Masan Group tiếp nhận chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart + với khoản lỗ 100 triệu USD từ cuối 2019. Biên lợi nhuận WinCommerce cải thiện từ 14% lên 21,5% trong giai đoạn 2019-2021. Tập đoàn đặt mục tiêu có 30.000 cửa hàng mini mall đến 2025 và doanh thu 7-10 tỷ USD cho mảng bán lẻ.

Từ khoản lỗ 100 triệu USD và mục tiêu hòa vốn EBITDA ngay năm đầu tiên

Chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất thị trường hiện nay WinMart/WinMart+ (đổi tên từ VinMart/VinMart+) vốn do Tập đoàn Vingroup ( HoSE: VIC ) đặt nền móng xây dựng. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, tập đoàn quyết định chuyển nhượng mảng bán lẻ cho Tập đoàn Masan ( HoSE: MSN ) để tập trung toàn bộ nguồn lực cho 2 lãnh vực công nghiệp và công nghệ.

Masan Group là tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn với rổ hàng hóa đa dạng từ thực phẩm, đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình… Việc có thêm mảnh ghép bán lẻ giúp hoàn thiện hệ sinh thái cũng như gia tăng độ phủ hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Tại thời điểm lấn sân vào mảng bán lẻ (cuối năm 2019), tập đoàn hàng tiêu dùng này đã nhận định đây là lĩnh vực hấp dẫn khi thị trường còn khá phân mảnh và hoạt động thiếu hiệu quả. Kênh thương mại truyền thống chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bán lẻ nhu yếu phẩm khiến thị trường bán lẻ bị phân mảnh. Đồng thời, Masan Group tin rằng 1 cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại đang diễn ra và bùng nổ tại Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa đạt mốc 50% và tầng lớp trung lưu (với mức thu nhập bình quân đầu người từ 5.000 USD) thực sự xuất hiện. Các hình thức mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% thị trường bán lẻ trong tương lai gần từ mức 8-10%. Những nhận định và lòng tin của tập đoàn về thị trường bán lẻ hàng nhu yếu phẩm vẫn còn nguyên vẹn cho đến hiện nay.

Nhờ tiếp nhận WinCommerce (đổi tên từ VinCommerce) chủ sở hữu chuỗi WinMart/WinMart+, Masan Group có trong tay 133 siêu thị WinMart và 2.888 cửa hàng WinMart+, chiếm khoảng 3% thị phần thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm.

Dù vậy, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group cũng thừa nhận việc mua lại WinCommerce đã nhận phản ứng trái chiều của giới đầu tư và phản ứng này có thể hiểu được khi tập đoàn tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ chuỗi trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ. Năm 2020 cũng là năm lợi nhuận tập đoàn về mức thấp nhất trong vòng 6 năm do gánh khoản lỗ từ WinCommerce.

Trong bối cảnh đó, Masan Group chọn hy sinh thị phần và tốc độ tăng trưởng để xây dựng nền móng với mục tiêu đưa WinCommerce đạt EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) hòa vốn trong một năm. Theo đó, ngay năm đầu tiên tiếp quản, tập đoàn đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả quy trình logistics và luân chuyển hàng hóa, cũng như tinh gọn danh mục hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số. Theo vị Chủ tịch, kết quả chuỗi bán lẻ đã đạt EBITDA hòa vốn vào quý IV/2020.

Đến năm 2021, bất chấp đại dịch, tập đoàn trở lại với công cuộc mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị phần bằng cách mở thêm 390 cửa hàng WinMart+. Quý I, hệ thống có thêm 89 cửa hàng WinMart+.

Vì sao WinMart và WinMart+ đạt điểm hòa vốn - mục tiêu mà Bách Hóa Xanh chưa thực hiện được? - Ảnh 1.
Đơn vị: cửa hàng

Nhìn vào kết quả kinh doanh cũng có thể thấy được cải thiện rõ nét. Doanh thu duy trì khoảng 28.000 – 31.000 tỷ đồng giai đoạn 2019-2021 nhưng biên lợi nhuận tăng đáng kể từ 14% lên 21,5%. Cùng với đó, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý 2 năm gần đây giảm mạnh so với 2019. Nhờ vậy, chuỗi bán lẻ chỉ lỗ 148 tỷ đồng năm trước, giảm đáng kể so với mức lỗ 3.222 tỷ đồng năm 2020 và thấp hơn cả mức lỗ 524 tỷ năm 2019. Năm 2019, WinCommerce dưới thời Vingroup còn ghi nhận doanh thu tài chính hơn 5.461 tỷ đồng, so với mức chỉ hơn 330 tỷ đồng trong 2 năm gần đây. Nếu không tính sự đột biến này, lỗ ròng của WinCommerce 2019 khoảng 5.700 tỷ đồng.

Một trong những khoản chi đáng kể nhất của các chuỗi bán lẻ là chi phí bán hàng. Masan Group đã giúp giảm chi phí này đáng kể, từ mức cứ 100 đồng doanh thu mất tới hơn 26 đồng cho chi phí bán hàng xuống chỉ còn 18 đồng. Chi phí quản lý cũng giảm từ 4,5 đồng trên mỗi 100 đồng doanh thu xuống 2,5 đồng.

Việc tiết kiệm chi phí bán hàng, chi phí quản lý và tăng biên lợi nhuận gộp là mấu chốt giúp cho WinCommerce đã rất gần điểm hòa vốn vào cuối năm 2021, mục tiêu mà Bách Hóa Xanh - chuỗi bán lẻ thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm và là đối thủ lớn nhất của WinMart, WinMart+ vẫn chưa thành hiện thực.

Vì sao WinMart và WinMart+ đạt điểm hòa vốn - mục tiêu mà Bách Hóa Xanh chưa thực hiện được? - Ảnh 2.
Đơn vị: tỷ đồng


Quý I năm nay, WinCommerce ghi nhận doanh thu thuần 7.297 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp 1.620 tỷ đồng, tăng 25,3%. EBITDA đạt 164 tỷ đồng, tăng 25%.

Năm nay, chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng kỳ vọng doanh thu thuần đạt từ 38.000 – 40.000 tỷ đồng, tăng 23-29% so với năm trước nhờ vào tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện có và mở thêm điểm bán mới. Tập đoàn đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận bằng tăng cường đám phán nhà cung cấp, cắt giảm chi phí hậu cần và cải thiện năng lực phân phối, có 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị vào cuối năm nay. Tức, tập đoàn sẽ mở thêm khoảng 1.400 cửa hàng và 48 siêu thị trong năm.

Mô hình khác biệt với tham vọng doanh thu 7 – 10 tỷ USD vào 2025

Bên cạnh tái cấu trúc, điểm khác biệt của WinMart+ dưới thời tỷ phú Nguyễn Đăng Quang so với tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng như các chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng khác là mô hình hoạt động kinh doanh tích hợp (tất cả trong một) đem đến cho người tiêu dùng trải nghiệm đa kênh. Tức là, WinCommerce xây dựng các minimall, ở đó người tiêu dùng được đáp ứng 60-80% nhu cầu chi tiêu thay vì 25%, bao gồm nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính (Techcombank), trà và cà phê (Phúc Long), chăm sóc sức khỏe (Phano), dịch vụ viễn thông di động (Reddi)…

Theo Chủ tịch Tập đoàn Masan, mini mall là chìa khó để hợp nhất toàn bộ nhu cầu chi tiêu người tiêu dùng và mở rộng nền tảng O2 (mua sắm liền mạch từ offline đến online).

“Mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm thuần túy sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế nếu triển khai ở khu vực nông thôn, nơi tập trung phần lớn người tiêu dùng Việt Nam. Hình thức mini mall chính là mô hình tối ưu, công thức chiến thắng là mỗi điểm bán giảm doanh thu đạt điểm hòa vốn từ mức hơn 20 triệu đồng mỗi ngày xuống xấp xỉ 14 triệu đồng mỗi ngày”, ông Quang nhận định.

Vì sao WinMart và WinMart+ đạt điểm hòa vốn - mục tiêu mà Bách Hóa Xanh chưa thực hiện được? - Ảnh 3.
Mô hình tích hợp trong WinMart/WinMart+.


Mặt khác, thương mại điện tử là xu hướng của tương lai nhưng chưa đạt hiệu quả chi phí và lợi nhuận nếu triển khai như 1 kênh độc lập bởi nhu cầu tiêu dùng mới chiếm 5% doanh số bán lẻ, tần suất mua hàng và chuỗi cung ứng kém hiệu quả dẫn đến việc lạm dụng các chương trình khuyến mãi để giành thị phần. Nhận định như vậy, Masan Group dự kiến xây dựng kiốt kỹ thuật số đa tiện ích tại cửa hàng offline, có khả năng hoạt động như điểm thanh toán không dùng tiền mặt, điểm rút, nạp tiền, phân phối sim điện thoại… Người tiêu dùng có thể đặt hàng sản phẩm được giao tận nhà hoặc đến cửa hàng…

Với những phân tích đó, tập đoàn đặt mục tiêu có 30.000 cửa hàng mini mall trước năm 2025, gồm 10.000 cửa hàng tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa gia đình. WinCommerce đạt quy mô doanh thu 7 – 10 tỷ USD và lợi nhuận gộp gia tăng hai con số vào 2025.