Adam Jonas, chuyên gia tại Morgan Stanley cho biết Tesla thực tế đã có thể gia nhập hội sản xuất máy bay. Ông cho rằng phân khúc “hàng không Tesla” sẽ là một sự phát triển hợp lý dựa trên năng lực sản xuất xe điện của công ty.
Morgan Stanley ước tính tới năm 2030, tổng thị trường có sẵn (TAM) của ngành công nghiệp eVTOL tại Mỹ có thể đạt 12 tỷ USD, thúc đẩy bởi nhu cầu đối với các phương tiện bay quãng ngắn không sử dụng nhiên liệu.
Elon Musk, ông chủ của Tesla đã từng nhắc đến khả năng sản xuất máy bay điện cất/hạ cánh thẳng đứng, một khi công nghệ pin của công ty đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, theo tính toán là 400-watt giờ trên mỗi kilogram và lý tưởng là 500-watt giờ trên kilogram.
Theo đó, công ty này có kế hoạch sản xuất loại pin có thể tăng hơn 54% quãng đường so với xe điện và giảm 56% chi phí với mỗi kilowatt trên giờ. “Có một số loại pin sản xuất giới hạn, đạt được hơn 400-watt giờ trên mỗi kilogram, và tôi nghĩ mức độ này phù hợp với các máy bay quãng trung bình. Công nghệ pin của chúng tôi sẽ tiệm cận tới mức này trong thời gian tới”. Elon Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2020.
Jonas cho rằng eVTOL chỉ là 1 trong các lĩnh vực Tesla sẽ tham gia trong thập kỷ tới. Một liên doanh hứa hẹn khác có thể là sự kết hợp giữa bộ phận tự động hoá của Tesla với các công ty khác do Elon Musk đang điều hành, chẳng hạn như The Boring Company và SpaceX. “Chương phát triển tiếp theo của Tesla sẽ là quá trình công nghiệp hóa hàng loạt, 1 mạng lưới các bánh lái và ‘các điểm được kết nối’ giữa những thị trường sẵn có kề cận nhau”, chuyên gia này nhận định.
Theo đó, Tesla stock (cổ phiếu Tesla) được xếp vào danh mục Tăng tỷ trọng (khuyến nghị mua) với giá mục tiêu là 1.300 USD. Tính tới ngày 21/3, cổ phiếu của hãng đang được giao dịch quanh mốc 900 USD.