Cũng như một số doanh nghiệp ngành dệt may khác, năm 2018 đã khép lại cùng nhiều thành công đối với VGG khi doanh thu và LNST công ty mẹ lần lượt đạt tốc độ tăng trưởng 15% và 24% YoY. Diễn biến tích cực đối với toàn ngành có vẻ vẫn đang tiếp tục, tuy nhiên chúng tôi lấy làm thú vị riêng đối case của VGG và đang hồ hởi theo dõi xem liệu đây có trở thành một hiện tượng trong năm 2019 này. Nguyên nhân đơn giản là vì một doanh nghiệp có quy mô và vị thế nhất nhì ngành cùng thương hiệu may mặc Việt Tiến vang dội, mà lại đang có cổ phiếu được giao dịch ở mức P/E forward chỉ là 5x.

1. ĐỘNG LỰC
- Vấn đề còn lại chỉ là ở đầu ra sau khi có dự án nhà máy Việt Long Hưng: Như đã nói trong bài viết trước, VGG đã triển khai xây dựng dự án nhà máy Việt Long Hưng – một trong những con át chủ bài của tập đoàn này trong giai đoạn phát triển hiện tại. Với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, quy mô sản xuất lúc hoàn thành sẽ tăng khoảng gấp đôi so với lúc chưa xây nhà máy (dựa trên số lượng lao động, sau khi hoàn thành VGG sẽ tuyển thêm khoảng 10.000 người, nâng tẩng số lao động lên khoảng 20.000 người). Hiện nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 trong Q1/2018, và tuyển dụng xong khoảng 2.000 lao động. Chúng tôi cho rằng với Việt Long Hưng, “bài toán kinh doanh” tại VGG đã được quy về vấn đề đầu ra của sản phẩm, đó là còn chưa kể đến nhà máy này ứng dụng rộng rãi công nghệ 4.0 trong sản xuất với nhiều máy móc tân tiến có thể giúp cho VGG cải thiện biên lợi nhuận của mình hơn.

- Mở rộng mạng lưới khách hàng thông qua các hiệp định thương mại: Hiện khoảng 80% doanh thu của VGG đến từ xuất khẩu, trong đó phân bổ khá đồng đều tại các thị trường lớn như Nhật (khoảng 30%), Mỹ (khoảng 20%), EU (khoảng 20%), và các thị trường khác (khoảng 30%). Điều này vừa giúp VGG không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, vừa được hưởng lợi tích cực và đồng đều từ cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, CPTPP, lẫn EVFTA. Chúng tôi cho rằng diễn biến chiến tranh thương mại sẽ khó kéo dài trước sự tổn thất đáng kể của cả Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên hiện vẫn còn đó CPTPP và sắp tới sẽ có thêm EVFTA, từ đó nâng cao năng lực tìm kiếm khách hàng mới cho VGG tại hai thị trường chủ lực khác là Nhật và EU. Bên cạnh đó, VGG còn đang xây dựng kế hoạch mở rộng sang thị trường Trung Quốc với thương hiệu mới là Viettien House. Hiện chúng tôi chưa có bình luận gì về vấn đề này, tuy nhiên tin rằng ban lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của VGG sẽ có những bước đi thận trọng.

2. RỦI RO
- Hàng giả hàng nhái: Sau khi xem lại và đắn đo một hồi về các rủi ro kinh doanh tại VGG hiện tại, chúng tôi vẫn giữ lại rủi ro đã nêu trong bài viết trước là về hàng giả và hàng nhái tại Việt Nam, khi mà VGG vẫn muốn phát triển một các cân bằng tại thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Hiện nay vấn đề này đã bớt căng thẳng hơn những năm trước, tuy nhiên theo một nhận định của ông Lê Tiến Trường (Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cho biết hiện sản phẩm của thương hiệu Việt Tiến bị làm giả nhiều nhất, với ước tính 50% sản phẩm trên thị trường nội địa là hàng nhái. VGG vẫn sẽ cần tiếp tục kết hợp với các đơn vị quản lý thị trường rà soát kỹ lại các đơn vị kinh doanh của mình, không bao giờ được chủ quan trong cuộc chiến với hàng giả và hàng nhái.

- Vấn đề giá cổ phiếu và thanh khoản giao dịch: Thời gian quan VGG không được nhắc đến nhiều nếu so với các doanh nghiệp ngành dệt may khác như TCM, TNG, STK dù cho nền tảng tài chính của công ty vững chắc hơn rất nhiều, trong khi triển vọng kinh doanh thì không hề kém cạnh. Đối với thanh khoản giao dịch, chúng tôi vẫn nêu cao quan điểm rằng đây chưa bao giờ là một “tín hiệu mua”, hay nguyên nhân để chúng ta từ bỏ đi một doanh nghiệp tốt. Còn đối với vấn đề giá cổ phiếu thì đó mãi mãi là một bí mật của “Mr.Market”, như biết bao câu chuyện khác trên sàn chứng khoán – nơi mà điều gì cũng có thể xảy ra.

3. GIÁ TRỊ CỔ PHIẾU
Đối với cổ phiếu của VGG năm 2019 hiện tại chúng tôi cho rằng có 2 kịch bản chính như sau: (1)Cổ phiếu trở nên hấp dẫn trước tiềm năng tăng trưởng vững chắc của doanh nghiệp, sau một thời gian dài bị định giá thấp, được giao dịch sôi động hơn bởi các trader “chuyên nghiệp”; (2)Vẫn như mọi khi, cổ phiếu tiếp tục ảm đạm khi chỉ “lèo tèo dăm mống” với “đôi ba cái lệnh”, bất chấp mức tăng trưởng 2019 ước tính là 10%, cùng với mức giá trị tương đương là khoảng 110.000 đồng/cổ phiếu (thận trọng). Điều này cũng có nghĩa sau 2019, mức P/E forward có thể rơi về mức 2x hoặc 3x – một mức “hư cấu” trong mắt các nhà đầu tư giá trị thực sự. Dù xảy ra theo kịch bản nào đi chăng nữa, dù đối với các trader ngắn hạn hay các nhà đầu tư giá trị trong dài hạn, chúng tôi tin chắc rằng VGG sẽ trở thành một hiện tượng trong năm 2019.

#VGG_TrueValueCapital