Khi dịch bệnh đang bùng phát trên khắp thế giới và con số tử vong tăng lên mỗi ngày, người viết bỗng tự hỏi sự phát triển nhanh chóng của xã hội cuối cùng là “kinh tế vị kinh tế” hay “kinh tế vị nhân sinh”.

Hồi còn đi học, chúng ta ít nhiều đã từng được nghe thầy cô giảng về một cuộc tranh luận nảy lửa đã nổ ra trong thập niên 1930 giữa trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”. Nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ đã chịu ảnh hưởng mạnh của phong trào lãng mạn đương thời và sáng tác những bài văn, bài thơ dễ dãi. Nhà văn Nam Cao đã từng thừa nhận rằng ông cũng từng bị ảnh hưởng nhưng đã dần nhận ra thứ văn chương đó rất xa lạ với đời sống lầm than của đông đảo quần chúng nghèo khổ. Ông đã đoạn tuyệt với nó để tìm đến con đường "nghệ thuật vị nhân sinh". Theo ông, người cầm bút không được trốn tránh sự thực mà phải đứng trong lao khổ, mở tâm hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau thương kia phát ra từ những kiếp lầm than".

Ngày nay, khi dịch bệnh đang bùng phát trên khắp thế giới và con số tử vong tăng lên mỗi ngày, người viết bỗng tự hỏi sự phát triển nhanh chóng của xã hội cuối cùng là “kinh tế vị kinh tế” hay “kinh tế vị nhân sinh”.


Thế giới phương Tây hoa lệ - “Hoa” cho người giàu, “lệ” cho người nghèo

Y tế phát triển nhưng người nghèo không được hưởng lợi. Theo số liệu của Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ, các vấn đề y tế chiếm đến 66.5% các vụ phá sản cá nhân tại nước này. Lý do là chi phí chăm sóc sức khỏe tại Mỹ quá đắt đỏ và vượt quá khả năng chi trả của người lao động.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo điều kiện cho người dân Mỹ được xét nghiệm Covid-19 miễn phí. Tuy nhiên, họ vẫn phải tự thanh toán chi phí điều trị (có thể lên đến 20,000 USD). Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ chịu gánh nặng tài chính cực lớn.

Trong một thế giới hoa lệ, “hoa” luôn dành cho người giàu và “lệ” (nước mắt) luôn thuộc về người nghèo. Thậm chí, nhiều người dân ở các nước phương Tây không dám đi xét nghiệm khi có biểu hiện bị bệnh.

Người viết không hề có ý định chê bai Hoa Kỳ hay các nước châu Âu mà chỉ muốn nêu lên một thực trạng. Thế giới phương Tây có rất nhiều điểm tốt và chúng ta cần học hỏi họ. Tuy nhiên, bạn có nhiều điểm tốt không có nghĩa là bạn không có khuyết điểm nào.

Nền y tế của Mỹ và châu Âu rất phát triển và luôn dẫn đầu thế giới. Câu hỏi đặt ra là sự phát triển đó phục vụ cho ai? Rõ ràng là những người giàu, những người mua các gói bảo hiểm đắt tiền, tiêu xài mà không phải đắn đo quá nhiều về chi phí... Nếu bạn mắc Covid-19 ở Việt Nam thì ít nhất bạn cũng có thể tự tin rằng khi khỏi bệnh sẽ không có một khoản nợ khổng lồ treo trên đầu mình.

Phi nông bất ổn. Nhiều người vẫn luôn có tâm lý xem người nông dân châm lấm tay bùn, vất vả quanh năm ở một mức “thấp” hơn mình. Họ thường xem trọng, đề cao những người làm trong các ngành nghề “sang chảnh”, thu nhập hàng chục triệu một tháng, ngồi trong các văn phòng máy lạnh…

Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, mọi người đổ xô đi mua lương thực thì mới vỡ òa ra chân lý “phi nông bất ổn”. Nếu Việt Nam không phải là một cường quốc nông nghiệp thì liệu người dân có yên tâm về cuộc sống giữa mùa dịch bệnh hoành hành như bây giờ? Không có nền nông nghiệp mạnh thì xã hội rất dễ lâm vào trạng thái bất ổn.


Việt Nam phát triển "kinh tế vị nhân sinh". Đã từng có những lập luận rằng Việt Nam nên dẹp bớt diện tích trồng lương thực đi để trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu Việt Nam “kinh tế vị kinh tế” hơn và thu hẹp diện tích trồng lương thực đi thì sẽ dễ gây ra tình trạng mất an ninh lương thực. Việc duy trì một diện tích rất lớn để trồng lương thực chính là thể hiện khía cạnh “vị nhân sinh” trong quá trình phát triển của chúng ta. Người viết nói điều này không phải nhằm mục đích “nói xấu phương Tây, nâng tầm Việt Nam”. Vấn đề ở đây là mọi chiến lược phát triển đều có mặt tốt và mặt xấu. Quá tuyệt đối cái nào cũng sẽ gây mất cân bằng.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cứ việc sử dụng các công cụ của mình để điều hành thị trường. Nhưng nếu dịch bệnh vẫn tràn lan làm hàng triệu người chết như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 thì xin thưa đến mười người như ngài Jerome Powell đáng kính cũng không thể cứu nổi nền kinh tế Mỹ. Đây là một cuộc khủng hoảng đặc biệt mà không phải cứ ném tiền ra là giải quyết được!

Nhiều giáo sư kinh tế hàng đầu thế giới đã thừa nhận rằng chính sách tài khóa của Chính phủ cũng như chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ khó phát huy tác dụng nếu chúng ta thất bại trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ai có thể yên tâm làm ăn, sản xuất nếu như những người mang mầm bệnh chết người vẫn cứ thường xuyên lảng vảng xung quanh mình?
https://vietstock.vn/2020/03/kinh-te...355-740488.htm