Bloomberg: Cổ phiếu dược Việt Nam quá hấp dẫn

Trong khi thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng và người dân ngày càng chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe, nhu cầu dược phẩm tăng dẫn tới doanh thu ngành dược liên tục tăng. Cùng với độ mở ngày càng rộng của thị trường chứng khoán Việt Nam, ngành dược đang nổi lên là một trong những món hời đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Với sự góp mặt của công ty dược Nhật Bản Taisho, cổ phiếu Dược Hậu Giang đã tăng 40%. Hãng dược Nhật Bản mới đây lại vừa đăng ký mua vào thêm 1tr cổ phiếu DHG để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 35%

Trong khi tầng lớp thu nhập trung bình mới nổi tại Việt Nam ngày càng chú ý đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhu cầu nắm giữ cổ phiếu ngành dược của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Tuy nhiên, room dành cho khối ngoại hiện còn rất hạn chế.

Theo báo cáo của BMI Research, quy mô thị trường dược Việt Nam được dự đoán sẽ tăng từ 4,2 tỷ USD trong năm 2015 lên 7,2 tỷ USD vào năm 2020 và sau đó duy trì tốc độ tăng trưởng thường niên 2 con số cho đến năm 2025. Sáng lập viên Mekong Capital cũng cho rằng ngành dược Việt nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 10-15% mỗi năm.

Cổ phiếu Traphaco – công ty dược lớn thứ 2 niêm yết trên sàn – đã tăng 70% trong năm 2016. Hai cái tên nằm trong top 5 cũng tăng đáng kể. Cổ phiếu Imexpharm cũng tăng 40% và dược Cửu Long tăng mạnh 135%. Trong năm này, chỉ số VN Index tăng 12%.

Mặc dù giá tăng mạnh nhưng cổ phiếu của những công ty này vẫn đang được định giá thấp so với thế giới. P/E của DHG là 19,4 lần, DBD là 12 lần và CDP là 8,43 lần. Trong khi đó, chỉ số P/E ngành dược của Thái Lan ở mức 14 lần và Hàn Quốc là 37,9 lần.

“So với cổ phiếu ngành dược tại các thị trường mới nổi, cổ phiếu ngành dược Việt Nam vẫn khá rẻ”. Giám đốc phân tích của Maybank Kim Eng nhận định.

Dược Hậu Giang, Imexpharm và Domesco đều đã kín room cho nhà đầu tư nước ngoài. Khối lượng cổ phần khối ngoại nắm giữ tại Traphaco là 45%. Trong khi ấy room dành cho nước ngoài ở Bidipha và Codupha vẫn còn khá lớn

Đặc tính chung của cổ phiếu ngành dược là khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên tương đối thấp do nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dược thường muốn nắm giữ dài hạn chứ không thích lướt sóng.

Tổng giám đốc Mekong Capital – Chris Freund nhận định cổ phiếu ngành dược đang khá hấp dẫn ở thời điểm hiện tại và các nhà đầu tư chiến lược thường ưa thích trả giá cao hơn cho khối lượng cổ phiếu chiếm tỷ lệ lớn. “Tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy nhiều thương vụ mua bán cổ phiếu hơn trong vòng 12 tháng tới”.