Cách đây vài năm chúng tôi đã nhận thấy hiện tượng tài sản quản lý (asset under management - AUM) của các quỹ chủ động đang thâm hụt với tốc độ như "máu chảy" sang các quỹ thụ động như index funds/exchange-traded funds - nổi tiếng nhất là Vanguard & BlackRock iShares. Nay xu hướng này đang dần thấy rõ hơn ở Hoa Kỳ qua bài viết Bloomberg dưới, cũng như sự phát triển vượt bậc của VFM ETF tại chính Việt Nam chúng ta.

Phần lớn đều giải thích do kết quả đầu tư bình quân của nhóm đầu tư chủ động như hedge fund/mutual fund thua kém thị trường chung một khoảng xa, trong khi đánh phí quản lý (expenses) cao gấp 10-20 lần so với các quỹ thụ động chỉ số - chi phí chỉ rẻ mạt ở mức tầm 0.1%-0.2%/năm. Và đương nhiên điều nầy không chỉ nói suông, rất nhiều thống kê về performance của các quỹ đã cho thấy sự thật nầy. Và giới đầu tư lại càng tin hơn khi nhìn vào "trò đặt cược" nổi tiếng của ngài Buffett vào chỉ số S&P500 đã hạ gục 5 quỹ hedge funds mà Protege Partners chọn ra như thế nào sau chưa đầy 10 năm...
--------------------------
Trên quan điểm cá nhân, chúng tôi đánh giá xu hướng nầy mang đến cả mặt tích cực lẫn tiêu cực:
- Về mặt tích cực, index funds là một sản phẩm thay thế, buộc phố Wall phải thay đổi thứ mâu thuẫn lợi ích đã tồn tại cố hữu khi các nhân viên, CEO & nhà quản lý quỹ ở phố Wall thì ngày càng giàu lên trong khi khách hàng của họ thì lại ngày càng nghèo đi (!) Ngoài ra, đây là sản phẩm có chi phí rất thấp, rất tiện lợi giúp mọi tầng lớp có thể đầu tư vào toàn bộ nền kinh tế mà không cần kĩ năng phân tích hay quá nhiều thời gian để xử lý thông tin.

- Về mặt tiêu cực, phố Wall và giới chứng khoán sẽ mất một lượng việc làm rất lớn - kể cả môi giới, phân tích hay quản lý quỹ cho nhiệm vụ chọn lựa cổ phiếu. Có lẽ trong tương lai không xa ngành tài chính sẽ không còn là một ngành "sang trọng", "đáng mơ ước" như hiện nay nữa!

Tuy nhiên điểm tiêu cực hơn hết, ETF/Index Funds có xu hướng mua những cổ phiếu vốn hóa lớn với tỷ trọng cao trong danh mục, do đó khiến thị trường dễ bị méo mó về mặt định giá (như VN30-Index gần đây) và khiến cuộc chơi của những NĐT giá trị quản lý tài sản lớn sẽ khắc nghiệt hơn rất, rất nhiều lần. Ngoài ra, khi những sự kiện thiên nga đen xảy ra , dòng vốn index/ETF rút nhanh có thể khiến TT đổ sập nghiêm trọng trong khoảng thời gian rất ngắn, và có lẽ từ bây giờ chúng ta nên chuẩn bị dần cho kịch bản đó...

Dù vậy, như trong ấn phẩm 25 vừa qua chúng tôi có nhấn mạnh: chúng tôi tin rằng trong dài hạn, vùng hoạt động cho các NĐT giá trị năng động có vốn liếng vừa và nhỏ luôn rộng mở như những cánh đồng miên man vậy... Anh ta luôn có thể chọn chiến lược khác biệt hóa với các quỹ index, hoặc học cách tham lam khi "ETF sợ hãi" và ngược lại. Đó không hẳn là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng đó chính là một cái thú vô cùng trên con đường tràn đầy đam mê nầy!
----------------------------
Bài viết gốc của Bloomberg khá hay về xu hướng trên: https://www.bloomberg.com/graphics/2...nt-in-decline/
Bình luận của chúng tôi suốt 1 năm qua về các quỹ chỉ số, quỹ ETF, quỹ chủ động, v.v:
https://newslettervietnam.com/discus...chi-so-tai-vn/
https://newslettervietnam.com/discus...-quy-etf-vn30/
https://newslettervietnam.com/discus...e-quy-uy-thac/

Saigon, đăng ngày 19.08.2019, bởi S.A.F.E team - Golden Newsletter Vietnam