Quy mô vốn ngày càng vững chắc, chất lượng tài sản ngày một đảm bảo, tình hình kinh doanh vẫn đang cho thấy sự hiệu quả với hệ sinh thái khách hàng gồm nhiều doanh nghiệp lớn và tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) càng lúc càng cao,… Đó là những lời “có cánh” mà nhiều người có thể dùng để đánh giá về TCB thời điểm hiện tại. Không đi ngược lại với những nhận xét này, tuy nhiên chúng tôi cho rằng TCB có thể cũng sẽ là một khoản đầu tư tuyệt vời, nếu như không có việc giá cổ phiếu đã không còn rẻ nữa.

1. ĐÁNH GIÁ CHUNG

- Khả năng tăng trưởng 20% năm 2019 nhờ tín dụng và trích lập dự phòng: Chúng tôi cho rằng hiện tại, động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận của TCB năm 2019 vẫn là đến từ tăng trưởng tín dụng. Nhờ việc hạn chế tăng trưởng cho vay khách hàng năm 2018, TCB đã giảm được hệ số LDR xuống mức 78%, từ đây tạo ra dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong năm tới. Bên cạnh đó, TCB còn có một mảng khác rất tiềm năng hỗ trợ cho thu nhập lãi thuần mà đã thể hiện xuất sắc trong năm 2018 - mảng kinh doanh trái phiếu. Ngoài ra, TCB vẫn còn một “cần gạt” khác để nâng lợi nhuận của mình là cắt giảm tỷ lệ trích lập dự phòng. Hiện chất lượng tài sản của TCB khá ổn khi đã hoàn thành trích lập cho trái phiếu của VAMC từ năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ ở mức 1,8%, còn tỷ lệ bao nợ xấu đạt mức 0,9, do đó năm 2019 TCB vẫn có thể tiếp tục tận dụng yếu tố này để hỗ trợ lợi nhuận.

- Nâng cao thu nhập ngoài lãi, tránh phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh vốn: Đối với năm 2019 này chúng tôi cho rằng thu nhập ngoài lãi của TCB sẽ khó có sự bứt phá mạnh, do đã hạch toán một khoản thu đột biến 894 tỷ đồng từ việc thoái 100% vốn khỏi Techcomfinance trong Q1/2018. Tuy nhiên phải thừa nhận một điều rằng cơ cấu thu nhập của TCB có sự chuyển dịch rõ rệt từ năm 2014 với tỷ trọng thu nhập ngoài lãi liên tục tăng mạnh, giúp cho mô hình kinh doanh của ngân hàng bớt rủi ro hơn. Tỷ trọng thu nhập lãi thuần giảm đi khi mà tỷ lệ tăng trưởng vẫn ở mức cao, cho thấy chiến lược đa dạng hóa nguồn thu qua hoạt động ngoài lãi của TCB đang rất được chú trọng và đã có những kết quả ấn tượng. Hết năm 2018, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi đạt 39% - mức cao nhất hệ thống ngân hàng. Việc theo đuổi chiến lược đa dạng hóa nguồn thu sẽ giúp TCB giảm thiểu rủi ro hạn chế tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.

2. VẤN ĐỀ REVIEW

- Mô hình kinh doanh có tính chu kỳ cao: Đây là một rủi ro chung cho toàn ngành ngân hàng, tuy nhiên ở TCB nó đặc biệt được nhấn mạnh do hệ sinh thái khách hàng gồm nhiều những doanh nghiệp quá lớn, đặc biệt là bộ ba Vincom – Masan – Vietnamairlines. Bên cạnh đó mô hình kinh doanh của TCB cũng đi liền với xu hướng phát triển của nền kinh tế khi được dẫn dắt bởi xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư BĐS. Chính vì vậy, khi chu kỳ kinh tế đi xuống, TCB sẽ là một trong những ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên việc dự đoán xu hướng của nền kinh tế (cũng như diễn biến VN-Index) là một điều “quá khó” đối với chúng tôi, và hiện rủi ro này cũng chưa đe dọa tới các nhà đầu tư vào TCB khi nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn còn đang cho thấy sự ổn định cao.

- Giá trị cổ phiếu: Từ lúc lên sàn vào năm ngoái cho đến nay, định giá về TCB vẫn luôn là một trong những đề tài tranh luận sôi nổi nhất của báo chí cũng như công chúng đầu tư. Tuy nhiên giữa một “rừng ý kiến”, chúng tôi lại có góc nhìn đơn giản hơn, đó là do đơn vị tư vấn niêm yết của TCB (VCSC, tức Chứng khoán Bản Việt) đã quá lạc quan về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Sau những lập luận đầy cảnh “mây trời non nước”, có thể VCSC đã khuyến nghị giá mua vào của mấy năm sau đó. Còn riêng đối với chúng tôi, với mức EPS F2019 là khoảng 2.900 đồng như hiện tại cùng với diễn biến tăng trưởng chậm lại của ngành ngân hàng thì giá trị của TCB chỉ đâu đó ở mức 30.000 đồng, cho nên biên an toàn cho mức giá 26.000 đồng của TCB đã là khá hẹp. Thực sự giá của TCB cũng chưa quá đắt, tuy nhiên nói rẻ thì chắc cũng không còn rẻ nữa đâu.

#TCB_TrueValueCapital