A- Tổng quan ngành dầu khí
1. Việt Nam hiện đã trở thành nước nhập siêu dầu thô
• Từ năm 2018, từ một nước xuất siêu dầu thô, Việt Nam đã chuyển thành nước nhập siêu hàng hóa này. Nguyên nhân chính là do hai dự án lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn lần lượt đi vào hoạt động vào các năm 2015 và 2018 đã làm tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong nước.
• Cơ cấu nhập khẩu dầu thô và xăng dầu cũng có sự thay đổi. Giai đoạn trước 2015 hầu hết giá trị nhập khẩu là xăng dầu, từ năm 2015 trở đi, giá trị nhập khẩu xăng dầu đã giảm xuống, thấp hơn giai đoạn trước. Năm 2018 khi dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành, tỷ trọng nhập khẩu dầu thô đã tăng mạnh và vượt giá trị nhập khẩu xăng dầu vào năm 2020 và 2021.

2. Sản lượng khai thác hàng năm đang suy giảm nhanh
• Sản lượng khai thác dầu thô đạt đỉnh vào năm 2004 là 20,35 triệu tấn; đến 2009, sản lượng đã giảm xuống còn 16 triệu tấn. Sản lượng hàng năm duy trì ổn định sau đó, đến năm 2017 xu hướng giảm đã tiếp tục, dự tính đang còn tiếp tục giảm rất nhanh và đến 2025 chỉ còn 3-5 triệu tấn/năm.
o Nguồn thu từ dầu thô trong giai đoạn 2000 – 2008 đã là một trong những nguồn thu quan trọng nhất của NSNN với mức đóng góp khoảng 25 – 30% tổng thu NSNN. Dầu thô là loại hàng hóa dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong khoảng thời gian này. Từ 2009 trở đi, sản lượng khai thác dầu thô đã vào giai đoạn suy giảm, tỷ trọng đóng góp trong thu NSNN cũng giảm về mức 15% và đến nay dầu thô chỉ còn đóng góp chưa đến 3% tổng thu ngân sách.
• Hoạt động khai thác khí tự nhiên khai cũng đang suy giảm nhanh chóng từ mức quanh 10 tỷ m3 mỗi năm đã giảm về 7,46 tỷ m3 trong năm 2021.

3. Trữ lượng gia tăng chậm khi các dự án lớn chậm triển khai
• Theo PVN, cho đến nay tổng trữ lượng đã phát hiện trên 1,5 tỷ m3 quy dầu, trong đó có khoảng 734 triệu m3 dầu và condensate và 798 tỷ m3 khí. Trữ lượng các mỏ đang khai thác tập trung chủ yếu ở bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Sông Hồng, Malay-Thổ Chu.
• Trong những năm qua, trữ lượng dầu khí tăng trưởng chậm do nguyên nhân chính là các dự án lớn triển khai chậm tiến độ. Trong đó 2 dự án chính là Cá Voi Xanh (quy mô 10 tỷ USD) và Lô B Ô Môn (8,1 tỷ USD) đã liên tục bị trì hoãn.
• Trong năm 2021, nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện tại dự án Lô B Ô Môn cho thấy Chính phủ đang có ý muốn triển khai dự án này ngay trong năm 2022.
• Tháng 5/2019, ngành Dầu khí Việt Nam đã phát hiện ra mỏ Kèn Bầu tại vị trí lô 114, đây là mỏ dầu khí được đánh giá có trữ lượng lớn nhất từ trước đến nay

4. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Lô B Ô Môn
• Vấn đề tồn đọng: Trong khi tiến độ triển khai tại khâu thượng nguồn (thiết kế, xây dựng, lắp đặt giàn thu gom) và trung nguồn (thiết kế, mua sắm và thi công cả đường ống trên bờ và dưới biển, thuê kho nổi) được triển khai đúng tiến độ thì khâu hạ nguồn của dự án đang gặp một số vấn đề khó khăn như sau:
o Giá miệng giếng ở mức cao, giá chuyển đổi sang giá bán điện tương ứng trên 10 UScent/kWh, do đó, gây khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng bán điện (PPA).
o Nhà máy điện Ô Môn 2 chậm tiến độ (dự kiến hoàn thành năm 2026)
o Nhà máy điện Ô Môn 3 (liên quan vốn vay ODA), Hội đồng thẩm định liên ngành chưa trình báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS), chưa có cơ sở để Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, dự kiến sẽ chậm 4 – 5 năm so với kế hoạch.
• Tín hiệu tích cực:
o Khâu hạ nguồn: Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, thay thế Nghị định 56/2020/NĐCP ngày 25/5/2020, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện Ô Môn III.
o Dự án thượng nguồn dự kiến sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối quý II/2022 sau khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho Ô Môn III trong quý II/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm 2022.
5. LNG là giải pháp cấp bách cho nguy cơ thiếu hụt khí
• Trước nguy cơ thiếu hụt của khí ngày càng tăng do nhu cầu tiêu thụ của các dự án nhiệt điện khí, nhập khẩu LNG đang được xem là giải pháp cấp bách để bổ sung nguồn cung.
• Trong kế hoạch bổ sung nguồn khí cho các nhà máy nhiệt điện, ngoài việc tập trung nguồn lực cho phát triển các mỏ thuộc các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí (Lô B, Cá Voi Xanh), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã, đang đầu tư phát triển các dự án kho chứa LNG.
• Hiện tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - đơn vị thành viên của PVN đang triển khai 2 dự án LNG gồm:
o Dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ có quy mô công suất (giai đoạn 1) xây dựng kho cảng khoảng 3,6 MTPA (3,6 triệu tấn), giai đoạn 2 sẽ tăng công suất kho lên đến 6 MPTA. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1,31 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, PV GAS đã hoàn thành FS (Báo cáo nghiên cứu khả thi) của dự án.
o Dự án kho chứa LNG Thị Vải có quy mô công suất 1 triệu tấn/năm và tiến độ xây dựng trong giai đoạn 2020 – 2022, giai đoạn 2 sẽ tăng công suất kho lên đến 3 MPTA. Tổng mức đầu tư khoảng 285,8 triệu USD, dự toán xây dựng công trình khoảng 247,6 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án này dự kiến đưa vào vận hành từ 2023 cung cấp LNG cho dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4, cũng như các nhà máy điện trong khu vực Nhơn Trạch, Bà Rịa - Vũng Tàu.
B- Tác động của giá dầu đến ngành Dầu khí
1. Giá dầu đang tăng mạnh nhất trong nhóm hàng hóa phổ biến
• Từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu và khí tự nhiên đã dẫn đầu về mức tăng giá các loại hàng hóa phổ biến trên thế giới với mức tăng lần lượt 116% và 111%. Giá dầu đã thiết lập đỉnh cao mới trong 5 năm và đang dao động quanh mức trên 100 USD/thùng.
• Nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ tăng chậm trong thời gian tới khi:
o Chiến tranh giữa Nga và Ucraina đã tạo nên cú sốc về giá dầu trong ngắn hạn. Về dài hạn các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và Châu Âu có thể làm hạn chế nguồn cung dầu và khí tự nhiên của Nga.
o Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tại COP26 về hạn chế sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
o Trong các cuộc họp gần đây, OPEC và các nước đồng minh chưa thể hiện ý muốn gia tăng nhanh sản lượng khai thác.
• Trong bối cảnh hiện nay, OPEC đang có vai trò quyết định trong việc cân đối cung cầu trên thị trường dầu mỏ và việc nhóm này quyết định cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu trong giai đoạn 2018 – 2021 khiến chúng tôi nhận thấy OPEC đang muốn giữ giá dầu ở mức cao.
• Theo dự báo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng tiêu thụ dầu mỏ năm 2022 dự kiến sẽ tăng từ mức 96,2 triệu thùng/ngày của năm 2021 lên 99,53 triệu thùng/ngày, cơ bản phục hồi về mức trước khi xảy ra dịch bệnh. Theo đó từ năm 2022 khả năng thế giới sẽ bắt đầu thiếu hụt khoảng 500 nghìn thùng dầu mỗi ngày và có thể lên đến 1 triệu thùng vào năm 2023.
2. Các doanh nghiệp trong ngành
-THƯỢNG NGUỒN: Các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác. Mục đích cuối cùng của hoạt động thượng nguồn là tìm kiếm phát hiện và đưa dầu, khí vào khai thác.
• Doanh nghiệp lớn hoạt động trong khâu thượng nguồn như: PVN, Vietsopetro, Vietgazprom (liên doanh PVN và Gazprom, Rosneft).
• Các công ty niêm yết trong lĩnh vực: PVD cung cấp dịch vụ khoan; PVS xây lắp, lắp đặt giàn khoan; GAS cũng tham gia vào khâu này khi sở hữu 25% vốn góp mỏ Sư Tử Trắng.
-TRUNG NGUỒN: Khâu trung nguồn bao gồm toàn bộ các hoạt động vận chuyển, dự trữ và phân phối.
• Các doanh nghiệp lớn trong khâu này hiện đã niêm yết với các mã sau: GAS có vai trò quản lý vận chuyển khí thông qua các đường ống; PVT, OIL vận chuyển các sản phẩm dầu khí như dầu thô và khí LPG.
-HẠ NGUỒN: Hoạt động lọc, hóa dầu, tiêu thụ khí.
• Các công ty niêm yết trong lĩnh vực: BSR có vai trò lọc hóa dầu; PLX bán lẻ các sản phẩm xăng dầu; Các doanh nghiệp nhiệt điện khí (NT2, POW) và các doanh nghiệp sản xuất phân đạm (DCM, DPM).
3. Giá dầu và đánh giá tác động đến các doanh nghiệp trong ngành
-GAS: GAS mua khí tại các mỏ theo giá khí miệng giếng và phân phối lại với giá tính theo giá MFO biến động theo giá dầu Brent. Do đó giá dầu Brent càng cao mức lợi nhuận của GAS sẽ càng lớn
-PLX: Giá xăng dầu biến động lớn tạo rủi ro cho hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu của PLX, không tốt.
-BSR: Chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm hóa dầu có xu hướng biến động theo mức tăng giảm của giá dầu thô. So với mức giá dầu brent bình quân năm 2021 là 72 USD/ thùng, giá dầu trên mức này sẽ giúp lợi nhuận BSR tăng trưởng.
-PVD: Giá vốn bình quân của các hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực Đông á vào khoảng 55 - 60 USD/ thùng, giá dầu duy trì trên mức 60 USD sẽ giúp các hoạt động này sôi động trở lại giúp PVD cho thuê giàn khoan có giá tốt hơn và số ngày sử dụng giàn cao hơn.
-PVS: Giá dầu cao sẽ giúp giá cho thuê kho nổi FSO/FPSO tăng. Các hoạt động thượng nguồn như dự án Lô B Ô Môn cũng được kỳ vọng triển khai khi giá dầu ở mức cao giúp tăng khối lượng công việc cho mảng xây lắp.
-PVT: Phần lớn doanh thu vận tải của PVT đến từ các hợp đồng với PVN, các hợp đồng này PVT sẽ không phải chịu chi phí nguyên liệu bù lại mức giá sẽ không linh hoạt như các hợp đồng vận tải bên ngoài. Giá dầu cao có thể giúp các hoạt động vận tải bên ngoài của PVT có giá tốt hơn.

C- Cổ phiếu PVS
PVS là công ty con của Tập đoàn Đầu khí Việt Nam (PVN), chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động thăm đò, khai thác dầu khí. Công ty hiện có 3 mảng kinh doanh đóng góp chính đến lợi nhuận là:
(1) Kho nổi FSO/FPSO (kho nổi chứa xử lý và xuất dầu thô);
(2) Cơ khí dầu khí M&C (thực hiện các hoạt động xây lắp trong ngành);
(3) Dịch vụ căn cứ cảng. Ngoài ra còn các hoạt động khác như cung cấp tàu dịch vụ dầu khí, bảo dưỡng và dịch vụ ROV.
• Hoạt động kho nổi FSO/FPSO: Năm 2021 hoạt động này ghi nhận diễn biến hồi phục mạnh mẽ về lợi nhuận khi mang về 506 tỷ đồng (+308% CK) từ hoạt động liên kết liên doanh cho PVS. Giá dầu tăng mạnh trong thời gian qua có thể đã giúp cải thiện giá cho thuê kho nổi của PVS. Ước tính PVS có thể mang về khoảng 700 tỷ đồng lợi nhuận từ liên kết liên doanh trong đó chủ yếu là hoạt động cho thuê 6 kho nổi của công ty. Đây sẽ là nguồn lợi nhuận mang tính ổn định cao.
• Hoạt động cơ khí dầu khí M&C: Năm 2021 là năm thấp điểm của hoạt động này khi các dự án PVS đang thực hiện vào giai đoạn cuối có doanh thu thấp hơn, trong khi đó các hợp động mới đang trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên năm 2021 công ty đã liên tiếp trúng thầu các dự án lớn ở nước ngoài đáng chú ý như:
(1) EPCI dự án Gallaf - Giai đoạn 3, gói 05 trị giá khoảng 400 triệu USD;
(2) Dự án điện gió Hai Long 2 & 3 ngoài khơi Đài Loan, đây cũng là dự án đầu tiên của PVS trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ngoài ra công ty còn đang đầu thầu các dự án khác trong nước quy mô lớn như: Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4, Dự án điện gió La Gàn… Trong lĩnh vực này PVS hiện là doanh nghiệp trong nước có vị thế dẫn đầu. • Hoạt động cảng: Tiếp tục duy trì ổn định, tạo nguồn thu tốt cho công ty.
• Năm 2021, chúng tôi dự báo công ty sẽ ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 707 tỷ đồng, tương đương năm 2020. Giai đoạn 2022 – 2023 có thể là giai đoạn tăng trưởng mạnh của PVS với mức LNST lần lượt đạt 955 tỷ đồng (+35% so với 2021) và 1.653 tỷ đồng (+73% so với 2022) với giả định giá dầu tiếp tục duy trì mức cao kéo theo hàng loạt các dự án lớn được triển khai.

ĐỒ THỊ KỸ THUẬT
PVS sau quá trình điều chỉnh đang chững lại cân bằng, cần quan sát thêm tín hiệu tạo nền giá để đưa ra quyết định mua bán.