Ông Lê Văn Kiểm không chỉ là một doanh nhân thành công với nhiều dự án bất động sản, sân golf, nghỉ dưỡng quy mô lớn trong và ngoài nước mà còn là nhân vật đứng sau hàng loạt hoạt động từ thiện được triển khai từ những năm 1990.
Tối 5/6, Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội. Tính tới thời điểm đó, tổng số tiền liên quan tới vaccine của các tổ chức và doanh nghiệp ủng hộ vào quỹ đã lên tới 8.632,33 tỷ đồng.
Nổi bật trong bảng xếp hạng là "quán quân" Golf Long Thành, với số tiền ủng hộ lên tới 500 tỷ đồng, xếp trên cả những ông lớn như Viettel hay Vingroup.
Có lẽ ít người biết, đứng sau Golf Long Thành chính là đại gia Lê Văn Kiểm, một trong những doanh nhân Việt đi đầu thời mở cửa kinh tế những năm 1980.

Sinh năm 1945 tại Thừa Thiên-Huế, ông Kiểm tốt nghiệp đại học và có bằng kỹ sư. Tuy là con liệt sỹ nhưng ông vẫn tình nguyện gia nhập quân đội, tham gia kháng chiến. Ông từng đi vào chiến trường Lào, Campuchia và chiến trường B2 sau đó về làm trong nhà nước giai đoạn nửa sau thập niên 1970.

Năm 1978, cùng với vợ mình là bà Trần Cẩm Nhung, ông Kiểm bắt đầu bước vào con đường khởi sự kinh doanh. Khi ấy, họ phải bán tài sản giá trị duy nhất của mình là chiếc Honda cũ, trị giá 1 lượng vàng, để mua một chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc. Cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng đã ra đời tại địa chỉ nhà riêng ở 39, Phan Xích Long, Phú Nhuận.

"Hai vợ chồng tôi ngày làm việc Nhà nước, tối làm thức ăn gia súc. Công thức gồm cám, bột sò, vỏ đậu phộng, dầu dừa, bắp…trộn lên thành một hỗn hợp, bán rất chạy".

"Hiệu quả cao, tiền vô thấy sướng quá trời", ông Kiểm từng kể lại như vậy trên Forbes Việt Nam.

Một thời gian sau, sản phẩm Huy Hoàng xuất hiện khắp nơi. Vợ chồng ông Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp, ép dầu từ hạt cao su để làm sơn.

Hạt cao su được thu mua ở khắp miền Nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã thì làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công. Công việc nhiều, vợ chồng ông Kiểm thuê các nơi khác gia công cho mình.

Sau sơn đến sản xuất bột màu xây dựng, gia đình ông Kiểm tiếp tục nghiên cứu sản xuất ngay trong nhà. Việc kinh doanh "1 lời 10" khiến cho ông tích lũy được tới cả ngàn cây vàng.

"Tiền về rất nhiều, chưa bao giờ chúng tôi có nhiều tiền đến thế. Mỗi tháng phải làm được cả 10 lượng vàng, mà cái nhà phố ở Phan Đăng Lưu lúc đó chỉ đáng 10 lượng vàng", ông Kiểm nói.