Nhà đầu tư trong nước bỗng nhiên rất quan tâm tới biến động của chứng khoán thế giới, nhất là Mỹ. Sự liên hệ với bên ngoài trở nên mật thiết hơn trong tuần này, chủ yếu vì chứng khoán thế giới cũng có một tuần hỗn loạn đến mức gây lo sợ toàn cầu. Mặt khác, tình hình dịch bệnh lúc này chủ yếu lan tràn ở châu Âu và Mỹ, trong khi Trung Quốc hay Hàn Quốc lại dịu bớt. Trong nước, dịch bệnh tuy có tăng nhưng vẫn kiểm soát được. Nếu chứng khoán thế giới ổn định lại nghĩa là tình hình dịch bệnh không đáng ngại.

Tuần qua VN-Index sụt giảm 14,5% trong khi S&P 500 giảm 8,79%, DJI giảm 10,36%, Nasdaq giảm 8,17%, FTSE giảm 16,97%, Italia giảm 22,69%, Đức giảm 20,01%, Nhật giảm 15,99%, Hàn Quốc giảm 14,26%, Trung Quốc giảm 4,85%, Hồng Kông giảm 8,08%. Như vậy chứng khoán Việt thuộc nhóm rơi sâu nhất trên thế giới, chỉ kém các tâm dịch Covid-19 tại châu Âu.

Tâm lý chung lúc này là nhà đầu tư cần một điểm tựa nào đó để củng cố lại tinh thần. Trong nước, số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng lên nghĩa là tình hình dịch bệnh chưa có chuyển biến mới tốt hơn. Một vài số liệu khá bi quan như tăng trưởng tín dụng đến 4/3 chỉ tăng 0,1% trong khi cùng kỳ tăng 0,85%. Các chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp thực chất không phải là “bơm tiền”, mà chỉ làm giảm áp lực lên các doanh nghiệp từ các khoản vay sẵn có.

Điều này gây thiệt hại cho các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc cho vay mới khi nhu cầu vay vốn giảm đi do doanh nghiệp thu hẹp hoạt động. Rủi ro nợ xấu tăng lên. Việc giãn nợ, giảm lãi ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng trong khi lãi suất huy động không giảm. Có thể thấy cổ phiếu ngân hàng tuần qua giảm rất sâu như VCB giảm 16%, BID giảm 25,3%, CTG giảm 14,9%, TCB giảm 17,2%, MBB giảm 17,2%, VPB giảm 18,2%, STB giảm 15,1%...

Yếu tố hỗ trợ được chờ đợi hơn là việc giảm lãi suất trong nước. Đây là động thái nới lỏng rõ ràng hơn và giới đầu tư thích điều này, khi dòng vốn giá rẻ được tung ra thì sớm muộn cũng sẽ tìm đường vào thị trường chứng khoán.

Trên thế giới, giới đầu tư nói chung cũng đang đặt cược vào một làn sóng nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ để hỗ trợ các nền kinh tế trước dịch Covid-19. Châu Âu đã tăng quy mô mua trái phiếu và sẵn sàng giảm lãi suất nếu cầu. Mỹ trước kỳ họp tháng 3 đã đột ngột cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản và kỳ họp tuần tới của FED được chờ đợi cắt giảm tiếp tới 1% nữa.

Tuy nhiên quan điểm chung trên thế giới đặt câu hỏi liệu nới lỏng tiền tệ có phải là chiến lược đúng? Điểm nghẽn lúc này là cầu tín dụng chứ không phải cung tín dụng, nên việc đẩy mạnh bơm tiền được cho là có rất ít tác dụng. Nới lỏng tín dụng không kích thích người dân ra ngoài chi tiêu nhiều hơn, đến các rạp chiếu phim đông hơn, đi lại nhiều hơn... Nới lỏng tín dụng chỉ giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn về dòng tiền, bớt áp lực trả nợ. Nói cách khác, đây là biện pháp “cầm hơi” để chờ tới lúc dịch bệnh hạ nhiệt.

Mặc dù các ảnh hưởng về yếu tố cơ bản của chiến lược nới lỏng tiền tệ vẫn còn gây tranh cãi, nhưng nếu thị trường chứng khoán hưởng ứng chính sách này thì vẫn là điều tốt đối với nhà đầu tư. Đây sẽ là điều được chú ý nhất của nhà đầu tư trong tuần tới, khi FED có thể giảm lãi suất mạnh tay. Nếu chứng khoán Mỹ hưởng ứng, thị trường trong nước cũng có thể trở nên tích cực vì Ngân hàng nhà nước rất có thể cũng sẽ quyết định giảm lãi suất điều hành.