Khi mọi thứ thuận lợi, những điều tốt đẹp luôn được phô bày ra. Khi cuộc sống trở nên khó khăn, chính là lúc mặt tối của con người lộ diện.

Trong bộ phim The Dark Knight (2008) của đạo diễn Christopher Nolan, Joker đã có một câu nói vô cùng ấn tượng khi hắn ngồi đối diện với Batman trong buồng giam ở Sở cảnh sát Thành phố Gotham: “Khi gặp chuyện ngặt nghèo, những con người văn minh này sẽ cắn xé lẫn nhau”. Ở thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 đang hoành hành, người viết bỗng nhớ lại câu nói ấy.



Joker và Batman trong phim The Dark Knight. Nguồn: Pinterest

Từ chuyện cái khẩu trang trong dịch Covid-19

Cảnh tượng người dân Việt Nam, Trung Quốc… xếp hàng dài mua khẩu trang ở các điểm bán đã không còn xa lạ kể từ đầu năm 2020 đến nay. Nỗi sợ bị lây nhiễm virus gây nguy hiểm chết người đã khiến cho hầu hết dân chúng lo ngại và phản ứng thái quá.

Việc người dân đeo khẩu trang “mọi lúc mọi nơi” và mua quá nhiều khẩu trang để tích trữ cũng đồng nghĩa với việc các bác sỹ, nhân viên y tế… có nguy cơ bị thiếu hụt khẩu trang trong quá trình chăm sóc người bệnh. Đã có khá nhiều chuyên gia lên tiếng về việc này.

Tuy nhiên, người dân có vẻ như không nghe theo khuyến cáo của các chuyên gia là mấy. Tưởng như chỉ có ở Việt Nam, Trung Quốc… thì chuyện này mới xảy ra nhưng thực tế thì tại những quốc gia phát triển lâu đời như Mỹ, Ý, Nhật Bản… tình hình cũng không khá hơn.



Người dân tại TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, xếp hàng chờ mua khẩu trang. Nguồn: AP
Người viết khá bất ngờ khi biết rằng hầu hết các báo ở châu Âu đều đăng các bài về các phương pháp phòng tránh dịch Covid-19 nhưng hầu như không nhắc đến việc đeo khẩu trang!

Ông Alex Azar, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân sinh Mỹ, cho rằng việc tích trữ khẩu trang là điều không cần thiết với người Mỹ vì nguy cơ không cao. TS Anita Patel thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) phát biểu:"Chúng tôi thấy rằng mọi người đang mua khẩu trang vì hoảng loạn chứ không phải nhu cầu thực tế".

Tuy nhiên, bất chấp lời khuyên từ các chuyên gia, người dân Mỹ và châu Âu vẫn cứ đổ xô đến các siêu thị, nhà thuốc… để “gom hàng”. Họ đang bị ảnh hưởng bởi hội chứng tâm lý bầy đàn (herding bias).



Người Mỹ đổ xô đi mua nước rửa tay và khẩu trang y tế do dịch Covid-19. Nguồn: USA Today

Đến tính bầy đàn trên thị trường tài chính

Cơn sốt mua vàng trong những tuần qua cũng hoạt động dựa trên cơ chế giống như vậy. Thấy giá vàng lên mạnh là dân chúng lại đổ xô đi mua. Khi ấy thì họ đâu quan tâm là vàng đã lên nhiều bao nhiêu trước đó hay chuẩn bị chạm ngưỡng kháng cự (resistance) nào. Sự lây lan của “virus cảm xúc” có khi còn kinh khủng hơn cả virus corona!

Tài chính hành vi, đại diện tiêu biểu nhất là GS Daniel Kahneman (Nobel Kinh tế 2002), là lĩnh vực tài chính sử dụng các lý thuyết cơ bản dựa trên tâm lý con người để giải thích những bất thường trên thị trường tài chính. Trong đó, lý thuyết tài chính hành vi chỉ ra rằng cơ chế điều chỉnh thị trường về trạng thái cân bằng không phải lúc nào cũng có thể xảy ra. Có nghĩa là sẽ có trường hợp những nhà đầu tư “hợp lý” sẽ không thể chiến thắng những nhà đầu tư “bất hợp lý”. Thị trường Việt Nam hiện nay có thể coi là một ví dụ điển hình.

VN-Index đã lao dốc khá nhiều kể từ đầu năm. Các cổ phiếu bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 như HVN, SAB, GMD,… đi xuống mạnh thì không gây bất ngờ. Điều khiến giới phân tích cảm thấy lo ngại là ngay cả những mã vốn không có nhiều liên hệ với dịch bệnh cũng bị vạ lây.

Thiết nghĩ việc dự báo chỉ số xuống đến 600 điểm hay lên 1,000 điểm trong vòng vài tháng tới vào lúc này thì cũng không quá quan trọng. Bởi vì ngay cả khi anh nói đúng và hợp lý thì chắc gì người ta đã tin. Các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới khuyên về việc mua bán và sử dụng khẩu trang người ta còn không tin thì việc các chuyên gia chứng khoán nói không ai nghe xem ra cũng là điều bình thường. Ai cũng làm theo đám đông mà thôi.

Nếu thị trường đột nhiên quay đầu tăng điểm mạnh khoảng 5-7 phiên thì có khi chả ai thèm nhớ đến Covid-19 và các ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế nữa. Bởi vì họ bận đi đua lệnh rồi!