Giữa một rừng các ngân hàng đã niêm yết, SHB vẫn có chỗ đứng nhất định của mình và trở thành sự lựa chọn của một số nhà đầu tư với “thương hiệu” nổi bật là “giá rẻ nhất”. Hiện nay, xét theo phương pháp định giá thu nhập thì P/E trượt 12 tháng của ngân hàng này hiện chỉ đang ở mức 4,5x, trong khi mức trung bình của toàn ngành thì đâu đó trên 10x. Thú thực SHB có rẻ nhất hay không thì chúng tôi cũng không rõ (vì mỗi người có một phương pháp tiếp cận khác nhau), nhưng dù giá của cổ phiếu có rẻ hơn nữa thì cũng rất khó để xem xét rót vốn khi mà chất lượng tài sản của ngân hàng này vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng quan ngại.

1. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Nguồn vốn thiếu vững chắc: Tổng tài sản của SHB tại thời điểm cuối năm 2018 đạt hơn 323.000 tỷ đồng, thuộc nhóm quy mô trung bình trong hệ thống các ngân hàng niêm yết, tương đương với một số ngân hàng khác như ACB, MBB, TCB, VPB,... Tuy nhiên cơ cấu nguồn vốn của SHB lại thuộc loại kém vững chắc khi tỷ lệ VCSH/tổng tài sản của ngân hàng hiện chỉ đạt 5,1% - thuộc hàng thấp nhất. Với cơ cấu nguồn vốn như vậy, SHB sẽ còn cần phải đẩy mạnh phát hành để huy động vốn, cải thiện hơn nữa hệ số CAR và đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn Basel II. Việc này sẽ kéo theo rủi ro pha loãng cho các nhà đầu tư, đặc biệt khi mà tình hình kinh doanh của SHB vẫn còn thiếu ổn định.

- Đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 cao nhờ vào việc thu hồi nợ xấu: SHB cho biết, dự kiến năm 2019 sẽ thu hồi được 3.500 tỷ đồng nợ xấu, và đây sẽ trở thành động lực chính để giúp ngân hàng hoàn thành kế hoạch kinh doanh cao đã đặt ra với mức tăng trưởng LNST công ty mẹ khoảng 2.454 tỷ đồng (+47% YoY). Ngân hàng cũng cam kết sẽ thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, trong đó trích lập cho các khoản nợ đã bán VAMC năm 2019 dự kiến 2.164 tỷ đồng. Chúng tôi không đặt nhiều niềm tin vào kế hoạch này cũng như cam kết của ban lãnh đạo SHB đề ra (vì xưa nay SHB cũng không nổi tiếng về uy tín cho lắm). Nếu có thể thực hiện thì đây có lẽ sẽ là khoản thu hồi nợ lớn nhất của công ty từ trước đến nay, tuy nhiên hiện điều này có vẻ không dễ khi mà SHB chưa có một công bố nào cụ thể, đồng thời trong Q1/2019 kết quả kinh doanh tăng trưởng cao của ngân hàng vẫn đang nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ việc không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

2. VẤN ĐỀ REVIEW

- Nợ xấu còn nhiều và chất lượng tài sản kém: Kể từ sau ngày sáp nhập với Habubank năm 2012 SHB đã nâng cao lên được rất nhiều quy mô tài sản của mình, tuy nhiên con số nợ xấu cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Tính đến hết năm 2018, ước tính SHB còn khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC chưa trích lập xong, cao hơn nhiều so với con số LNST khoảng 1.600 tỷ của ngân hàng hiện tại. Dự kiến phải tới giai đoạn 2023 – 2024 SHB mới có thể hoàn thành việc trích lập. Còn nói về nợ xấu nội bảng của SHB, mặc dù hiện vẫn “miễn cưỡng” có thể coi rằng tỷ lệ này đang thấp hơn mức quy định chung của NHNN là 3%, tuy nhiên tỷ lệ bao nợ xấu của SHB những năm qua luôn chỉ dao động ở mức 0,5 – 0,6, thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng an toàn là 1. Qua đó có thể thấy chất lượng tài sản của SHB còn nhiều vấn đề cho thấy sự yếu kém.

- Giá trị cổ phiếu: Chúng tôi chưa nhìn ra được lợi thế cạnh tranh của SHB khi chất lượng tài sản còn thấp, hệ số NIM cũng như CASA kém hơn nhiều so với mức trung bình ngành, công nghệ số không có gì nổi bật, hay uy tín của ban lãnh đạo vẫn còn nhiều nghi vấn,... Đồng thời chúng tôi cũng chưa bao giờ đồng thuận với quan điểm “giá cổ phiếu rẻ” sẽ trở thành một lợi thế canh tranh cho sự phát triển lâu dài của một doanh nghiệp. Do đó, với triển vọng còn khá ảm đạm, chúng tôi cho rằng dù giá cổ phiếu có rẻ hơn đi chăng nữa thì đây vẫn là một câu chuyện mà các nhà đầu tư nên quan sát, tất nhiên là với vị thế người ngoài cuộc.

#SHB_TrueValueCapital