Giá dầu giảm mạnh trong ngày thứ Ba (5/7) khi hợp đồng dầu tiêu chuẩn của Mỹ rớt xuống dưới 100 USD/thùng do nỗi sợ suy thoái gia tăng, qua đó làm dấy lên lo lắng rằng kinh tế trì trệ sẽ khiến nhu cầu đối với những sản phẩm dầu khí bị hạn chế.



Hợp đồng dầu WTI kết thúc ngày giao dịch giảm 8.93 USD, tương đương 8.24%, xuống còn 99.5 USD/thùng. Từng có thời điểm dầu WTI trượt hơn 10%, giao dịch tại 97.43 USD/thùng. Lần cuối hợp đồng này giao dịch thấp hơn mốc 100 USD/thùng là vào ngày 11/5.

Hợp đồng dầu Brent cũng rớt 10.73 USD, tương đương 9.45%, còn 102.77 USD/thùng.

Hãng Ritterbusch và Associates cho rằng “khả năng suy thoái cao ngày càng áp đảo tình trạng mất cân bằng nguồn cung toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu về dầu khí”.

Công ty trên viết trong một báo cáo gửi đến khách hàng: “Thị trường dầu dường như đang ghi nhận nhu cầu yếu đi thấy rõ đối với dầu và diesel”.

Cả hai hợp đồng đều giảm giá trong tháng 6, tạm dừng sáu tháng tăng giá liên tiếp khi nỗi sợ suy thoái khiến Wall Street tái cân nhắc nhu cầu tổng quan.

Ngày thứ Ba, Citi cho biết từ giờ đến cuối năm dầu Brent có thể rớt xuống 65 USD/thùng nếu như nền kinh tế rớt vào suy thoái.

“Trong viễn cảnh suy thoái khi tỷ lệ thất nghiệp tăng, hộ kinh doanh gia đình và tư nhân phá sản, hàng hóa sẽ có đường cong chi phí giảm khi chi phí giảm phát còn lợi nhuận thì âm khiến giảm bớt nguồn cung”, Citi nhận định trong một báo cáo gửi tới khách hàng.

Citi vốn là một trong những bên dự đoán dầu sẽ giảm giá trong khi những công ty khác, như Goldman Sachs (NYSE:GS), đã từng nhận định dầu sẽ tăng lên 140 USD hoặc hơn thế nữa.

Giá dầu leo thang kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, dẫn đến lo lắng thiếu hụt toàn cầu gia tăng do vai trò cung cấp hàng hóa chủ chốt của Nga, đặc biết là đối với khu vực EU.

WTI đã từng tạo đỉnh tại 130.5 USD/thùng vào tháng 3, trong khi Brent cũng đã “mấp mé” quanh khu vực 140 USD. Đây là mốc cao nhất của từng hợp đồng kể từ năm 2008.

Nhưng trước sự kiện xâm lược của Nga, dầu cũng đã trên đà tăng nhờ vào nguồn cung hạn chế và nhu cầu khởi phát.

Giá hàng hóa cao là nhân tố quan trọng khiến lạm phát dậy sóng, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Bất kể đà sụt giảm gần đây, một vài chuyên gia cho rằng giá dầu vẫn có nhiều khả năng tiếp tục leo thang.

“Theo dữ liệu lịch sử, suy thoái không ảnh hưởng lắm tới nhu cầu. Lượng dự trữ đang ở mức thấp báo động sẽ giúp nhu cầu đối với dầu thô luôn mạnh”, Bart Melek, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại TD Securities, cho biết trong một báo cáo ngày thứ Ba.

Công ty này còn nói thêm chưa có những tiến triển đáng kể để giải quyết vấn đề trong cơ cấu nguồn cung của thị trường dầu, đồng nghĩa thậm chí nếu nhu cầu tăng chậm thì giá vẫn sẽ được hỗ trợ.

“Diễn biến ở các thị trường tài chính đang dự báo sẽ có suy thoái. Thị trường vật chất sẽ cho bạn thấy một câu chuyện hoàn toàn khác”, Jeffrey Currie, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Hàng hóa Toàn cầu của Goldman Sachs, chia sẻ với CNBC vào thứ Ba.

Khi đề cập tới dầu, ông Currie nói rằng đó chính là thị trường vật chất khan hiếm nhất từ trước tới giờ. “Lượng dự trữ toàn thế giới đang ở mức thấp báo động”. Hãng Goldman dự đoán giá dầu Brent sẽ chạm mốc 140 USD/thùng.