: là các hợp đồng phái sinh được trao đổi (và được thỏa thuận riêng) trực tiếp giữa hai bên, không cần thông qua một sàn giao dịch hoặc trung gian nào khác. Các sản phẩm như hoán đổi tài chính, các thỏa thuận tỷ giá kỳ hạn, quyền chọn đặc biệt – và các phái sinh đặc biệt khác – gần như luôn luôn được giao dịch theo cách này.

Phái sinh trao đổi qua sàn giao dịch (ETD): là những công cụ phái sinh được giao dịch thông qua các sàn giao dịch phái sinh chuyên biệt hoặc các sàn giao dịch khác. Một sàn giao dịch phái sinh là một thị trường nơi các cá nhân trao đổi các hợp đồng chuẩn hóa đã được sàn giao dịch định nghĩa. Các sàn giao dịch phái sinh lớn trên thế giới có thể kể đến như: CME, CBOT, NYMEX, COMEX, EUREX,… Ở Việt Nam, Công ty CP giao dịch hàng hoá Đông Nam Á là một trong những sàn giao dịch phái sinh uy tín, là thành viên kinh doanh thuộc Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam – MXV

Thị trường này được pháp luật bảo hộ trên toàn thế giới và hoàn toàn hợp pháp. Tại Việt Nam, Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam – MXV là cơ quan quản lý và phát triển thị trường phái sinh. Vậy nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm giao dịch tại thị trường này mà không phải lo lắng lừa đảo như những thị trường Forex, Tiền điện tử hay Quyền chọn nhị phân.

GIAO DỊCH PHÁI SINH ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

Bạn nghĩ giao dịch phái sinh đầu tiên trên thế giới sẽ do một người làm trong lĩnh vực nào thực hiện? Tài chính? Kinh doanh? Hay là những giáo sư kinh tế?

Tất cả những đáp án trên đều sai, câu trả lời là Triết học.

Trong một số tài liệu lịch sử ghi chép vào giữa thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên bởi Aristoteles, có nhắc đến giao dịch quyền chọn đầu tiên trên trong lịch sử thế giới. Giao dịch này được thực hiện bởi triết gia nổi tiếng trong lịch sử Hy Lạp cổ đại Thales – người phát minh ra định lý Ta-lét mà chúng ta được học trong lớp Toán cấp trung học.

Thales là một nhà toán học và thiên văn học nổi tiếng, đại diện cho nền văn minh Hy Lạp cổ đại vào khoảng năm 624/623 – 548/545 trước Công nguyên. Ông là một trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp và cũng là người đề xuất nước là nguyên tố đầu tiên, có đóng góp vào các định lý toán học khác nhau. Ông thực sự nổi tiếng khi dự đoán chính xác nhật thực vào ngày 28/05/585 trước Công nguyên. Ông cũng được coi là một trong số những nhà thiên văn học đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển thiên văn học sau này. Không dừng lại ở đó, ông còn khiến cho người đời kinh ngạc vì sự hiền triết và thông minh của mình trong lĩnh vực kinh tế. Thế nhưng trước đó, ông bị nhiều người chế diễu là quá thông minh nhưng lại … không kiếm được tiền. Nên để khẳng định là khoa học cũng có thể kiếm được nhiều tiền, thì ông đã chứng minh rằng bất cứ ai với triết học đều có khả năng trở nên giàu có.

Khi bắt đầu làm điều này, ông vô cùng nghèo khó, nên ông phải tìm ra cách biến số vốn ít ỏi trở thành một khoản tài sản lớn. Chính lúc này thì ông đẫ phát hiện ra tiềm năng của quả ô liu. Ở Hy Lạp cổ đại, ô liu và dầu ô liu cũng giống như dầu thô ngày nay, được mô tả là vàng lỏng. Vì dầu không chỉ dùng cho mỗi việc tiêu dùng và nấu ăn, chúng còn được dùng làm nước hoa và các nghi lễ tôn giáo lớn (điều cực kỳ quan trọng ở các nền văn minh cổ đại), nên nhu cầu về dầu ô liu sẽ cực kỳ lớn, điều này làm gia tăng nhu cầu về máy ép ô liu vì người nông dân cần tiết kiệm cho mùa vụ của họ. Thế là Thales bắt đầu đến các cơ sở ép ô liu và đưa ra một lời đề nghị: đặt trước cho họ một khoản tiền mặt nhỏ nếu họ đồng ý cho ông thuê máy ép với giá cố định khi ông xuất hiện ở mùa thu hoạch. Nếu ông không xuất hiện thì họ có thể giữ tiền mặt của ông và cho người khác thuê. Đây chính là giao dịch quyền chọn đầu tiên trên thế giới và tồn tại mãi cho đến tận ngày nay.

Đương nhiên là các chủ cơ sở ép ô liu cũng đã quá quen với việc cho thuê tài sản của họ, và họ không để ý nhiều đến một học giả già vì họ nghĩ rằng họ chỉ đang lấy đi số tiền ăn trưa của ông ấy. Thế là điều gì đến cũng đến. Khi mùa vụ tới, ai cũng đều tìm kiếm cho mình một chiếc máy ép để làm dầu nhưng các chủ cơ sở máy ép không thể cho thuê vì Thales mới là người đang thực sự sở hữu quyền cho thuê chúng, và Thales cứ để kệ đó cho tới khi mọi người thực sự sợ hãi, lo lắng. Lúc này, những ai trả giá cao nhất mới được thuê chiếc máy ép và sử dụng chúng. Nhờ thương vụ này, Thales đã biến khoản tiền nhỏ của mình trở thành một gia tài kếch xù. Trong một vũ trụ nào đó nếu Thales sai, thì khoản lỗ của ông cũng chỉ giới hạn khoản thua lỗ của mình ở số tiền nhỏ ông đã bỏ ra trước đó.

Đây có thể coi là bước đầu sơ khai của giao dịch phái sinh trên thế giới.

CÁC LOẠI HỢP ĐỒNG TRONG GIAO DỊCH PHÁI SINH
Trong giao dịch phái sinh, chúng ta có thể phân thành 5 loại hợp đồng chính, chủ yếu được giao dịch hiện nay trên thế giới như sau:

Hợp đồng tương lai (Futures): là các hợp đồng mua hoặc bán một tài sản vào hoặc trước một ngày trong tương lai ở một mức giá quy định ngày hôm nay. Một hợp đồng tương lai được viết bởi một nhà thanh toán bù trừ vận hành một sàn giao dịch nơi hợp đồng này có thể được mua và bán. Ví dụ một nông dân muốn bán nông sản của mình ở một mức giá nhất định trong tương lai để tránh giá bị giảm khi thời điểm thu hoạch đến, họ sẽ thoả thuận với một người kinh doanh nông sản một mức giá mà họ mong muốn tại một thời điểm giao hàng trong tương lai. Nếu người mua cảm thấy mức giá đó là hợp lý thì họ sẽ lập một hợp đồng giao dịch tương lai.

Hợp đồng quyền chọn (Options): là các hợp đồng cung cấp cho chủ sở hữu quyền, nhưng không phải là nghĩa vụ, để mua (trong trường hợp của một quyền chọn mua) hoặc bán (trong trường hợp của một quyền chọn bán) một tài sản (giống như giao dịch mà Thales đã thực hiện). Giá mà tại đó việc bán diễn ra được gọi là giá cả đã quyết (giá điểm, giá thực hiện), và được xác định vào thời điểm các bên tham gia vào tùy chọn. Hợp đồng quyền chọn cũng quy định một ngày đáo hạn. Tùy chọn bao gồm hai loại: quyền chọn mua (Call) và quyền chọn bán (Put). Người mua của một quyền chọn gọi có quyền mua một số lượng nhất định tài sản cơ sở, ở một mức giá xác định, vào hoặc trước một ngày nhất định trong tương lai, tuy nhiên ông ta không có nghĩa vụ phải thực hiện quyền mua này. Tương tự như vậy, người mua của một quyền chọn đặt có quyền bán một số lượng nhất định tài sản cơ sở, với mức giá quy định, vào hoặc trước một ngày nhất định trong tương lai, tuy nhiên người đó không có nghĩa vụ phải thực hiện quyền bán này.

Hợp đồng chênh lệch giá (Spread): là giao dịch kinh doanh chênh lệch giá. Trong giao dịch Spread, nhà đầu tư sẽ đồng thời mua một hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn và bán một hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn khác tại cùng một thời điểm nhằm mục đích kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá giữa hai hợp đồng.

Các chứng quyền (Warrants): Chứng quyền là một loại chứng khoán cho phép người nắm giữ có quyền mua cổ phiếu cơ sở của doanh nghiệp phát hành với mức giá cố định gọi là giá định trước cho đến ngày đáo hạn. Khác với cổ phiếu chỉ có thể thực hiện được chiều mua (ở Việt Nam), thì chứng quyền có thể thực hiện được cả chiều bán.

Hợp đồng hoán đổi (Swaps): là các hợp đồng trao đổi tiền mặt (lưu chuyển tiền) vào hoặc trước một ngày xác định trong tương lai, dựa trên giá trị cơ sở của tỷ giá hối đoái, lợi tức trái phiếu/lãi suất, giao dịch hàng hóa, cổ phiếu hoặc các tài sản khác. Tương tự như quyền chọn mua và quyền chọn bán, một hoán đổi quyền có hai loại: một quyền chọn hoán đổi người nhận và một quyền chọn hoán đổi người trả. Ở một bên, trong trường hợp của một quyền chọn hoán đổi người nhận thì có một quyền chọn trong đó bạn có thể nhận lãi cố định và trả lãi thả nổi. Ở bên kia, một quyền chọn hoán đổi người trả là một quyền chọn để trả lãi cố định và nhận lãi thả nổi.

Hiện nay ở Việt Nam, thì mới xuất hiện những loại hợp đồng như Hợp đồng tương lai (Futures), Hợp đồng chênh lệch giá (Spread) và Các chứng quyền (Warrants). Trong tương lai gần, Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam – MXV sẽ có thêm các sản phẩm Hợp đồng quyền chọn (Options).

MỤC ĐÍCH CỦA THỊ TRƯỜNG PHÁI SINH

1. Phòng vệ giá (Hedging)

Trong công việc kinh doanh, bạn có cảm thấy phiền toái và khó chịu khi giá cả để tạo nên thành phẩm luôn không đứng yên ở một mức giá nhất định, khiến cho bạn phải thực sự đau đầu khi giải quyết những vấn đề như vậy?

Lấy ví dụ, bạn là một người kinh doanh chế biến hạt café. Công việc của bạn sẽ là nhập những nguyên liệu là hạt café từ những người nông dân rồi phân phối lại. Sau một khoảng thời gian, bạn kinh doanh rất hiệu quả và ổn định, và lợi nhuận đến với bạn một cách đều đặn, đủ giúp bạn duy trì và tích luỹ. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau đó, giá café bạn nhập vào để bán hàng tăng cao. Trước đây bạn chỉ mua 220k cho 1kg café, thì nay bạn phải trả 250k cho 1kg café. Việc tăng giá nguyên liệu như vậy sẽ khiến cho lợi nhuận của bạn giảm đi vì bạn không thể tăng giá thành phẩm mà bạn bán ra được, mặt khác nếu bạn cố gắng tìm kiếm một nguồn hàng khác thay thế với mức giá rẻ hơn, thì yếu tốt chất lượng có thể không được đảm bảo. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm và khách hàng có thể sẽ ngần ngại khi quyết định mua sản phẩm của bạn. Và nếu điều này vẫn diễn ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc làm ăn của bạn lâu dài.

Và điều này thực tế đã diễn ra tại châu Âu hiện nay. Do những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do dịch bệnh, tình hình chiến sự, giá thuỷ sản tại châu Âu liên tục tăng vọt kể từ sau tình hình căng thẳng tại Nga – Ukraine khiến cho nhiều chủ nhà hàng gặp phải khó khăn khi phải cân đối giữa bài toán giá nguyên liệu tăng và làm sao để giữ được mức giá phù hợp nhất để có thể giữ chân được những khách hàng của mình.

Và bạn biết đấy, giá cả đương nhiên sẽ không bao giờ giữ nguyên mà nó sẽ có sự thay đổi dựa theo nguyên lý cung – cầu. Nếu số lượng hàng ít hơn nhu cầu thì giá sẽ tăng, ngược lại nhu cầu lớn hơn số lượng hàng hoá sẽ khiến cho giá giảm. Và một nền kinh tế mở sẽ luôn kết nối với những nền kinh tế khác trên thế giới, do đó sự xuất hiện biến thiên của giá là vô cùng. Vậy nên, việc làm sao để có thể phòng thủ được trước những tình huống rủi ro như vậy là điều vô cùng quan trọng.

Một trong những chức năng chính của thị trường phái sinh – thứ được coi là nền tảng của thị trường này là Phòng vệ giá – quản lý rủi ro giá cả của hàng hóa từ việc việc mua hoặc bán.

Quay trở lại ví dụ, việc kinh doanh chế biến hạt café mà giá cả tăng cao giống như bạn đang lái ô tô ở đoạn đường dốc vậy. Bạn sẽ muốn đạp phanh mạnh hết sức để không bị mất lái. Việc làm này cũng tương tự như việc bạn sẽ tìm cách “cắt lỗ” chỗ café mà bạn đang có, để có thể giới hạn khoản lỗ của mình. Nếu như việc bạn đạp phanh khi đang lao dốc như vậy, có thể khiến cho chiếc xe của bạn bị hư hỏng, thì việc cắt lỗ có thể khiến cho bạn mất đi những cơ hội trong tương lai nêu giá café giảm xuống. Việc này có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận cũng như tài sản mà bạn đang có. Với những người có kinh nghiệm lái xe lâu năm, thì họ sẽ đơn giản là gạt cần về số thay vì đạp phanh để làm chậm chiếc xe. Thì những người kinh doanh hay đầu tư lâu năm cũng có thể làm điều tương tự như vậy bằng cách phòng vệ giá (tiếng anh là Hedging) với những hợp đồng phái sinh hàng hoá. Nó giống như là bạn làm cho khoản lỗ của mình giảm ít hơn so với thực tế mà không cần phải thực hiện việc cắt lỗ.

Đây chính là mục đích quan trọng nhất của thị trường phái sinh!

2. Đầu tư/ Đầu cơ chênh lệch giá

Bên cạnh việc phòng vệ giá, thì việc giao dịch phái sinh cũng có thể được sử dụng nhằm mục đích đầu tư/ đầu cơ để kiếm lợi nhuận. Vì thị trường phái sinh có tính thanh khoản rất cao và việc khớp lệnh tức thì – T0 (với thị trường cơ sở như chứng khoán ở Việt Nam là T+3 – sau 3 ngày thì cổ phiếu mới về đến tài khoản để thực hiện việc bán) nên việc mua – bán rất linh hoạt. Bạn hoàn toàn có thể mở một vị thế mua và bán ngay tức thì nếu bạn cảm thấy mình đã có lời hoặc gặp thua lỗ để tránh bị lỗ nặng hơn.

Chính vì lí do như vậy nên những nhà kinh doanh chênh lệch giá sử dụng điều này để kiếm được thêm lợi nhuận từ các giao dịch phái sinh. Họ có thể giải ngân và thu hồi vốn trong một thời gian ngắn (hoặc dài tuỳ theo chiến lược của họ và thời gian đáo hạn của từng loại giao dịch). Tuy nhiên, xu hướng chung của mục đích này sẽ là đầu cơ.

TẠI SAO THỊ TRƯỜNG PHÁI SINH BỊ COI LÀ “LỪA ĐẢO”?

Tại Việt Nam, thị trường phái sinh lần đầu tiên xuất hiện từ những năm 2017 – 2018. Ở thời điểm đó, lần đầu tiên những nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam được giao dịch cả hai chiều mua – bán. Tháng 5/2022 vừa qua, TTCK Phái sinh đã đạt kỷ lục mới là 317,695 hợp đồng được giao dịch (mỗi hợp đồng có mức ký quỹ trung bình là 15 triệu/ hợp đồng). Đó là một sự bùng nổ về lượng giao dịch. Tuy nhiên, bối cảnh của nó lại khiến cho thị trường này có những góc nhìn “méo mó”.

Tháng 04/2022, TTCK Việt Nam chứng kiến một pha giảm điểm mạnh mẽ lên đến 23%, khiến cho nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu rơi vào tình trạng “Robinson ngoài đảo hoang”. Tâm lý lúc này ai cũng hoang mang, tiêu cực, chỉ mong chờ cổ phiếu nhanh chóng tăng giá trở lại để có thể “thoát hàng”. Thế nhưng ở thời điểm đó, những nhà đầu tư giao dịch phái sinh tin rằng thị trường vẫn có thể xuống sâu hơn và bắt đầu thực hiện việt bán khống. Bên cạnh đó thì cũng có vô số thông tin tiêu cực mang tính “đồn đoán” được đưa ra như là: phiên ATC bị thao túng để “đạp” chỉ số, các đội tự doanh có thể nhìn thấy được lượng hợp đồng mua bán đang mở để có thể giao dịch ngược lại (khi ai cũng mong muốn thị trường tăng thì họ bán ngược lại với thị trường), thị trường phái sinh chi phối thị trường cơ sở,…

Kết quả là sau khi thị trường mới hồi phục được khoảng 12%, về mức 1315 điểm thì thị trường tiếp tục giảm điểm tiếp một lần nữa về đáy, giúp những nhà đầu tư bán khống trên thị trường phái sinh thu về được lợi nhuận, còn những nhà đầu tư vẫn đang nắm giữ cổ phiếu lại thêm phần “cay cú”. Và đây có thể coi là lí do mà thị trường chứng khoán phái sinh bị nhiều nhà đầu tư “dị ứng”, gọi nó là “cờ bạc hợp pháp”. Giờ đây, cứ nói đến từ “phái sinh” thì không cần biết nó là thị trường gì, hàng hoá hay chứng khoán, đều bị các nhà đầu tư có một thái độ e dè, thận trọng.

Tuy nhiên cần phải có một cái nhìn công bằng về vấn đề này.

Thứ nhất: thị trường phái sinh sinh ra với mục đích chính là phòng hộ giá. Việc sử dụng phái sinh một cách hợp lý hoàn toàn giúp bạn giảm thiểu được những khoản lỗ khi bạn đang nắm giữ cổ phiếu (đối với những nhà đầu tư cổ phiếu). Còn trong công việc kinh doanh, thì nó là công cụ để giúp những người nông dân, hay những người làm kinh doanh hàng hoá giảm thiểu được rủi ro và tối đa hoá lợi nhuận họ thu về từ hoạt động kinh doanh. Nên việc nó tốt hay xấu phải tuỳ thuộc vào mục đích của người sử dụng công cụ.

Thứ hai: thị trường sẽ luôn có sự biến thiên. Việc thị trường tăng giảm là điều hết sức tự nhiên giống cuộc sống của con người. Sông có lúc, người có khúc. Để một thị trường tài chính có những biến động mạnh, nó đến từ nhiều yếu tố khác nhau (những “cá mập” muốn chốt lời, tâm lý thị trường, sự sụt giảm dòng tiền,…). Vậy nên, khi mà chưa thể chắc chắn được lí do thực sự của thị trường giảm giá, thì không nên “kết tội” do một công cụ như phái sinh là lí do mà thị trường giảm giá.

Thứ ba: “phái sinh” không có nghĩa là chỉ có một thị trường là chứng khoán. Bản chất thị trường phái sinh đầu tiên là về lĩnh vực hàng hoá (nông sản, năng lượng, nguyên liệu công nghiệp, kim loại) và nó phục vụ cho việc kinh doanh. Vậy nên phải phân biệt được “Chứng khoán phái sinh” và “Hàng hoá phái sinh” để không bị nhầm lẫn cũng như đánh đồng chúng với nhau. Điều này có thể khiến bạn bị hạn chế bản thân lại trước những cơ hội đầu tư trên những thị trường khác. Nên nhớ, trong tài chính đầu tư nói chung không chỉ có một mình kênh đầu tư là chứng khoán.

LỜI KẾT
Tóm lại, định nghĩa phái sinh là gì nó rất rộng chứ không chỉ bó buộc trong một thị trường duy nhất là chứng khoán. Nó còn xuất hiện trong rất nhiều các thị trường khác nhau như hàng hoá, lãi suất,… Nó sinh ra bản chất là một loại công cụ để cân đối được rủi ro và tối đa lợi nhuận thu về được.

Như đồng tiền, mọi thứ luôn có hai mặt tốt và xấu. Việc thị trường này là “lừa đảo” hay không nó không đến từ bản chất của nó mà nó đến từ những người sử dụng nó với mục đích gì và tác động của nó đến thị trường cơ sở ra sao. Hãy có một cái nhìn thật khách quan và đánh giá một cách chính xác, để không bị hạn chế bản thân với những cơ hội đầu tư trên những thị trường khác.

SACT mong anh chị quý nhà đầu tư đã hiểu hơn về khái niệm “phái sinh là gì”, nó sinh với mục đích gì và tại sao nó lại bị hiểu nhầm đến thế. Chúc anh chị đầu tư thành công.